Đoá hoa tươi thắm gửi tặng các thầy, cô giáo

(VietNamNet) - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Thư Hà Nội xin gửi "chùm" bài viết, như đóa hoa tươi thắm tràn đầy lòng biết ơn sâu sắc của những người học trò tới các thầy giáo, cô giáo cũ, tới các thầy giáo, cô giáo đã nghỉ hưu hoặc đang tận tụy và tâm huyết dạy học ở mọi vùng miền của đất nước, trên hành trình gian khó dạy chữ - dạy người. Những kỷ niệm ấu thơ trong trang sách và cuộc đời học trò, không chỉ nuôi lớn tâm hồn và nhân cách họ, mà còn gợi ra những chuyện nghiêm túc, sâu sắc đầy tính thực tiễn cho giáo dục thời đổi mới.
Những thầy cô không biết đến bông hoa Ngày 20 - 11
Làng tôi nằm ven sông Hoàng Long thơ mộng, quê hương của vua Đinh Bộ Lĩnh với cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Hai huyện Gia Khánh và Gia Viễn là vùng đồng chiêm trũng, rất nhiều núi đá vôi, có trái núi đứng trơ vơ giữa cánh đồng. Ngày xưa không có đê ngăn, vào mùa nước lụt, cả vùng trông như biển mênh mông. Cổ nhân yêu thơ văn lai láng, đi thuyền qua thấy đồng nước trong xanh, hoa súng tím với sơn thủy hữu tình nên gọi đó là Hạ Long cạn.
Khi học lớp 3 có bài đọc thêm về "Hạ Long cạn" đầy chất thơ, tôi mang về cho bố xem, ông thở dài: "Biển nước và núi non đẹp đấy nhưng làng ta mất mùa". Đồng trắng nước trong, một mùa lúa nên quê tôi nghèo khó, thân phận ấu thơ chúng tôi vì thế cũng nghèo.
Từ cái giấy khai sinh
Tôi nhớ lúc học lớp hai (1962) trường làng, thầy giáo Lan, một người vùng Nho Quan không hiểu sao cái tên lại giống tên con gái, thông báo cả lớp nộp giấy khai sinh để làm học bạ. Tôi về hỏi thì mẹ tôi bảo: "Ngày xưa đẻ mày ở cái hang trong núi Nhội, lúc tản cư chạy Tây càn thì làm gì có giấy khai sinh. Mẹ chỉ nhớ khoảng tháng một hay tháng hai gì đó. Vừa đau đẻ vừa đói làm sao mà nhớ được ngày tháng". Hỏi tản cư năm nào mẹ tôi cũng chịu.
Thầy giáo Lan nghe chuyện bảo tôi: "Để thầy giúp". Tên tôi vốn là Giang Tử Tế theo dòng họ, con trai đều có tên đệm là "Tử". Vốn liếng vài chữ Nôm, bố tôi mong con lớn lên thành người đàng hoàng tử tế nên đặt tên con như vậy. Nhưng thầy Lan bảo "Tử là chết, không nên dùng. Thầy chọn tên đệm là Công giúp em bay xa như chim".
Lên uỷ ban xã để lấy dấu, thấy tên tôi giống tên ông chủ tịch xã nên cán bộ xã tự thêm chữ "H" vào giữa để không "phạm húy". Mang về nhà, bố tôi xem và quát ầm: "Tên đệm sai rồi. Anh giáo Lan không biết đấy, chữ Tử trong dòng họ nhà mình nghĩa là Con". Năm tuổi tôi đã thuộc lòng bài Tam Thiên Tự do bố dậy "tử chết, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba". Đang học lớp hai nên tôi không hiểu ai đúng ai sai. Mang giấy khai sinh lên uỷ ban định đổi lại thì họ nói: "Triện uỷ ban có phải củ khoai đâu mà lúc nào cũng cộp được".
Sau này tôi mới hiểu, nhiều bạn trong lớp được thầy Lan đặt lại tên hoặc thêm đệm cho đẹp hơn. Ở quê lúc đó cha mẹ thường đặt tên con rất xấu để tránh ma bắt hay bị chết non mà thật ra do nghèo đói và bệnh tật gây nên. Những tên như Gầu, Sòng, Cò, Tý được thầy đổi lại thành Xuân, Quảng, Lập, Hằng rất đẹp. Vùng quê nghèo nên người thầy xưa phải nghĩ cả tên và làm khai sinh cho đám học trò.
Đến bài học ăn rau
Thời đó, tôi nhớ các bài tập đọc thiên về ca ngợi đất nước ta giàu có, ruộng đồng phì nhiêu, rừng vàng biển bạc. Khi vào lớp ba của thầy Huấn, tôi nhớ có bài tập đọc "Cần ăn rau", có câu đầu tiên: "Mấy hôm nay mâm cơm không có thịt cu Tý buồn thiu", nói về tác dụng của rau vì ăn thịt hay bị táo bón. Cu Tý vốn ăn thịt quen, thấy bữa cơm hôm ấy chỉ có rau nên không chịu ăn. Anh trai dỗ ngon ngọt là cần ăn rau, tốt cho tiêu hoá. Rồi chỉ ra mảnh đất trước nhà "Hôm nào anh em mình ra đó cuốc đất trồng rau" và cu Tý ngoan ngoãn vâng lời.
Tôi nhớ mang máng như thế vì bao nhiêu năm rồi, không rõ bài tập đọc ấy còn trong sách giáo khoa thời nay không. Nếu dùng cho trẻ em Hà Nội bây giờ sẽ có ý nghĩa giáo dục rất lớn vì chúng ăn quá nhiều thịt. Nhưng với thầy Huấn và đám trẻ chúng tôi thời đó thì hoàn toàn không thế. Nhà thầy có sáu con gái lít nhít nên rất vất vả. Tuy là giáo viên nhưng tôi đoán thầy cũng ít được ăn thịt vì trông thầy rất gầy, mặt mày hốc hác, thỉnh thoảng ho sù sụ. Bọn trẻ chúng tôi chỉ biết đến miếng mỡ vào ngày Tết, giỗ chạp hay đám ma may ra được cái đuôi lợn hay chân gà gặm cả ngày.
Giờ thầy giảng về bài tập đọc để lại ấn tượng khó quên. Mỗi lần nhắc đến chữ "thịt" như có nước miếng thầy cố nuốt vào trong, còn chữ "rau" thì giọng thầy nghẹn lại như đang nhai rau muống già luộc qua loa chấm muối. Lũ học sinh đang đói khát, nuốt nước bọt ừng ực như nhìn thấy đĩa thịt trước mặt mà phải cố gắp rau.
Sau gần 50 năm, tôi vẫn nhớ bài tập đọc và giờ giảng ấy dù lúc đó cảm giác của một học sinh lớp ba không rõ ràng như bây giờ. Thầy Huấn biết rõ bài "Cần ăn rau" ấy khó tiêu như thế nào. Thầy cười như mếu và bảo: "Sách viết lạ thật. Không hiểu sao thầy vẫn thích ăn thịt hơn vì ngày nào chả ăn rau" rồi thầy cố nháy mắt trêu đám học trò. Lũ chúng tôi cười reo lên: "Thưa thầy, đúng ạ".
Nhưng sống ở thời đó và sách giáo khoa nội dung như vậy, thầy chỉ biết bảo vài đứa đứng lên phát biểu nhắc đi nhắc lại: " Ăn thịt không tốt cho dạ dày", còn bọn "quỉ sứ" đói khát chúng tôi ra sức gào: "Cần ăn rau, không thèm ăn thịt".
Nhân cách nhà giáo và cuộc đời học trò
Lũ trò chúng tôi năm xưa lớn lên, mỗi đứa phiêu bạt một nơi. Một lần, vài bạn cũ gặp nhau ở Hà Nội lại có dịp nhắc chuyện thời đi học trường làng.
Biết bao thầy cô thời đó đã đặt tên, tính tuổi và khai sinh cho lũ trẻ quê mùa mà không biết rằng điều đó có tác dụng rất lớn với tương lai của chúng. Ngày nay, đám học trò ở vùng quê lam lũ thuở nào lại được nhiều người biết đến tên tuổi. Có anh đã lên đến thứ trưởng, vài chị là bác sỹ hàm cấp tá, người làm giám đốc trường đại học danh tiếng hoặc doanh nhân giầu có. Cái tên đệm "Công" cũng đã mang lại nhiều may mắn, giúp tôi bay đi khắp năm châu đúng như mong ước của thầy Lan. Đó là ơn trời biển không dễ gì sánh được của các thầy cô.
Lòng thương trẻ nghèo, kể cả việc như thầy Lan nghĩ cái tên đệm cho trò, đã giúp chúng tôi bước ra một cuộc đời khác sáng sủa hơn. Tôi còn nhớ nếu ai nghỉ học vì lý do nào đó, các thầy sắp xếp cho học phụ đạo sau giờ. Đôi khi hết giờ trên lớp, các thầy cho tôi đến nhà làm thêm bài tập. Biết tôi đi bộ bốn cây số đến trường, thỉnh thoảng các thầy cho tôi ăn bát cơm trước khi ra về. Rất lạ, thời ấy không ai nói chuyện trả tiền học ngoài giờ.
Nhìn vùng quê Ninh Bình, Thanh Hóa hay Nghệ An… những ngày lụt lội vừa qua, tôi chợt nhớ đến Hạ Long cạn thuở nào và biết rằng còn bao số phận nhỏ bé đang cần vòng tay rộng mở của các thầy cô. Nếu có tình thương đùm bọc, được dậy dỗ đến nơi đến chốn giúp các em trưởng thành, họ sẽ không quên những mái trường thân yêu trong đời và có cách sống nhân văn theo gương các thầy cô. Cách ứng xử của nhà giáo là tấm gương cho thế hệ trẻ nhìn vào và tự thấy mình trong đó.
Trong lễ tang cụ Vũ Trọng Kính, cựu đại sứ Việt nam tại UNESCO, người ta để ý đến một vòng hoa đặc biệt "Học trò Phạm Minh Hạc kính viếng Thầy". Hẳn người thầy đó phải có nhân cách như thế nào mới được sự kính trọng của học sinh kể cả nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (cũ).
Đoá hoa biết ơn thầy cô
Lũ trò chúng tôi thời ấy nay đã vào tuổi ngũ, lục tuần. Thầy Huấn của chúng tôi đã khuất núi từ lâu vì bệnh lao phổi. Thầy Lan không biết ở đâu. Nhìn vùng Nho Quan ngập trong biển nước, người leo lên cả dây điện tránh lũ, quan tài trôi lềnh bềnh, không hiểu sao tôi vẫn bị ám ảnh nhất về những ngôi trường ngập trong nước lũ, về hình ảnh một cụ già 80 đang ôm cháu chắt chạy lụt. Gần năm mươi năm trước, các thầy giáo của tôi không thể nghĩ rằng hôm nay lại có đứa học trò ngồi phía bên kia Thái Bình Dương và viết những kỷ niệm trường xưa. Ấn tượng tuổi thơ thật khó phai.
Ngày 20-11, tôi đến chơi nhà người bạn học cũ là giáo viên. Nhà chị đầy hoa và tràn ắp tiếng cười học sinh. Chúng tôi chợt nhớ ra chưa bao giờ tặng hoa các thầy. Thời đó, quê tôi không ai nghĩ đến trồng hay mua hoa tặng vì thế nhiều thầy cô không biết đến hương thơm của bông hoa ngày Nhà giáo Việt Nam.
Viết những dòng này, tôi xin được coi như là đóa hoa dâng tặng các thầy cô yêu quí, với niềm biết ơn sâu sắc đã giúp đám trẻ quê mùa chúng tôi may mắn nên người. Đó là những nhà giáo thiện lương sống trong nghèo khó, thanh bạch vẫn hết lòng vì học sinh thương yêu, dù đôi khi phải dậy những bài học trong sách giáo khoa đầy mâu thuẫn với đời thường khắc nghiệt.