Thày Trần Duy Nhiên qua đời

Liên hệ QC

handung107

Thành viên gắn bó
Thành viên danh dự
Tham gia
30/5/06
Bài viết
1,630
Được thích
17,440
Nghề nghiệp
Bác sĩ
Chẳng biết trong diễn đàn của mình, có bao nhiêu người là học trò của thày, nhưng cũng Post bài viết này chia xẻ cảm xúc với mọi người về sự ra đi của một người thày đáng kính

Thày là giáo viên dạy ngoại ngữ (Anh văn và Pháp văn) cho học sinh các trường Kỹ thuật La san Đà Lạt, trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, trung tâm Hùng Vương Đà Lạt, trường ĐH Luật TPHCM...

Thày qua đời lúc 15 giờ 35 phút ngày 08/02/2009 và 6 giờ sáng nay, đã được hoả táng tại Bình Hưng Hoà

1. Anh Hân đi dự thánh lễ an táng về nhà, nói với mình là : "Em à, bọn anh vô tình thật, là học sinh lớp thày CN 3 năm ròng rã, vậy mà hôm nay, khi thày không còn nữa, anh mới biết...thày là một đứa trẻ mồ côi, bố mẹ thày đã chết hết, thày sống với bà nội, đến khi bà già quá, sắp chết, bà không biết cách nào liền gửi thày cho cha xứ. Cha đưa thày vào các soeur bên nhà thờ Domain nuôi dưỡng, dạy dỗ (dòng nữ tử bác ái Vinh Sơn). Thày lớn lên và trưởng thành từ đây...

Cũng đến hôm nay, mới đọc được lời chia xẻ của một sinh viên cũ của thày cho chi tiết trên :

Có lẽ Thầy không đẹp bằng cha nó. Nhưng mà, điều đó có hề gì. Nó thương Thầy hơn thưong cha nó. Nó là đứa bất hiếu ? Nhưng liệu nó có yêu thương được cha nó, người đã ngoảnh đầu bỏ mặt năm đứa con và một người vợ « tay yếu chân mềm » đúng nghĩa, là má nó. Cha đi. Má con nó lênh đênh, chao đảo giữa cuộc đời chỉ để được tồn tại. Những ngày tháng đó, nó không quên.

Nó gặp Thầy vào những năm đầu vào đại học. Thầy dạy tiếng Pháp cho lũ học trò rành tiếng Anh nhưng không biết chữ tiếng Pháp nào. Mỗi lần chúng nó cất giọng đọc, người bình thường chỉ muốn bịt tai. Thầy thì không, Thầy nghe kỹ, để sau đó Thầy chỉnh, rất từ tốn nhưng nội dung thì đại loại theo kiểu này « Ngu như con bò, mà so sánh vậy thì tội nghiệp con bò quá ! ». Mỗi lần nghe vậy, đứa hiếu thắng như nó thấy lùng bùng lỗ tai ! Nó muốn thắng con bò ! Và nó học, học cái mớ tiếng của thi ca và nhạc họa nhưng khó nuốt ấy.

Thấy đã « truyền lửa » cho chúng nó bằng sự nhiệt tình không mệt mỏi của Thầy. Có lẽ không đứa nào trong chúng nó quên được hình ảnh Thầy lúc đó. Thầy ốm nhom, nhưng giọng khỏe, đầy lửa. Lúc đó cả lũ chúng nó say mê học tiếng Pháp. Những giờ học với Thầy là những giây phút thú vị nhất.

Nhưng lúc ấy nó gắn bó với Thầy hơn các bạn. Chẳng biết thế nào mà Thầy biết cảnh ngộ của nó. Thầy chú ý đến nó hơn vì Thầy bảo Thầy cũng đã từng trong trại trẻ mồ côi. Thầy gieo yêu thương vào tâm trí nó. Thứ tình yêu mà nó đã khóc đòi trong những trang nhật ký khi đến nhà các bạn có đầy đủ mẹ cha.

Thầy tập cho nó nói những điều nó suy nghĩ, vưóng bận nhưng không biết chia sẻ. Thầy tập cho nó thoát khỏi tâm trạng sống trên ốc đảo ngay cả khi xung quanh nó đầy người. Thầy dạy nó cách nhìn cuộc sống và con người một cách đúng đắn hơn. Thầy dạy cho nó cách làm NGƯỜI xứng đáng !

Nó chưa bao giờ gọi Thầy bằng Ba. Tiếng Ba đó, nó vẫn dành riêng cho một người, dù có hay là không xứng đáng. Nhưng khi con nó chào đời, nó đã gọi Thầy và xin « Thầy cho con bé gọi Thầy là ông ngoại ! »

----------

Thầy tên Trần Duy Nhiên, dạy tiếng Pháp ở trường ĐH Luật TPHCM
(Nguồn : Blog 228)

2. Và thày đã trở thành một con người hoạt động thiện nguyện không hề biết mệt mỏi cho cộng đồng những người nghèo khổ, cô đơn, cơ nhỡ, một nhà giáo tâm huyết với bao thế hệ trẻ, một người chỉ cho (và biết cách cho nữa) mà không bao giờ chờ được nhận lại (vì thế người được thày cho không cảm thấy bị nợ bao giờ)

Vòng hoa đưa tiễn thày thật nhiều, của biết bao lớp học trò trong suốt hơn 30 năm, của các diễn đàn trong nước, các nhóm thiện nguyện, các cộng đoàn...xếp quanh lối vào nhà thờ...còn thày nằm đó, trong khi bao nhiêu người khóc...nhưng mình tin chắc thày đang mỉm cười.

3. Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc nói :

- Với tôi, anh Nhiên chết trẻ quá, mặc dù tuổi của anh đã xấp xỉ 70, vì anh vẫn còn tràn trề nhiệt huyết, anh vẫn còn sung sức, còn cống hiến được cho cuộc đời, cho mọi người những ý tưởng mới mẻ, những năng lực dồi dào của mình

- Anh Nhiên là người thích kết nối, anh đã sử dụng hầu hết các phương tiện Internet như tham gia các diễn đàn, viết Blog, tham gia hầu hết các nhóm làm việc ...để kết nối mọi người lại với nhau, bằng tình thân chan hoà, vui vẻ.

4. Và còn nhiều nữa...Qua các bài tâm tình của mọi người, các bloggers, mình hiểu thêm nhiều, nhiều lắm, về ý nghĩa của cuộc sống mà chính thày đã là ngọn đuốc, là tấm gương sáng cho mọi người...

Trích comment của Blogger Khoai Tây

Thầy Nhiên, người mà tới bây giờ tớ vẫn luôn kể cho bạn tớ khi vào lớp học ngoại ngữ. Không biết là tớ có chủ quan quá hay không nhưng tớ chưa thấy ai dạy ngoại ngữ hay như Thầy! Đó là lý do mà tớ hết học-bỏ-rồi lại học tiếp nhưng AV của tớ chẳng tiến bộ là bao. Vì sao? Vì tớ cứ vào lớp là lại nhớ cái lớp AUF của mình. Thật lạ.
Thầy cứ như một phù thuỷ, bắt cả lớp học mà đứa nào cũng thấy mình đang chơi, chơi mà không biết rằng tiếng Pháp đang mê hoặc mình.
Những buổi nói chuyện thầy-trò, những lần đi chơi đến bây giờ mình vẫn nhớ. Nhớ lớp pháp văn, nhớ Thầy. Dáng gầy gầy, đôi khi đi xiêu vẹo mà lại rất hay hút thuốc (một thói quen xấu mà chính Thầy cũng công nhận). Mình vẫn nhớ câu: "Năm mươi sáu năm vẫn chạy tốt" và Thầy chửi yêu: "Cha tụi bay!" Cả bọn cười ầm.
Một phần vì lười, một phần vì công việc mà mình cũng như nhiều bạn ít đến thăm hay DT hỏi thăm Thầy.
Hôm Tết DT chúc Tết Thầy, thấy giọng Thầy vẫn khoẻ, vẫn nhận ra mình. Cảm thấy vui và hạnh phúc.

Mình nói với anh Hân : "Có nhiều khi chúng ta không biết quý những cái chúng ta đang có. Anh và các bạn anh là những học sinh khoá đặc biệt nhất, khoá học cấp 3 ngay sau GP, nên được thày nhớ lâu nhất, quan tâm nhất, cái tình ấy do hoàn cảnh lịch sử đem lại và chúng ta tự nhiên được ban tặng . " Thế nhưng, chính chúng ta lại không biết cách quý trọng điều ấy so với các đàn em của chúng ta...

5. 19 giờ tối qua, linh cửu của thày đã được di quan đến nhà nguyện của dòng nữ tử bác ái Vinh Sơn - 42 Tú Xương. Mới đầu, mình chỉ nghĩ chắc tại nhà thày chật chội, nhưng bây giờ mình mới hiểu thêm một ý nghĩa khác...Thày đã về lại nhà, nơi thày lớn lên trong tình thương của các nữ tu dòng này. Có lẽ vì thế, nên thày gắn bó thân thiết với các hoạt động của dòng ...Năm Duy lên 3 tuổi, thày đã gửi con cho các soeur Tú Xương, và Duy đã được các soeur chăm sóc súôt 3 năm tuổi thơ đầu đời

6. Duy đã sưu tầm hầu hết các bài viết của thày về phương pháp học Anh Văn trước khi con biết tác giả các bài viết đó chính là thày Nhiên bố mẹ thường nhắc. Con chép vào Blog của con, chỉ vì con tâm đắc với ý tưởng của thày, con thích cách viết hóm hỉnh, lối lập luận sắc bén, chính xác...

Ngày nọ, mình lọ mọ tìm vào Blog của thày...và tìm được mấy bài viết này, mới hay con đã tìm vào đây...trước cả mẹ nó biết bao lâu rồi....

Cũng vui...khi thấy con...càng ngày...càng có nhiều tính cách giống mẹ, và hiểu bố mẹ nhiều hơn

7. Anh Hân gặp Triệu - BNTT - trong thánh lễ an táng thày. Cùng là dân Đà Lạt, cùng tham gia Giaiphapexcel, cùng tôn giáo, nên BNTT và gia đình mình có nhiều điểm gần gũi, tương đồng...nhất là từ lúc anh Hân nhận làm bố đỡ đầu cho Tony, con của Triệu...Bác Tường - ba của BNTT - đã ở bên thày suốt cả đêm hôm qua. Anh Hân nói hôm nay, bác ngồi ở hàng ghế trên, và ngồi cạnh Frère Ba, cũng là thày dạy anh ấy năm lớp 6. Đông quá, nên anh cũng không tiện chào Frère và bác

8. Con trai Út của thày đọc lời cám ơn cộng đồng. Anh chàng này hôm nay cao, to, khác hẳn năm xưa khi xuống mình làm răng. Nói đến đây chợt nhớ...vậy là theo lời Quang - con trai thứ của thày - thì cái hàm khung năm xưa, thày làm từ lúc mình còn mở phòng mạch bên chú Luỹ - 111 Bình Thới - khoảng năm 1995 gì đó, thày vẫn còn sử dụng cho đến hôm nay, đến giờ phút lìa đời

9. Thày đi nhé !
Thày đã sống
Thày đã yêu thương
Thày luôn là người thắp lửa, thay vì nguyền rủa bóng đêm

Nhưng mình vẫn bàng hoàng...Sao thày đi vội vàng thế ???

thayNhien06.jpg


Thày Nhiên và mẹ Thérèse de Calcutta
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Xin chia sẻ nỗi đau này với gia đình Thầy. Xin mượn lời bài hát này để nói lên lòng biết ơn đối với tất cả Quý thầy cô.

Người Thầy
 
Tôi không là học trò của Thầy, Tôi mãi ở ngoài Bắc. Nhưng qua bài viết của bạn HanDung 107 Tôi thấy Thầy là một tấm gương lớn; một nhân cách lớn và là một nhà giáo đáng kính đầy tâm huyết. Xin được cúi đầu tưởng niệm trước vong linh của Thầy và xin chia sẻ nỗi mất mát, nỗi đau này cùng Gia đình Thầy cũng như các học trò của Thầy.
 
Tiếc thương vô hạn, khi chúng ta và cuộc đời này mất đi một con người tâm huyết, hữu ích và đáng trân trọng!

Thành kính phân ưu!
 
Xin chia buồn cùng gia đình thầy
 
Thành kính phân ưu cùng gia đình Thầy .
 
Thành kính phân ưu!.....................
 
Mặc dù em cũng không biết về Thầy, đọc những bài viết chị Dung gửi em nhận thấy Thầy là một tấm gương tốt cho thế hệ đi sau. Thật tiếc thương khi một người như Thầy đã ra đi. Xin thành kính chia buồn với gia đình và các học trò của Thầy.
 
Thành kính phân ưu !
 
Xin chia buồn cùng Gia quyến Thầy

1226974307_chia_buon.jpg


Cho thân yêu, mang theo những thân yêu.
 
Xin trân trọng giới thiệu một trong rất nhiều bài viết hay của thày Trần Duy Nhiên :

THƯ GỬI NGƯỜI GIÁO VIÊN TRẺ

Thảo em,

Em vừa nhận bằng thạc sĩ về và đem nạp tận tay thầy khoa trưởng… Thầy nói rằng thầy sẵn sàng nhận em vào dạy, nhưng cũng vắn tắt bảo rằng em cần suy nghĩ cho cặn kẽ trước khi quyết định, bởi vì thầy mong em không chỉ bước vào ‘nghề giáo’ như một đoạn đường cần phải đi qua để chuẩn bị lấy tiến sĩ, rồi sau đó… tìm một nơi có nhiều ‘thuận lợi’ hơn.

Như vậy, có thể nay mai em sẽ bước lên bục giảng để trở thành cô giáo. Là một người yêu thương em, tôi sẽ nói cho em nghe về cuộc đời giảng dạy. Tôi đã đứng trên bục giảng lần đầu tiên cách đây gần 40 năm, và giờ đây, khi tuổi già sức yếu, tôi không còn đứng trên bục giảng nữa, nhưng vẫn tiếp tục ngồi trên bục giảng mà truyền đạt kiến thức cho đàn em, đồng thời cũng gắng kèm một chút trái tim mình đi theo những bài giảng. Vì đã gắn với ‘nghề’ ấy như cái ‘nghiệp’ mà người ta gọi là ‘thiên chức’, tôi viết cho em những lời này như một người cha nói với con, một người anh nói với em, một đồng nghiệp già nói với một đồng nghiệp trẻ.

Mục đích của lá thư này không phải chỉ vẽ cho em phương pháp giảng dạy, bởi vì dù tôi từng là thầy của em trong suốt 5 năm đại học, tôi không biết gì về chuyên môn của em, mà chỉ là một giảng viên ngoại ngữ.

Mục đích của lá thư này là để nói với em về nếp sống của một nhà giáo. Mong muốn của tôi là em sẽ sống với tư cách là một nhà giáo dục, chứ không phải là một người làm dịch vụ cung cấp kiến thức, trong lớp học cũng như bất cứ nơi nào em thực thi thiên chức của mình. Một nhà giáo dục trước hết không phải là người ‘dạy’ một ai, mà là người sống cho ra con người trước mặt (và sau lưng) học trò, hay nói cách khác, trung thành với những giá trị trường cửu để hướng dẫn học trò mình bằng cuộc sống bản thân hơn là bằng những điều mình giảng dạy qua bộ môn. Xét cho cùng, trong thời đại hôm nay, với sự phát triển của các phương tiện thông tin, thì không có kiến thức nào mà học sinh sinh viên không thể tự tìm lấy được; duy chỉ có người ‘thầy’ là một đối tượng mà học trò không thể nào tìm được trên một văn bản vô tri. Đất nước này đang cần nhiều nhà giáo như thế. Em phải là ‘nhà giáo’ theo gương những bậc ‘thầy’, những người dạy dỗ môn sinh mình bằng cách sống một cuộc sống không ai chê trách được, kèm với những lời dạy dỗ đầy chân tình trong tinh thần tôn trọng chân lý. Xã hội đang cần em.

Nhưng tiên vàn em hãy nhớ rằng:

Giáo dục là một nhiệm vụ khó khăn.
Giáo dục là một nhiệm vụ nặng nhọc.
Giáo dục là một nhiệm vụ cao quí.


Giáo dục là một nhiệm vụ khó khăn.
Bởi vì, dù em đã được học hỏi từ trong nước lẫn ngoài nước với những bậc thầy có uy tín, thì kinh nghiệm bản thân vẫn là một điều không thể thiếu được.
Em hãy khiêm tốn và thận trọng. Không bao giờ có sẵn một giải pháp cho vấn đề em gặp. Đừng tưởng rằng mình có thể giải quyết mọi sự. Đừng cho rằng trước em chưa ai làm gì cả và em đến là mọi việc sẽ trôi chảy. Trao một kiến thức thì dễ, nhưng làm cho người khác sống ngược lại với thói quen của mình và của cái thế giới đang chạy theo lợi nhuận này là một điều thật sự khó khăn. Chắc chắn em không phải là một người đi tìm tiền tài danh vọng trong giáo dục, thế nên không bao lâu nữa em sẽ cảm nghiệm được điều đó.

Giáo dục là một nhiệm vụ nặng nhọc.
Nhiệm vụ này đòi hỏi em phải quên mình, sống cho học trò, sống cho lý tưởng mà em nhắm tới, sống cho mục đích mà em đeo đuổi. Hơn một lần em sẽ phải thức trắng đêm đen để ưu tư nghĩ ngợi... và điều chua chát nhất lại chính là những học sinh, sinh viên mà em cố giúp vươn lên lại gây cho em những ưu phiền đó, nếu không phải là những đồng nghiệp nhưng lại không đồng tình. Rồi có những giờ phút thử thách mà trách nhiệm đè nặng đôi vai. Đây là một nhiệm vụ mà mọi lầm lẫn bắt em trả giá rất đắt, bởi vì những lầm lẫn đó sẽ tiếp tục đi theo học sinh sinh viên của em để truyền mãi cho đến nhiều thế hệ về sau... Nhưng...

Giáo dục là một nhiệm vụ cao quí.
Vì nhiệm vụ này đòi hỏi em phải xứng đáng. Nó không cho phép em sống với trung bình chủ nghĩa. Và nếu em là một người có tâm huyết, nhiệm vụ này sẽ giúp em vượt qua chính mình, giúp em triển nở nhanh chóng, giúp em trở nên một Con Người đúng nghĩa. Nhờ em, một số người trẻ sẽ có đời sống tốt đẹp và phong phú hơn. Nhờ em, sẽ có thêm ít nhiều hạnh phúc trên quê hương này, trên thế giới này, và lý tưởng sẽ vươn lên trong lòng của thế hệ trẻ hôm nay.

Đó là điều tôi mong ước nơi em, và cùng với niềm mong ước đó, tôi chúc em nhìn thấy những bông hoa nở rộ trên những bụi gai mà em sắp vun trồng nay mai.

Trần Duy Nhiên
 
Nếu...

Nếu nốt nhạc bảo rằng
Một nốt nhạc đâu làm nên ca khúc,
Thì hẳn không có bản trường ca.

Nếu chữ cái bảo rằng
Một chữ cái đâu viết được một trang,
Thi hẳn không bao giờ có sách.

Nếu viên gạch bảo rằng
Một viên gạch đâu xây được bức tường
Thì hẳn không có một ngôi nhà.

Nếu giọt nước bảo rằng
Một giọt nước đâu thể làm thành sông
Thì hẳn không hế có đại dương.

Nếu hạt lúa bảo rằng
Một hạt lúa đâu phủ hết ruộng đồng
Thì hẳn không có được mùa gặt.

Nếu con người bảo rằng
Một cử chỉ yêu thương đâu cứu được nhân trần,
Thì hẳn không bao giờ có công lý và hòa bình,
Nhân phẩm và hạnh phúc trên mảnh đất con người.

Như bản trường ca cần đến từng nốt nhạc,
như cuốn sách cần đến từng chữ cái,
như ngôi nhà cần đến từng viên gạch,
như đại dương cần đến từng giọt nước,
như mùa gặt cần đến từng hạt lúa

Cả nhân loại cần đến Bạn,
Tại vị trí của bạn,
Và do đó không ai thay thế được

------------
Michel Quoist.
(Trần Duy Nhiên dịch)
 
Mặc dù không là học trò của Thầy nhưng đây vẫn đúng nghĩa là người thầy đáng tôn kính của em khi xét về tuổi đời lẫn tuổi nghề ;thông qua bài viết của HanDung em biết thầy đã đi xa .Em xin chia buồn cùng gia đình thầy.
Lý tưởng sống của thầy thật cao đẹp ! Thế hệ của Thầy và thế hệ của em trong cùng một bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh sống nên tâm trạng rất giống nhau .Em xin trích lại một lá thư của thầy viết cho học trò của mình mà em tâm đắc nhất.

http://ttntt.free.fr/archive/tranduynhien6.html

[FONT=&quot]LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG[/FONT]

[FONT=&quot] Trần Duy Nhiên[/FONT][FONT=&quot]
Em,
[/FONT]
[FONT=&quot]Hôm nay tôi đi vào hồi ức của em về những ngày khó khăn ở Đàlạt cách đây gần 30 năm. Em viết: “Người ta cho ba của em đi học miễn phí ròng rã hơn 7 năm trời.. nhưng rồi không biết vì sao ông ‘bỏ học’ mà đến bây giờ mẹ tôi và anh em tôi cũng không biết ông ở đâu” Thế là mẹ em, với hai bàn tay trắng, phải một mình nuôi nấng 4 đứa con đang lớn lên như thổi. Cũng vì vậy mà “suốt 3 năm ròng rã, gần như Chủ Nhật tuần nào em cũng được ‘dạo chơi’ ở núi Bà. Buổi sáng sớm, em và đám bạn trong xóm rủ nhau đi. Sau khi ‘dạo’ một vòng xem thử cây nào ‘đẹp’ thì cắt khúc chừng 2 thước, đóng đinh 2 đầu rồi kéo về nhà. Em hiểu làm như vậy là có lỗi với dân Dalat mình lắm nhưng ... mỗi chuyến đi ‘chơi’ là bằng hai ngày bôn ba của mẹ nên em cũng nhắm mắt làm liều… Bao nhiêu năm qua rồi, giờ đây khi đọc những dòng này, xin thầy hiểu cho và xem như đây là lời xin lỗi của em.”[/FONT]
[FONT=&quot]Đọc những lời nói thật như đùa của em mà nước mắt tôi cứ lưng tròng. Một thiếu niên mất cha mà đến giờ này vẫn chưa hiểu nguyên do. Một em mồ côi vì thương mẹ nên chặt một vài cây trên núi để sống qua ngày. Thế mà gần 30 năm sau em không nói lên một lời than trách, nhưng chỉ nói lên lời xin lỗi với người dân Dalat... [/FONT]
[FONT=&quot]Sáng hôm nay, tôi xót xa đọc một mẫu tin nhỏ trên tờ Tuổi Trẻ:[/FONT]
[FONT=&quot]“Ngày 8 tháng 10, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đưa ra đề án có tên “Bảo vệ và phát triển lâm nghiệp đến năm 2020” tại một hội nghị của tỉnh ủy. Theo đề án, Lâm Đồng sẽ khai thác theo phương thức chặt trắng 52.000 ha rừng thông tự nhiên, trong đó có 14.966 ha thành thục ( 60 – 70 năm tuổi )”.[/FONT]
[FONT=&quot]Em có nghe không? Chặt trắng 52.000 ha rừng! Một cách thản nhiên! Và với danh nghĩa là ‘bảo vệ và phát triển lâm nghiệp”!!! Khi nghe em xin lỗi vì một vài cây thông nhỏ mình đã chặt năm xưa, tôi bỗng thấy thế hệ của chúng tôi cần phải xin lỗi các em rất nhiều... Không phải chỉ là chặt trắng 52.000 ha trong số rừng ít ỏi còn lại của Dalat, mà đã chặt trắng bao nhiêu giá trị trong tâm hồn của các em trong suốt bao nhiêu năm ròng.[/FONT]
[FONT=&quot]Chúng tôi đã làm được gì cho thế hệ các em? Bạn bè chúng tôi, lứa tuổi cha chú của các em, ở hai miền Nam Bắc, đã ngã xuống mấy triệu người... có nơi nói là hai triệu, có nơi nói là ba... Con số sai biệt một triệu mạng người Việt Nam sao không ai tổng kết? Trên thương trường, khi tính toán hàng triệu đô la, chỉ cần sai biệt 100 là ai cũng thấy ngay, nhưng sao sai biệt một triệu mạng người anh em Việt Nam thì chúng tôi lại coi nhẹ đến thế?.. Chúng tôi, những người đang còn sống đây, chúng tôi đã làm được gì cho các em? Và cho những em thiếu niên dưới 20 tuổi ngày hôm nay? Chúng tôi mau quên quá, chúng tôi quên rằng chính nhân danh thế hệ tương lai, nghĩa là các em, mà người Việt phải bắn vào người Việt trong mấy chục năm trời, và hằng triệu người đã nằm xuống từ Bắc chí Nam... Chúng tôi chỉ nhớ tới vinh quang, chúng tôi chỉ nhớ tới hận thù, để rồi dựa trên đó mà trở thành ích kỷ, gian manh, trục lợi, hưởng thụ, ươn hèn và vô tâm. [/FONT]
[FONT=&quot]Tôi còn nhớ những năm đầu tiên cầm lại viên phấn ở mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa, chúng tôi đã học tập rất kỹ để quán triệt rằng mình phải là kỹ sư tâm hồn hầu đào tạo ra ‘con người mới xã hội chủ nghĩa’. Chúng tôi thảo luận với nhau: chính bản thân chúng tôi không phải là con người xã hội chủ nghĩa thì làm sao đào tạo ra được con người mới xã hội chủ nghĩa? Thế nhưng các đảng viên, với những lý luận mà đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được, đã cho thấy rằng dù không phải là người mới xã hội chủ nghĩa chúng tôi vẫn có khả năng đào tạo các em thành con người xã hội chủ nghĩa. [/FONT]
[FONT=&quot]Giờ này nhìn lại, tôi tự hỏi vì sao trong 12 năm trời, tôi lại có thể ngoan ngoãn đến thế? Có lẽ bấy giờ tôi là một giáo viên lưu dung, nên răm rắp nghe theo lời giáo huấn mà không cần ai thuyết phục! Vào thời điểm đó, tôi sợ hãi lắm, tôi hèn hạ lắm! Chỉ cần sai một câu so với sách giáo khoa, thì cũng có thể bị xem là ‘thiếu quán triệt’, thậm chí là ‘phản động’. Vì sợ hãi, nên tôi ca ngợi những điều mà người ta kể mình nghe, và nói lại cho các em như là xác tín của chính mình. Nhưng đằng sau những lời đầy nhiệt tình của tôi, là sự ươn hèn và dối trá. [/FONT]
[FONT=&quot]Tôi dạy cho các em: ‘mình vì mọi người’, mà mỗi tháng rình rập để nhận tiêu chuẩn 300g thịt nhiều nạc hơn người khác, cũng như đối xử bần tiện với đồng nghiệp để giành giựt ba thước vải thô hay một vỏ xe đạp; tôi dạy cho em ‘phải căm ghét kẻ thù’ mà trong lòng thì chỉ muốn dạy yêu thương; và vì những lời dối trá đó, nên dù em không căm thù ai, thì em chỉ tin tưởng ở căm thù hơn là tin tưởng vào tình yêu giữa người và người. [/FONT]
[FONT=&quot]Những lời tôi nói thuở ấy thì chắc chắn các em đã quên gần hết rồi, nhưng cái ươn hèn và đối trá thể hiện qua cách sống của tôi, giờ đây đã trở thành điều đương nhiên nơi các em. Thay vì đào tạo ‘con người mới xã hội chủ nghĩa’ như tôi rêu rao, giờ đây các em trở nên những con người thoải mái sống trong bầu không khí dối trá của một xã hội vô tâm, và uốn mình theo môi trường một cách ươn hèn để làm sao mình có lợi nhất… [/FONT]
[FONT=&quot]Tôi đã góp phần tạo ra một thế hệ hoàn toàn vô cảm, vì những từ như ‘tổ quốc, tự do, trách nhiệm, lương tâm, tình người, vì dân, vì nước’… chỉ còn là những sáo ngữ rỗng tuếch. Và đau lòng nhất, ấy là các em không thấy đó là điều mất mát lớn nhất của một con người. Các em cho rằng sự thật và lòng dũng cảm không bao giờ có thật trên đời. Tôi và nhiều đồng nghiệp của mình đã lừa dối các em.[/FONT]
[FONT=&quot]Thế hệ chúng tôi đọc những lời xin lỗi của em về một khúc cây rừng để đổi lấy chén cơm, chúng tôi biết lấy gì để xin lỗi thế hệ các em vì những tàn phá mà chúng tôi đã gây ra đối với vật chất và tinh thần của các em trong 30 năm qua? [/FONT]
[FONT=&quot]Nhưng dù chúng tôi không biết xin lỗi và nhiều khi không buồn xin lỗi, thì tôi tin rằng các em đã tha thứ cho chúng tôi. Thế hệ đàn em luôn quảng đại đối với đàn anh, và sẽ tiếp tục tha thứ. Hy vọng với tấm lòng tha thứ của các em đối với chúng tôi, các em sẽ trở thành những người biết trồng lại những chồi non đầy hy vọng trên những cánh rừng Việt Nam và trong tâm khảm của thế hệ con cháu của các em. [/FONT]
[FONT=&quot]Tôi chắp tay nguyện cầu cho các em xóa bỏ những bài học dối trá của chúng tôi, để thế hệ ngày mai sẽ là một thế hệ không còn mất mát như các em, mà là một thế hệ biết giá trị của mình, một thế hệ sống hiên ngang, không chấp nhận dối trá và đối xử với nhau trong một bầu không khí của sự thật. Tôi nguyện cầu để đừng ai tiếp tục tưới vào những chồi non hôm nay chất độc của hận thù hầu mai này con em Việt Nam còn có được một rừng ‘người’, những con người sống với nhau đầy lòng trắc ẩn..[/FONT]
[FONT=&quot]Cho tôi một lần bắt chước em để nói lên lời sám hối: Khi đọc những dòng này, xin em hiểu cho và xem như đây là lời xin lỗi muộn màng của tôi. [/FONT]
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Nhân ngày Valentine, mới các bạn đọc tiếp bài viết này của thày Nhiên

MAI NÀY EM LÊN XE HOA


Em,

Vài ngày nữa, em sẽ lên xe hoa ở nơi xa và thầy không có cạnh em trong ngày trọng đại ấy. Thầy viết thư này cho em như một quà cưới và thay cho sự hiện diện của thầy.

Thế là em sắp đi qua một bước ngoặt dứt khoát trong đời mình. Em tiến vào một mảnh đất đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy dẫy những bất ngờ mà em sẽ khám phá và vượt qua.

Trước hết, thầy muốn làm rõ một câu nói khá phổ biến: “Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu”.

Đúng như vậy! Tình yêu giẫy chết đúng vào ngày cưới! Nhưng tình yêu đã chết đó là thứ tình yêu nào?
Nhớ lại mà xem, từ ngày em và anh ấy biết nhau, em đã làm mọi sự để trở nên người duy nhất trong trái tim anh ta. Em đã làm tất cả để được lòng anh ấy, em không lùi bước khi phải quên bản thân mình hay phải 'hy sinh' nếu cần thiết. Nhưng hãy nhìn vấn đề một cách sáng suốt!

Tất cả những gì em từng làm chỉ có một mục đích duy nhất, dù em có ý thức hay không, đó là để biến anh ấy thành một người thuộc quyền sở hữu của em. Vì thế, từ trước đến nay, tình yêu mà em dành cho anh ấy (cũng như anh ấy dành cho em) là một tình yêu chiếm hữu: em muốn chiến hữu anh ấy, như một vật sở hữu mà em sẽ đem 'tình yêu' của mình mua với một giá tương xứng.

Nhưng giờ đây, hai em đã trở thành vợ thành chồng, nghĩa là 'của' nhau rồi: người kia đã trở thành một của cải, một tài sản, một vật sở hữu của mình; vì thế tình yêu chiếm hữu không còn lý do để tồn tại: nó chết đi và biến mất.

Vâng, 'hôn nhân là mồ chôn của tình yêu' nhưng là của loại tình yêu chiếm đoạt, ích kỷ và qui hướng về mình.

Tuy nhiên, cùng với hôn nhân, bắt đầu một tình yêu khác để dẫn đến một hạnh phúc khác: tình yêu dâng hiến. Kể từ nay, em không xem anh ấy (và ngược lại) như là một 'vật rất có ích' mà em sẽ đắc thủ bằng mọi giá, nhưng em sẽ bắt đầu yêu anh ấy vì bản thân anh, em bắt đầu 'tự hiến' cho anh ấy thay vì 'chiếm hữu' anh ấy. Và em càng quên mình vì người mình yêu thì dần dần em càng khám phá ra những chân trời mới, tuyệt diệu và vô biên. Một cuộc khám phá mà em cần cả cuộc đời để thực hiện.

Nhưng để xây dựng một cuộc đời hạnh phúc, cần phải bắt đầu lại từng ngày để làm 'vệ sinh' tình yêu. Ta thường ngủ quên trên những gì mình đã đạt được để rồi một hôm ta phát hiện rằng những gì mình từng yêu quí từng trân trọng nhất đã trở thành nhàm chán, rẻ tiền, tầm thường... cho đến ngày cơn bão tố đầu tiên nổ ra. Ngay từ bây giờ, thầy nói trước với em những gì phải làm trong trường hợp 'tổng vệ sinh' (nghĩa là dọn dẹp lau chùi gia đình mình một cách mạnh tay, để xóa bỏ những tì vết mà hai người có thể đã vô tình ghi khắc vào lòng nhau)

Mỗi một con người là một đại dương bí mật và không một ai có thể hoàn toàn biết được người kia, đấy là chưa kể đến việc mỗi người đều biến đổi từng giây từng phút, và nếu hai em không cập nhật hóa những hiểu biết về nhau, thì một ngày nào đó em sẽ đối điện với một người khác ẩn mình dưới diện mạo của người mình từng yêu xưa kia.

Trong cuộc sống gia đình, thế nào rồi cũng có những lúc mà ý kiến, phản ứng, cảm nhận của hai người không trùng khớp với nhau, thậm chí còn trái ngược nhau. Trong những lúc ấy, em hãy nhớ:

1. Hãy nói rõ ràng cho chồng em những gì em cảm nhận ... chỉ thế thôi, và một cách dịu dàng. Ngoài sự khác biệt tâm lý giữa người nam và người nữ, em và chồng em còn có những khó khăn khác, xuất phát từ hai truyền thống gia đình khác nhau. Chồng em không phải là Thượng Đế thông biết mọi sự, vì thế anh ấy sẽ không biết điều gì xảy ra trong đầu óc và trái tim của em. Hãy nói cho anh ấy biết niềm đau mà em cảm nhận, nhưng đừng bảo anh phải làm gì cho đúng ý em. Áp đặt ý muốn của mình tự nó là một biểu hiện rằng mình thiếu tôn trọng chồng hay vợ mình; và tinh thần tôn trọng lẫn nhau chính là nền tảng cho hạnh phúc lứa đôi. Anh ấy đủ yêu thương em để tránh cho em những khổ tâm vô ích, và anh ấy sẽ tìm ra cách thức để tự điều chỉnh mình.

2. Nhưng dù sao đi nữa, thế nào rồi trong gia đình cũng có những giờ phút căng thẳng. Những lúc ấy, bằng mọi giá em hãy tránh nói những lời 'phá cầu', nghĩa là những lời mà khi tình trạng căng thẳng qua rồi, thì vết thương vẫn không chịu khép lại trong lòng trí của người chồng mình; và nhịp cầu không thể nào nối lại được như xưa.

Những câu nói đại loại như: “Em đã phạm sai lầm lớn nhất đời mình là kết hôn với anh...”, “Nếu em biết trước là anh...... như thế này thì...”, “Thật ra, bản chất của anh là ích kỷ, giả hình, (hay một tính từ nặng nề nào khác)”.

Nếu cần phải nói lên điều gì bất đồng, thì hãy giới hạn trong sự kiện, chứ đừng bao giờ buộc tội chồng mình.
Ví dụ em sẽ nói: Hôm qua anh nói rằng anh đến nhà anh Hùng, nhưng khi cần hỏi anh một điều, em gọi điện thoại đến nhà anh ấy và được bảo rằng anh không có ở đó. Nhưng đừng bao giờ hét lên với giọng đay nghiến: “Anh đã nói dối tôi, anh suốt đời chỉ là một tên đối trá!..” hay mỉa mai: “Tôi ngu lắm mà! Nói láo thế nào thì tôi cũng tin mà!”

Những căng thẳng trong gia đình là điều bình thường (nghĩa là thế nào cũng xảy ra) và tạm thời, nhưng các lời nói 'phá cầu' sẽ là những liều thuốc độc giết chết tình yêu, và do đó cũng giết luôn hạnh phúc.

3. Em hãy nhớ rằng hạnh phúc biến chuyển... và tình yêu cũng thế. Và nếu em thức tỉnh, em sẽ thấy rằng những gì sôi nổi và ngây ngất nhất trong thể xác và trong tinh thần sẽ dần dần mờ đi để nhường chỗ cho một trạng thái trầm lắng, ổn định, yên tĩnh hơn, nhưng đồng thời cũng tầm thường hơn, nhạt nhẽo hơn...

Đến một giai đoạn nào đó, hai vợ chồng sẽ xem nhau như 'nước lã'. Lúc bấy giờ, em hãy nhớ: nước lã là một thứ bình thường, thậm chí rất tầm thường, không hương vị đậm đà, không màu sắc rực rỡ, không mảy may hấp dẫn, thế nhưng thiếu nó, thì không làm sao sống được. Và đó là cái hạnh phúc mà em cần phải trân trọng. Khi mọi sự đã trở bên phẳng lặng bình thường, thì hãy nhớ lại những gì hai người đã là ('người là tất cả đối với tôi'), đã làm và vẫn đang còn làm cho nhau.

4. Còn một điều quan trọng. Hãy ý thức về hạnh phúc của mình và thường xuyên cảm ơn nhau trong cách đối xử hằng ngày. Hãy nói lên thành lời để diễn đạt tình yêu, hạnh phúc của mình, để nhắc lại cái may mắn được sống với anh ấy. Thầy ghi lại đây một tình huống điển hình giữa hai vợ chồng:

Vợ: Anh Phong, sao anh không nói gì với em hết vậy?

Chồng: (đang chăm chú đọc báo) Em nói gì?

Vợ: Anh chẳng nói gì với em.

Chồng: Anh đâu có chuyện gì để nói đâu!

Vợ: Anh không thương em!

Chồng: (ngỡ ngàng vì bất ngờ) Đừng nói tào lao, em thừa biết là anh thương em mà! (Rồi bỗng say sưa lý luận). Anh không bao giờ đi chơi với một người nữ nào khác ngoài em! Tiền lương của anh lúc nào cũng trao hết cho em! Anh làm việc như trâu là cho gia đình mình! Bộ em không thấy sao?

Vợ: (vẫn chưa mãn nguyện) Đúng rồi, nhưng anh không hiểu em. Em vẫn muốn nghe anh nói gì đó.

Chồng: Tại sao vậy?

Vợ: Tại vì... tại vì...


Dĩ nhiên, dưới một khía cạnh nào đó, người chồng có lý. Hành động của anh là bằng chứng cụ thể biểu lộ tình cảm của mình. Hành động thì hùng biện hơn lời nói. Nhưng về phía người vợ, thì chị cũng rất đúng. Làm thế nào biết rằng đường dây vẫn hoạt động nếu ta không kiểm tra? Khi một kỹ sư âm thanh nói vào máy vi âm: “một, hai, ba... alô, alô...”, ông chẳng nói điều gì có ý nghĩa. Nhưng đôi khi cũng cần phải nói lên câu vô nghĩa đó.

Điều xảy ra đối với người chồng trong ví dụ trên lại càng đúng hơn đối với em. Là người nữ, lại từng sống trong một gia đình truyền thống rất Việt Nam, em nghĩ rằng hành động tự nó đã nói lên rồi. Em dành những lời nói đặc biệt cho những hoàn cảnh phi thường và có thể em vô tình bỏ qua những cái nhỏ nhặt dệt đều đặn lên tấm vải hạnh phúc bình thường của gia đình mình.

Em à, thầy nói với em những điều ấy không phải vì thầy không tin rằng các em sẽ thành công trong hành trình của hai người, nhưng bởi vì, trước bất cứ một chuyến đi xa nào, thì cũng cần phải dự kiến một bánh xe xơ-cua và vài đồ phụ tùng, phòng trường hợp bất trắc. Giờ đây em hãy lên đường! Hãy vui hưởng chuyến du lịch trọn đời mình... mà không bao giờ lơ đễnh để quên đi điều này: trên trần gian, mọi thứ đều hao mòn, đều cũ đi, đều lão hóa, và không có gì cũ đi hay lão hóa nhanh cho bằng tình yêu và hạnh phúc, nếu ta không tân trang.

Thầy của em.

TRẦN DUY NHIÊN
 
Xin chia buồn cùng gia quyến Thầy .
Thành kính phân ưu !!!
 
Xin thay mặt gia đình thầy Trần Duy Nhiên cám ơn các thành viên trong forum đã phân ưu chia sẻ và hiệp thông cầu nguyện cho thầy Trần Duy Nhiên đến cõi vĩnh hằng .
Thân Kính
Trần Duy Quang
 
Tạm biệt thầy, người thầy không đứng trên bục giảng của lớp học, thầy đứng trên bục giảng trong tim của UU và trong tim của không biết bao nhiêu người...

Tạm biệt thầy, mãi mãi em tự hào ghi tên thầy là một người ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời em bên cạnh Ba và Má...

Tạm biệt thầy, mãi mãi những gì thầy đã chỉ dạy, những gì em đã hứa, những cuộc trò chuyện, những lần chat thâu đêm...

Tạm biệt thầy, mãi mãi kỷ niệm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng được theo vào Nhà thờ Vinh Sơn thắp cho thầy nén hương tạm biệt...

Tạm biết thầy...
 
Web KT

Bài viết mới nhất

Back
Top Bottom