Trường hợp người lao động thực hiện nhiều hợp đồng lao động tại một doanh nghiệp mà khi kết thúc từng hợp đồng chưa được thanh toán trợ cấp thôi việc, thì doanh nghiệp cộng thời gian làm việc theo các hợp đồng lao động và lấy tiền lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động. Trường hợp trong các hợp đồng lao động có một hợp đồng lao động người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật, thì thời gian làm việc theo hợp đồng lao động chấm dứt trái pháp luật người lao động không được trợ cấp thôi việc, còn các hợp đồng khác vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc.
Ví dụ 1: Bà Vũ Thị Tâm chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty Thăng Long sau khi đã thực hiện 3 hợp đồng lao động: Hợp đồng thứ nhất 14 tháng với tiền lương bình quân 6 tháng cuối của hợp đồng là 500.000đ/tháng; hợp đồng thứ hai 18 tháng với tiền lương bình quân 6 tháng cuối của hợp đồng 600.000đ/tháng và hợp đồng thứ ba 24 tháng với tiền lương bình quân 6 tháng cuối của hợp đồng 800.000đ/tháng. Trợ cấp thôi việc của bà Tâm được tính như sau:
- Tổng thời gian làm việc là: 14 tháng + 18 tháng + 24 tháng = 56 tháng (làm tròn bằng 5 năm);
- Trợ cấp thôi việc là: 800.000 x 5 x 1/2 = 2.000.000 đồng
Trường hợp bà Tâm chấm dứt hợp đồng lao động thứ ba trái pháp luật, thì hợp đồng thứ ba bà Tâm không được trợ cấp thôi việc. Công ty Thăng Long chỉ cộng thời gian làm việc theo hợp đồng thứ nhất và hợp đồng thứ hai để tính trợ cấp thôi việc là:
- Tổng thời gian làm việc là: 14 tháng + 18 tháng = 32 tháng (làm tròn bằng 3 năm);
- Trợ cấp thôi việc là: 600.000đ x 3 x 1/2 = 900.000 đồng.
Công ty Thăng Long thanh toán cho bà Tâm số tiền trợ cấp thôi việc sau 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thứ ba.
b- Trường hợp người lao động làm việc cho doanh nghiệp Nhà nước nhưng có cả thời gian làm việc theo chế độ biên chế và có cả thời gian làm việc theo hợp đồng lao động, thì cộng cả hai thời gian đó để tính trợ cấp thôi việc.
Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn Toàn: công nhân cơ khí (thang lương A1 nhóm II) làm việc tại Công ty B từ tháng 4/1991 - 2/1994 theo biên chế và làm việc theo chế độ hợp đồng lao động từ tháng 3/1994. Đến tháng 6/2003 ông Toàn chấm dứt hợp đồng lao động. Tổng thời gian làm việc của ông Toàn là 147 tháng (quy tròn bằng 12,5 năm) có tiền lương bình quân 6 tháng cuối là 823.600đ/tháng (hệ số 2,84). Khoản tiền trợ cấp của ông Toàn được tính như sau:
823.600 đ x 12,5 x 1/2 = 5.147.500 đồng.
c- Trường hợp người lao động làm việc ở nhiều doanh nghiệp Nhà nước do chuyển công tác trước ngày 01/01/1995, thì tính trợ cấp thôi việc cho người lao động ở từng doanh nghiệp. Tiền lương của người lao động trước 01/4/1993 được quy đổi theo Nghị định số 25/CP, 26/CP, tại thời điểm ngày 01/4/1993.
Ví dụ 3: Bà Lê Thị Bê là công nhân xây dựng cơ bản (thang lương A6 nhóm II) có quá trình làm việc tại 3 đơn vị thuộc doanh nghiệp Nhà nước: Tại Công ty Y theo biên chế từ tháng 10/1988 đến tháng 12/1990 (22 tháng quy tròn bằng 2 năm) với tiền lương b/q 6 tháng cuối qui đổi theo Nghị định số 26/CP tại thời điểm ngày 01/4/1993 là 142.000đ/tháng (hệ số 1,55); tại Công ty Z theo biên chế từ tháng 01/1991 đến tháng 5/1994 (41 tháng quy tròn bằng 3,5 năm) với tiền lương b/q 6 tháng cuối là 186.000 đ/tháng (hệ số 1,55); tại Công ty X theo hợp đồng lao động từ tháng 6/1994 và đến 31/5/2003 chấm dứt hợp đồng lao động với tiền lương b/q 6 tháng cuối là 823.600 đ/tháng (hệ số 2,84). Thời gian làm việc tại Công ty X là 108 tháng (quy tròn bằng 9 năm). Tiền trợ cấp thôi việc của bà Bê được tính như sau:
- Tại Công ty Y là: 142.000 đ x 2,0 x 1/2 = 142.000 đồng.
- Tại Công ty Z là: 186.000 đ x 3,5 x 1/2 = 325.500 đồng.
- Tại Công ty X là: 823.600 đ x 9,0 x 1/2 = 3.706.200 đồng.
Tổng cộng: 4.173.700 đồng.
Công ty X thanh toán toàn bộ khoản trợ cấp thôi việc trên cho bà Bê, rồi sau đó thông báo theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này để Công ty Y và Công ty Z hoàn trả số tiền mà minh đã chi hộ.
Trường hợp Công ty Y hoặc Công ty Z đã chấm dứt hoạt động, thì Công ty X sẽ được Ngân sách Nhà nước hoàn trả theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
d- Trường hợp sau khi sát nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động kế tiếp phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả thời gian làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó. Riêng doanh nghiệp Nhà nước thực hiện phương án sắp xếp lại hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu (cổ phần hóa, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp), thì áp dụng theo qui định của Nhà nước đối với các trường hợp này.
Ví dụ 4: Ông Bùi Văn An làm việc ở doanh nghiệp Nhà nước A từ tháng 6/1990. Đến tháng 6/1998 doanh nghiệp này cổ phần hóa trở thành Công ty cổ phần và hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Đến tháng 6/2003 ông An chấm dứt hợp đồng lao động. Ông An có tiền lương bình quân 6 tháng trước khi cổ phần hóa là 300.000đ/tháng và 6 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động là 800.000đ/tháng. Trợ cấp thôi việc của ông An được tính như sau:
- Trợ cấp thôi việc ở DNNN là: 300.000đ x 8 x 1/2 = 1.200.000đ.
- Trợ cấp thôi việc ở Công ty cổ phần là: 800.000đ x 5 x 1/2 = 2.000.000đ.
Tổng cộng: 3.200.000 đồng.
Công ty cổ phần phải thanh toán toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho ông An. Nguồn chi trả trợ cấp thôi việc thực hiện theo Điều 27 của Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 09/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần.