Thí dụ về điều tệ hại khi dịch

Liên hệ QC

handung107

Thành viên gắn bó
Thành viên danh dự
Tham gia
30/5/06
Bài viết
1,630
Được thích
17,436
Nghề nghiệp
Bác sĩ
Cuốn "Hướng dẫn cách biên tập"
- Bản dịch cực kỳ tệ hại của NXB Thông Tấn
(phần 1)​

Cách đây không lâu, những sai sót nghiêm trọng về dịch thuật của quyển "Nghề làm báo" trong bộ sách nghiệp vụ do NXB Thông Tấn phát hành đã bị vạch ra. Tưởng chỉ có thế, dè đâu... cái dốt, cái liều mạng và cái ẩu của những người làm cuốn "Hướng dẫn cách biên tập" còn khủng khiếp hơn...

Trong một buổi học nghiệp vụ tổ chức tại Trung tâm Nghiệp vụ của TTXVN ở TPHCM mới đây, tôi hết sức ngạc nhiên khi một học viên đặt câu hỏi:

- Xin thầy giải thích giùm phải chăng tin vắn phải bao gồm những sự thất bại?

Gặng hỏi tỉ mỉ anh bạn học viên đó, tôi mới biết được định nghĩa “siêu phàm” nói trên về tin vắn xuất phát từ quyển Hướng dẫn cách biên tập do NXB Thông Tấn ấn hành. Tôi chợt cảm thấy hiểu biết của mình về tin sao hạn chế quá đành khất để tìm hiểu thêm...


Cũng may tôi có nguyên bản và bản dịch

Về nhà, tôi lật ngay bản dịch trong bộ sách nghiệp vụ hơn 10 quyển mà NXB Thông Tấn vừa mới long trọng “chọn dịch và biên soạn công phu khoa học từ các tài liệu nước ngoài” phát hành để chào mừng Ngày Báo chí VN 21-6 2003, tôi có mua đủ nhưng chưa hề rớ tới. Hướng dẫn cách biên tập được dịch từ nguyên tác Guide de la Rédaction của tác giả Michel Voirol nằm trong bộ sách nghiệp vụ nổi tiếng của CFPJ. Người dịch là Nguyễn Thu Ngân, chịu trách nhiệm nội dung là Đoàn Tử Diễn. Bản dịch do Đồng Quang Tiến, Phùng Thị Mỹ biên tập.

Và ở trang 67, tôi gặp ngay đoạn văn cần tìm: “3.Tin vắn - Đó là một tin ngắn, có tầm quan trọng gần như phần đóng khung, mang tính chất giai thoại, hội họa, vui vẻ hoặc tò mò, thể hiện những thông tin chi tiết mới về các nhân vật được biết đến...

Trong tin vắn có rất nhiều sự thất bại. Đó là tin có tính chất tò mò, những điều dại dột và diễn ra ngược đời...”

Ôi! Rùng rợn thay, chỉ có 7 hàng trong nguyên tác mà dịch sai be sai bét từ chữ đến nghĩa, từ từ chuyên môn cho đến từ thông thường, từ văn phạm cho đến kiến thức tổng quát. Cái mà “dịch giả” Nguyễn Thu Ngân gọi là tin vắn trong nguyên bản là Écho, một thể loại tương đương với Chuyện bên lề hoặc hậu trường báo chí ta thường dùng, thể hiện với bút pháp châm chích, trêu chọc về hành động hay cử chỉ của một nhân vật thời sự nổi tiếng... từ information có nghĩa là thông tin bị nhầm lẫn với thể loại tin tức.

Từ filet có hai nghĩa, một là đường vạch thẳng đứng hoặc nằm ngang chia trang giấy ra làm hai phần tách biệt, hai là một cái tin ngắn nhưng dài hơn và chứa đầy đủ 6 yếu tố cơ bản của thông tin hơn ( Ai, cái gì, ở đâu, khi nào, thế nào và tại sao) so với thể loại Đọc nhanh, có tít, và được đóng khung để nhấn mạnh... thì bị gán cho tên là Phần đóng khung.

Tương tự như vậy, từ la chute có nghĩa là sự xuống dốc, thất bại, sụp đổ và nhiều nghĩa khác. Nghĩa được dùng trong trường hợp này là đoạn kết của bản tin, người dịch không hề biết. Động từ compter cũng có rất nhiều nghĩa, Nguyễn Thu Ngân chớp ngay nghĩa “có” của ngoại động từ (verbe transitif). Cái gì phải đến ắt sẽ đến, câu “Dans un écho, la chute compte beaucoup...” thay vì dịch “Trong một chuyện bên lề (hoặc hậu trường), đoạn kết rất quan trọng...” theo nghĩa của nội động từ (verbe intransitif) thì nó bị biến thành trò hề “Trong tin vắn có rất nhiều sự thất bại,... ”.

Đó là chưa kể hàng loạt từ tiếp theo đều bị hiểu sai nên đoạn dịch mà chúng tôi trích dẫn trên càng thêm tối tăm u ám: tính từ "mới" bị hiểu là "tin"; "câu nói vô ý tứ" bị chuyển ngữ thành "tính chất tò mò"; "sự xấc xược" hóa ra "những điều dại dột"; "điều ý nhị" thành "hội họa"; hai từ "chuyện nghịch lý" và "tiền hậu bất nhất" thì được thay thế bằng cụm từ “diễn ra ngược đời” một cách ngược ngạo.


Thổ dân Nam Mỹ thành người Ấn Độ và người cộng sản!

Lật đâu thêm vài chục trang, không thể nào tưởng tượng nổi khi nhìn thấy phần dịch một bài báo mẫu hướng dẫn trình bày bản thảo (bản dịch, tr.89). Nguyên tác ghi:

Titre: Les Rouges à Paris

SS/T: Une Journée internationale des Indiens d’Amérique aura lieu à Paris le 15 octobre

Bản dịch bèn “xài”: Những người cộng sản ở Paris. Tít trên (?): Ngày Quốc tế những người Ấn Độ ở Paris. Sự nhầm lẫn khó tha thứ!

Về nghĩa, từ Rouges là từ rút gọn của Peaux-Rouges chỉ những người da đỏ, bị dịch giả chế biến thành những người cộng sản. Từ Indiens d’Amérique là thổ dân châu Mỹ trở thành những người Ấn Độ. Về ký hiệu SS/T là sous-titre (tít phụ ở dưới tít chính) ngay trong sách có giải thích rất rõ ràng vậy mà nỡ lòng biến thành tít trên (surtitre)!!!

Đọc hết bản dịch bài mẫu nầy mới thấy nó là một mớ hổ lốn những từ và những câu không ăn nhập gì với nhau, chúng tôi sẽ nói thêm ở phần sau để thấy cái dốt, cái liều mạng và cái ẩu của những người làm quyển sách nầy nó khủng khiếp biết dường nào.

NLĐ(11/12/2003)
 
Cuốn "Hướng dẫn cách biên tập" -
Bản dịch cực kỳ tệ hại của NXB Thông Tấn
(phần 2)​

Cách đây không lâu, những sai sót nghiêm trọng về dịch thuật của quyển "Nghề làm báo" trong bộ sách nghiệp vụ do NXB Thông Tấn phát hành đã bị vạch ra. Tưởng chỉ có thế, dè đâu... cái dốt, cái liều mạng và cái ẩu của những người làm cuốn "Hướng dẫn cách biên tập" còn khủng khiếp hơn...


Chữ nọ xọ chữ kia, từ thông dụng cũng không biết
Có thể cũng có người cho rằng: Đây là sách chuyên ngành báo chí nên có nhiều từ chuyên môn, sai trật có thể thông cảm được.

Sự thật hoàn toàn không phải vậy! Xin xem thử đoạn văn theo lẽ phải dịch như sau: “Trong một cuộc trao đổi bình thường, nhà báo phải công khai hỏi người đối thoại rằng câu phát biểu nào của ông ta có thể trích dẫn được” người dịch xơi gọn: “Trong một cuộc trò chuyện đặc biệt nhà báo phải yêu cầu người đối thoại với mình xem anh ta có thể đưa ra điều gì” (bd, tr.60). Tính từ ordinaire (bình thường) đâu có phải từ chuyên ngành mà hiểu ra “đặc biệt”?...

Nhưng như thế cũng chưa tệ hại bằng câu sau đây: “Tổng thống xin từ chức, ông X và Y đã đề cao ứng cử viên của mình” và “Những người đại diện đầu tiên bị thất bại hoàn toàn, căn phòng vắng đến một nửa”(bd, tr.8). Câu “X et Y ont posé leur candidature” là “X và Y đã ra ứng cử” đã bị hiểu méo mó như thế, người ta không phân biệt được từ candidat (ứng cử viên) và từ candidature (sự ứng cử) và nghĩa của động từ poser. Tương tự như vậy, từ représentation là buổi biểu diễn bị “nhầm” thành những người đại diện (représentants) nghĩa là nhầm cả ngữ nghĩa lẫn số ít, số nhiều!

Và đây là phần trình bày đặc tính cá thể hóa của cái bản dịch quái thai này, bạn đọc xem thử coi có ai hiểu gì không : “Cá nhân hóa. Một trong những ưu tiên của thời luận là có thể nói “tôi” không phức tạp. Không bắt buộc phải nói tôi và còn ít những từ nầy xuất hiện trong mỗi đoạn...” (bd.,tr.75) . Huyền bí như lời người cõi âm qua miệng mấy cô đồng. Nguyên văn có thể dịch đơn giản thế nầy: “Cá thể hóa.- Một trong những ưu quyền của nhà bình luận thời sự là có thể xưng “tôi” mà không chút mặc cảm . Không chỉ vì ông ta bị buộc xưng “tôi” và ít nhất ông ta phải nhập vai diễn trong mỗi đoạn, mà vì thể loại nầy gắn bó mật thiết với tác giả”. Mặc cảm (danh từ) bị lẫn lộn với phức tạp (tính từ); dịch giả còn chứng tỏ mình hoàn toàn không biết các ngữ thức về nguyên nhân, hậu quả, tương phản.

Không thể đếm hết được bao nhiêu từ thông thường mà Nguyễn Thu Ngân không biết hoặc biết trật lất, xin kể thêm vài ví dụ, không chỉ khôi hài mà còn ảnh hưởng đến nội dung làm người học theo sách hiểu sai và thực hành sai nghiêm trọng. Trang 29, một bài báo dài 3.000 ký tự (signe) nghĩa là 3.000 mẫu tự gồm cả dấu chấm câu và khoảng trắng giữa hai từ thì dịch là 3.000 dòng! Trang 20, tạp chí thời sự (news magazine) thành tạp chí mới. Trang 21, trang nhất (La Une –viết hoa) dịch là số 1. Trang 73, báo chí học dịch là nghề báo, tương tự ở trang 9 báo chí bị chế tác thành nhà báo, văn học thì chuyển thành nhà văn! Trang 8, tác giả viết mỗi bài báo chỉ chứa đựng một thông điệp cốt yếu và phải biết lựa chọn góc độ thể hiện, bị bịa thành “phải ưu tiên lựa chọn vấn đề gai góc”.

Và còn gì buồn cười hơn khi cuộc bút chiến (polémique) bị hiểu là tờ khiếu nại (bd,tr.72), cuộc đảo chính (coup d’État) = cú Nhà nước, nhà văn (homme de lettre) bị Hán hóa thành nho sĩ, religion và tính từ của nó là religieux chỉ tôn giáo nói chung thì lúc bị gọi là đạo Thiên Chúa (bd, tr.18) lúc trở thành đạo Phật (bd, tr.91). Ở trang 75, tờ báo có quan điểm dứt khoát (opinion marquée) được dịch ra tờ báo dư luận rất chú ý (nhầm từ marquée với từ remarquée).Trang 11, tác giả viết : câu dài “quá 40 từ, phần lớn (une bonne partie) nội dung câu không còn được ghi nhớ”, từ bonne đúng là hay,đẹp và từ partie đúng là phần nhưng gộp lại mà dịch là “phần hay” thì...!

Có thể lập hẳn một “từ điển Nguyễn Thu Ngân” với hàng ngàn mục từ quái đản như vậy.


Kiến thức phổ thông thấp kém, văn phạm bị bất chấp
Có học qua địa lý phổ thông chắc ai cũng biết từ Balkans là bán đảo Balkans gồm các nước Yougoslavie, Albanie, Bulgarie, Hy Lạp, phần Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Âu, thế mà người dịch đẻ ra thêm một “đất nước Bancăng” mới (bd, tr.73). Sự kém hiểu biết đi xa hơn khi nguyên tác đề cập đến từ điển Littré lai bị tưởng là me-xừ Littre nào đó (bd,tr.72). Ở trang 42, nguyên tác đưa ra một ví dụ về tin bắt đầu bằng “ một tác phẩm của Rembrandt” (họa sĩ Hà Lan nổi tiếng 1606-1669, chú thích của Tòa soạn) có lẽ người dịch không biết Rembrandt là cái gì nên viết luôn “Rembrandt của bảo tàng thành phố...”.

Và đây, một sự hài hước, nguyên văn tác giả viết: “Mọi người đều tin rằng tướng De Gaulle đã nói trước một cuộc trưng cầu dân ý: “Hoặc là tôi hoặc là sự hỗn độn”. Sai! Đó chính là một cái tít của tờ Combat (từ Combat được viết hoa cẩn thận để chỉ rõ là danh từ riêng - TS ghi chú) tóm tắt bài diễn văn của ông ta”, người dịch chắc cảm thấy mình hiểu rõ quá bèn... kiên quyết dịch đủ không bỏ qua từ nào (chuyện hiếm thấy): “...Đó chính là một cái tít viết cho một trận đấu tóm tắt bài phát biểu của ông ta”. Câu không có nghĩa gì cả mà cũng không băn khoăn gì khi viết và biên tập , hay thật!

Xuyên suốt bản dịch, không khó khăn gì cũng nhận ra, nguyên tắc cơ bản của dịch giả và người biên tập là: từ nào không hiểu thì cứ dịch đại, bậy bạ cũng không sao, câu nào trúc trắc thì bỏ qua luôn bất chấp mạch văn và ý nghĩa của câu thế nào. Một ví dụ điển hình của không hiểu -dịch bậy: Nguyên tác viết “thông thường bài xã luận được trình bày bằng cỡ chữ lớn hơn (plus gros) và/hoặc đậm hơn (plus gras) “ bản dịch ở trang 71: “nói chung nó được thể hiện một cách rộng rãi và phong phú nhất”. Lớn hơn biến thành rộng rãi thì còn nghe tàm tạm chứ đậm hơn mà thành phong phú thì...quả là trời ơi! (Xin ghi chú thêm: Người dịch không hề biết các ngữ thức chỉ sự so sánh và cấp độ so sánh nên cứ nhầm nhiều hơn, lớn hơn, nhỏ hơn thành nhiều nhất, lớn nhất, nhỏ nhất). Cũng cùng trang nầy tác giả viết: Bài bình luận thường chiếm vị trí ưu tiên “ở trang Nhất, bên trái, phía dưới măng-sết tờ báo” bị chuyển ngữ thành “ở một trang, dưói tít”, ở một chỗ khác người ta ghi trình bày trên “trang Nhất” thì bị đổi thành câu vô nghĩa trình bày “số 1”...

Cũng không thể kể hết ở đây những cái sai nghiêm trọng về văn phạm mà chuyện ngữ thức nêu rải rác bên trên chỉ là mấy cái lẻ tẻ. Các thì trong tiếng Pháp hết sức quan trọng mà người mới bắt đầu học chỉ cần làm quen với 4 thì cơ bản : présent, futur simple, passé composé, imparfait. Thu Ngân cũng không biết cách sử dụng 4 thì nầy nên khi người ta viết đã thì cứ dịch là sẽ lung tung và ngược lại.

Mặt khác, thể thụ động cứ luôn bị chuyển thành thể chủ động nên càng sai nghĩa nặng nề, chẳng hạn nguyên tác ghi: “Có những người không được tạo ra để trở thành nhà báo” được dịch đại là “Có những người đã không làm gì cả để trở thành các nhà phóng sự” (bd, tr.55). Thêm một lỗi sơ đẳng: Rất nhiều tính từ được sử dụng với chức năng là tính ngữ (épithète) đã bị hiểu là danh từ như la véritable analyse (bài phân tích thật sự hoặc đúng nghĩa) trở thành... “thực tế của bài phân tích”.

Đúng là có những người đã không học gì cả để trở thành... nhà dịch thuật !

NLĐ(16/12/2003)

(St)
 
Cuốn "Hướng dẫn cách biên tập"
- Bản dịch cực kỳ tệ hại của NXB Thông Tấn
(phần cuối)​

Cách đây không lâu, những sai sót nghiêm trọng về dịch thuật của quyển "Nghề làm báo" trong bộ sách nghiệp vụ do NXB Thông Tấn phát hành đã bị vạch ra. Tưởng chỉ có thế, dè đâu... cái dốt, cái liều mạng và cái ẩu của những người làm cuốn "Hướng dẫn cách biên tập" còn khủng khiếp hơn...


Sự ngớ ngẩn tột cùng và dịch văng mạng
“Dịch là phản”, người đi trước thường hay nói vậy và chúng tôi tìm thấy hàng loạt chứng cớ minh họa nghĩa đen của câu nầy trong bản dịch Hướng dẫn cách biên tập.

Thật vậy, khi tác giả lưu ý “Hãy cảnh giác (Prenez garde) với những từ thời thượng vì có nguy cơ mất đi một bộ phận công chúng” , bản dịch biến nó thành “Hãy sử dụng” (bd, tr.11). Khi tác giả khuyên : dấu chấm phẩy “làm cho câu dài ra và hại đến sự ưa đọc”, dịch giả lại viết: nó “làm cho câu nhẹ nhàng và dễ đọc” (bd,tr.12)! Tác giả nhấn mạnh: “Trong bất cứ trường hợp nào, đoạn đầu của bài báo không được lấy làm chapô”, dịch giả bảo: “Trong mọi trường hợp... phải được đặt ở đoạn đầu tiên của bài báo”, trời đất, thể phủ định và từ aucun (không có bất cứ...) mà không biết! Câu “người ta gán danh từ “bản thảo” cho tất cả các bài được biên soạn nhằm đăng báo” trở thành “người ta dùng tên của bài viết cho tất cả các bài báo” (bd, tr.86), chữ nom có hai nghĩa chính , chắc vì quen khai lý lịch nên chỉ biết nghĩa “tên”. Đúng là phản!

Về sự ngớ ngẩn thì đếm không xuể, xin giới thiệu một ví dụ: “Chính tả là một quy tắc nhưng cũng tùy tiện và nó cũng lôgíc như là quy tắc trên đường” (bd,tr.10). Bạn đọc câu này có ai hiểu gì không? Xin thưa, trong nguyên tác cái mà người dịch gọi là quy tắc trên đường chính là luật giao thông đấy, còn cụm từ “nhưng cũng tùy tiện” thật ra là nó rất chuyên chế, nghiêm ngặt. Đến trang 20, bàn về việc dùng từ đơn giản, tác giả khuyên: “Cần sắp xếp giải thích tất cả những thuật ngữ có nguy cơ gây khó hiểu” thì câu dịch làm... “phản”: “Sắp xếp giải thích tất cả các cụm từ thì lại dẫn đến nguy cơ làm cho khó hiểu”.

Bây giờ chúng tôi xin bước sang phần chuyên môn vì nếu không có nó thì còn gì sách chuyên ngành và bộ sách nghiệp vụ 14 cuốn nầy của NXB Thông Tấn cũng không có lý do chào đời. Phần chuyên ngành nầy thật sự gây cười cho các đồng nghiệp của tôi còn hơn Gala cười mà không phải cù vào nách. Hãy xem vài trích dẫn trong vô số sai:

Trang 32: “Hãy kích thích thật khéo”, thật ra là “Hãy nhập đề cho thật khéo”. “Bài báo dài phải được trùm lên một “chiếc mũ” (tr.21), “Việc lên trang tốt sẽ làm tăng giá trị của bài báo như là: Tít, phần trên tít, phần dưới tít, những phần lý giải bằng ảnh đóng khung... đó là vai trò của “chiếc mũ”, của dấu ngoặc vuông” (tr.22).

“Tít gây kích động... Ưu điểm của tít nầy là ngắn... nó luôn được sử dụng thêm một chiếc mũ ngoặc vuông để giải thích”.(tr.26).

Để bạn đọc hiểu “từ điển Nguyễn Thu Ngân”, xin được phép giải thích: Chiếc mũ chính là từ chuyên môn chapeau hoặc chapô dùng để chỉ đoạn văn đặt ở ngay dưới tít, đầu bài báo nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, đây là thuật ngữ mang tính hình tượng không ai dịch. Phần trên tít là surtitre nếu có cố dịch thì là tít phụ trên, tương tự phần dưới tít là sous-titre (tít phụ dưới). Phần lý giải bằng hình ảnh đúng nghĩa là chú thích của minh họa, đóng khung dân trong nghề gọi là box hoặc hộp. Còn dấu ngoặc vuông trong nguyên bản là accroche, một biến thể của chapô, thực chất dấu ngoặc vuông là crochet.

Chắc chắn là còn rất nhiều điều không thể chấp nhận được về ấn phẩm nầy, ngay cả cách trình bày cũng rất cẩu thả, những bài phụ lục nguyên tác in riêng, đóng khung đàng hoàng để phân biệt thì bản dịch cứ xen lung tung xòe trong nội dung chính không đâu vào đâu.

Thật là một bản dịch rất ấn tượng từ phần kích thích (nhập đề) cho đến phần thất bại (kết luận)!

NLĐ(18/12/2003)


--------------------------------------------------------------------------------
Post by Quách Tuấn Ngọc. Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD và ĐT

St từ www.edu.net.vn
 
Web KT
Back
Top Bottom