Cặp song sinh Việt - Đức: Một câu chuyện tình cảm động (1 người xem)

Liên hệ QC

Người dùng đang xem chủ đề này

handung107

Thành viên gắn bó
Thành viên danh dự
Tham gia
30/5/06
Bài viết
1,630
Được thích
17,442
Nghề nghiệp
Bác sĩ

Theo Nhất Phương
Báo Người lao động


Gặp Đức, người anh em trong cặp song sinh Việt - Đức, vào những ngày này ai cũng nhận thấy được sự tất bật lo lắng và cả niềm hạnh phúc. Cũng như những người đàn ông sắp lập gia đình khác, anh đang chuẩn bị cho lễ cưới của mình sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Ducvavo576.jpg


Điều kỳ diệu

Năm 1988, ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức do giáo sư Trần Đông A làm trưởng kíp mổ thành công đã gây chấn động y giới trong và ngoài nước.

Sau ca mổ, cả Đức và Việt đều sống nhưng Đức may mắn hơn là phát triển bình thường mặc dù phải sống với đôi nạng gỗ, còn Việt phải nằm một chỗ với chế độ chăm sóc đặc biệt của các y bác sĩ ở Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM).

Gần 20 năm đi qua, sự thành công của cuộc đại phẫu vẫn còn làm nhiều người khâm phục. Tuy nhiên, điều làm mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn cả là Đức đang chuẩn bị cưới vợ. Cuối cùng rồi Đức cũng có một cuộc sống riêng bình thường như bao nhiêu người lành lặn khác.

Có lẽ đây là thành công lớn hơn, ý nghĩa hơn cả cuộc đại phẫu của tập thể y - bác sĩ tại Làng Hòa Bình. Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Giám đốc Làng Hòa Bình, cho biết cuộc sống của Đức luôn là một sự nỗ lực kỳ diệu, từ một đứa bé yếu ớt, Đức đã vượt qua bệnh tật và lo xây dựng gia đình.

Điều mà bác sĩ Phương Tần cũng như tập thể y - bác sĩ của Làng Hòa Bình tự hào về Đức là anh luôn tự tìm hạnh phúc, không tự làm tổn thương mình như những người kém may mắn khác. Và ngay từ nhỏ, Đức đã được dạy dỗ tinh thần tự lập, sự tự tin để không cảm thấy bị hụt hẫng khi không có ai bên cạnh.

Luôn ước mơ

Từ khi có ý thức về bản thân, Đức chưa bao giờ cảm thấy tự ti hay mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Chiến tranh có thể cướp đi sự lành lặn của cơ thể anh nhưng bù lại nghị lực và khát vọng sống trong anh có khi lại nhiều hơn những người bình thường khác.

Đức hiểu anh may mắn hơn người anh em của mình, may mắn hơn nhiều đứa trẻ bị bại não đang được nuôi dưỡng tại Làng Hòa Bình. Và anh cũng hiểu một người tàn tật không phải là tàn phế.

VietDuc576.jpg



Việt và Đức trên bàn tắm tại BV Từ Dũ (tháng 4/1984)



Không những thế, anh cũng muốn thuyết phục mọi người xung quanh cũng hiểu như mình. Chính vì thế Đức đã nỗ lực sống từng ngày, nuôi dưỡng những ước mơ lớn lên từng ngày để rồi ngày hôm nay ước mơ về hạnh phúc lứa đôi của anh đang trở thành hiện thực.

Cũng như bao chàng trai khác, Đức cũng đã nhiều lần thất bại trong tình yêu vì không tìm được sự chia sẻ ở những phụ nữ mà anh đã từng thầm thương trộm nhớ. Đức chưa từng vì tật nguyền mà không dám ước mơ.

Anh tự hào: “Mình luôn dám nghĩ và dám sống như bao người lành lặn khác, chính mặc cảm tự ti mới lấy đi cuộc sống của mỗi người chứ không phải là sự tật nguyền”. Và rồi cuối cùng, anh cũng đã gặp được một cô gái biết chia sẻ, cảm thông và yêu thương anh với những gì anh đang có.

Từ những lần gặp gỡ qua bạn bè bắt đầu vào tháng 4/2004, Đức đã phải lòng cô bạn gái Nguyễn Thị Thanh Tuyền rất hòa đồng và biết hy sinh. Không chỉ gặp gỡ ở những lần đi chơi, Đức còn rủ Tuyền và những người bạn tham gia công tác thanh niên tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ tổ chức để bạn bè hiểu hơn về cuộc sống của người khuyết tật.

Trái tim Tuyền đã bị chinh phục bởi chàng trai đầy tự tin, năng động, luôn luôn đầy ắp tình yêu cuộc sống. Chính niềm khát khao cuộc sống của Đức, sự chia sẻ và chăm sóc của Tuyền đã làm cho đôi bạn gắn kết nhau hơn.

Họ cũng đã gặp không ít trở ngại. Nhưng sau 2 năm quen nhau, Đức và Tuyền đã làm cho mọi người nhận thấy rằng hạnh phúc bền vững phải được xây đắp từ sự yêu thương và sẻ chia.

Mong sao một ngôi nhà nhỏ

Đám cưới của Đức sẽ diễn ra vào ngày 16/12/2006 tại nhà hàng Bảo Trân, thương xá Tax, với sự hỗ trợ của Công ty Yasaka của Nhật. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Đức là chưa có một ngôi nhà cho vợ chồng trú ngụ.

Hiện tại, Đức là nhân viên văn phòng tại BV Từ Dũ với mức lương 1,9 triệu đồng/tháng và anh đang lên kế hoạch mua căn hộ trả góp từ tiền lương hằng tháng. Mặc dù Đức luôn khẳng định với mọi người anh vẫn có thể đảm đương được cuộc sống của mình, hòa nhập vào cộng đồng như bao người bình thường khác nhưng rõ ràng anh khó hơn người thường gấp bội.

Bác sĩ Phương Tần lo lắng với tình trạng sức khỏe của Đức, anh rất khó kiếm thêm việc làm để cải thiện thu nhập. Có việc làm với thu nhập cao là điều không dễ dàng đối với người bình thường, huống chi là với Đức.

Đức cho rằng anh đã chuẩn bị cho cuộc sống gia đình từ trước và đã quen sống trách nhiệm nên không thấy chuyện lo cho gia đình nhỏ là một điều nặng nề. Đức biết khó khăn ở phía trước sẽ nhiều hơn nhưng anh vẫn tin rằng khi anh có người bạn đời bên cạnh biết chia sẻ thì anh sẽ có thêm động lực để vượt qua những chướng ngại trên đường đời.

Mong sao đôi uyên ương Đức - Tuyền có được một căn nhà nhỏ để cùng nhau xây tổ ấm, cùng sẻ chia những chuyện vui buồn trong cuộc sống.

Ca mổ lịch sử

Vào ngày 4/10/1988, ê-kíp gồm các bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Văn Tần, Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng nhiều bác sĩ khác đã mổ tách rời 2 bé song sinh Nguyễn Đức và Nguyễn Việt thành công. Ca mổ kéo dài khoảng 12 giờ.

Theo GS - BS Văn Tần, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TPHCM, người đã tham gia trực tiếp ca mổ Việt - Đức, vào thời điểm bấy giờ, đây là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca thứ 7 trên thế giới.

Trước đó, vào năm 1981, một phụ nữ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum hạ sinh cặp song sinh dính liền Việt - Đức do bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Năm 1987, các bác sĩ phát hiện Việt bắt đầu bị viêm não và ngày càng nặng hơn.

Vì vậy một nhóm bác sĩ thuộc các chuyên khoa sản, ngoại, nhi được thành lập để tiến hành ca mổ để tình trạng viêm não không gây ảnh hưởng đến đứa trẻ còn lại là Đức dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Nhật về trang thiết bị và kỹ thuật.

Sau ca mổ, cả Đức và Việt đều phải mang hậu môn nhân tạo trên bụng. Sau hơn một năm, Đức được đưa sang Nhật để đóng hậu môn nhân tạo trên bụng và đưa hậu môn trở về vị trí bình thường.

Đến nay, Đức phát triển bình thường, khỏe mạnh; còn Việt bị teo não và mất rất nhiều bộ phận, chỉ nằm một chỗ.
 
Cặp song sinh Việt - Đức: Một câu chuyện tình cảm động

Chonnhan776.jpg


Bà Lâm Thị Quế (bìa phải) và bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Giám đốc Làng Hòa Bình chọn nhẫn cho Đức và Tuyền.
Cho đến bây giờ, khi đã sắp về sống chung dưới một mái nhà , Tuyền vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác lần đầu tiên gặp Đức tại đám cưới của một người bạn (tháng 4/2004). Đã nghe về Việt - Đức từ lâu nhưng Tuyền không thể giấu được sự ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể gặp họ giữa đời thường.


Ấn tượng về chàng cầu thủ chơi bóng bằng nạng

Nhìn Đức đến dự đám cưới bạn trên đôi nạng với những cử chỉ nhanh nhẹn và tự tin, Tuyền bắt đầu ngưỡng mộ người bạn mới này. Và sự mến phục càng tăng thêm khi nói chuyện với Đức. Tuyền không nhận thấy có sự mặc cảm hay thái độ oán hận cuộc đời ở Đức.

Đến khi tiệc tan, cô càng ngạc nhiên hơn khi thấy Đức có thể tự lái chiếc xe Charly. Tuyền cũng không ngờ rằng sau đó không lâu cô được Đức chở đi chơi bằng chiếc xe này. Và nhân duyên của họ đã được ươm mầm một cách tự nhiên như thế.

Rồi dần dần, Tuyền có mặt nhiều hơn trong đời sống của Đức. Đó là những chuyến tham gia công tác từ thiện do Hội Chữ thập đỏ tổ chức. Được đi với Đức đến những vùng sâu, vùng xa trong những đợt khám chữa bệnh cho người nghèo, thăm những trại trẻ mồ côi, những trường dạy trẻ khuyết tật... Tuyền càng hiểu hơn về đời sống của những người có hoàn cảnh như Đức.

Cũng nhiều lần Tuyền tự hỏi: “Có điều gì mà một người bình thường làm được nhưng Đức không làm được?”. Rồi đến lúc thấy Đức chơi bóng đá bằng đôi nạng với những người bạn bình thường, thậm chí Đức cũng bị chơi xấu, bị té ngã nhưng lại đứng lên và chơi tiếp, cô đã tự trả lời câu hỏi của mình rằng bất kỳ điều gì Đức cũng có thể làm được như một người lành lặn.

Sau trận đấu, Tuyền còn được biết chính Đức đã dặn các bạn mình hãy cứ chơi và tranh chấp bóng một cách thật lòng chứ đừng nhường Đức. Chính những suy nghĩ, cách sống và quan niệm về cuộc đời của Đức đã khiến cô quyết định đi bên cạnh người đàn ông này cho đến hết cuộc đời.

Vượt qua rào cản gia đình

Khi giới thiệu Đức với mẹ và mọi người trong gia đình, Tuyền đã gặp sự phản đối. Gia đình Tuyền sống ở quận 11 - TPHCM. Ba Tuyền mất từ khi cô còn rất nhỏ và mẹ Tuyền ở vậy một mình nuôi 5 anh chị em cô bằng công việc buôn bán ở chợ Lãnh Binh Thăng.

Mặc dù mọi người trong nhà rất quý Đức nhưng ai cũng sợ Tuyền khổ nên đã khuyên nhủ Tuyền không nên tiếp tục. Cũng có lúc cô muốn buông xuôi. Tuyền không muốn mẹ và các anh em vì mình mà phiền lòng.

Cô cũng có những phút đắn đo “liệu Đức có là chỗ dựa vững vàng cho cuộc đời mình”, “liệu mình có thể chia sẻ hết với anh Đức những khó khăn của một người khuyết tật?”. Nhưng rồi nghĩ đến tình cảm chân thành và sự quan tâm của Đức, cô lại đấu tranh với gia đình, có cả năn nỉ, khóc lóc, tâm sự và cả hứa với gia đình sẽ có cuộc sống tốt bên cạnh Đức.

Qua những lần phụ mẹ bán rau, Tuyền kể cho mẹ cô nghe về Đức, về những việc Đức làm, về những điều Đức nghĩ. Bên cạnh đó, cách cư xử hòa đồng, nhiệt tình và sự nỗ lực vượt khó của Đức đã thuyết phục mẹ Tuyền.

Đức cũng được gia đình Tuyền quý mến vì luôn biết lo lắng và quan tâm đến người khác. Khi thì Đức giúp anh Tuyền sửa bóng đèn, khi thì Đức phụ cô em gái Tuyền làm bếp, cũng có lúc đi mua giúp mẹ Tuyền vài món đồ dùng.

Dần dần, Đức trở nên quen thuộc và gần gũi với gia đình Tuyền như một thành viên không thể thiếu. Và đến lúc này, sau 2 năm quen nhau, họ quyết định chuyện cưới xin. Hiện nay, Tuyền đang theo học khóa làm móng tay ở Nhà Văn hóa Phụ nữ với mong muốn sau khi lập gia đình sẽ có việc làm góp thêm thu nhập với Đức.

Niềm vui của người phụ nữ bất hạnh

Vui với niềm vui của Đức trong những ngày này còn có mẹ và chị ruột của Đức. Từ năm 1988, sau ca mổ, Việt - Đức được đưa vào chăm sóc ở Làng Hòa Bình thì mẹ và chị Đức cũng vào đây để gia đình sum họp. Họ được sắp xếp làm công việc lao công và đưa đón các em bé khuyết tật đến trường.

Bà Lâm Thị Quế, mẹ của Đức, có 3 người con, trong đó chỉ duy có chị Đức là lành lặn bình thường. Còn ba Đức đã có cuộc sống riêng từ khi anh em Việt - Đức chào đời. Nhìn Đức lớn lên, khỏe mạnh, rồi có lúc đưa bạn gái về giới thiệu ở Làng Hòa Bình, mẹ của Đức bắt đầu mơ ước về một mái ấm cho con trai mình.

Tất cả hy vọng bà đều đặt vào Đức, bà cũng mong muốn được có cháu nội vì Việt đã không thể có cuộc sống của một người bình thường. Tuy nhiên, cũng như mẹ của Tuyền, mẹ Đức cũng rất lo lắng sợ con dâu quá cực do chăm sóc Đức, rồi bất đồng sẽ nảy sinh.

Bà cho biết: “Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến ngày mình sẽ có con dâu”. Có lẽ hạnh phúc của Đức cũng góp phần làm dịu đi nỗi đau trong lòng người phụ nữ bất hạnh này.

Cuộc đời người anh song sinh


VietanhDuc776.jpg


Nguyễn Việt (anh của Đức)

Mỗi ngày, Đức, mẹ và chị đều đến phòng chăm sóc đặc biệt để thăm anh Việt. Tất cả những phần dính chung như đại trực tràng, hậu môn, chân... Việt đã nhường cho Đức hết. Vì trên người Việt có nhiều mảnh ghép nhân tạo nên rất dễ bị nhiễm trùng.

Chị Trương Thị Ten, nữ hộ sinh chăm sóc Việt, cho biết Việt sống đời sống thực vật và rất dễ bị cảm sốt, viêm hô hấp. Thỉnh thoảng, Việt có cười hoặc u ơ vài tiếng nhưng có lẽ anh không biết rằng người em song sinh của mình đang chuẩn bị cho ngày vui nhất của cuộc đời.


Theo Nhất Phương
Báo Người lao động​
 
Câu chuyện xúc động thật chị há!
 
Nguyễn Đức của cặp song sinh Việt - Đức 'đẻ' sinh đôi

Sinh non ở tuần thứ 32, bé trai nặng 1,6 kg và bé gái nặng 1,15 kg, con của Nguyễn Đức ra đời tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, hôm 25/10.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, trước mắt, các bác sĩ ghi nhận cả hai bé có hình hài và nội tạng hoàn toàn bình thường như bao trẻ khác. Tuy nhiên do sinh non tháng nên cả hai bé đang được chăm sóc đặc biệt tại phòng dưỡng nhi.
Hai bé đang được săn sóc trong phòng dưỡng nhi, bệnh viện Từ Dũ.

vd.jpg


Theo bác sĩ Thanh, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - vợ của Nguyễn Đức có mang song sinh cuối tháng 3. Thăm khám thai kỳ, các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán nguy cơ sinh non nên đã cho uống thuốc dự phòng sinh non từ tuần thai thứ 27. Tuy nhiên ngày 24/10 (tức thai ở tháng tuổi thứ 8), sản phụ có biểu hiện huyết áp cao và tiền sản giật nhẹ nên phải nhập viện. Một ngày sau, chị Tuyền chuyển dạ, các bác sĩ phẫu thuật lấy con.

Tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết, do sinh non nên hai cháu nhẹ cân, đều có dấu hiệu suy dinh dưỡng và được hồi sức ngay sau khi chào đời.

"Trước mắt, cả hai đều lành lặn như bao trẻ khác. Tuy nhiên cũng như những ca sinh thiếu tháng khác, điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là giúp hai bé tránh khỏi tình trạng suy hô hấp và nhiễm trùng", ông Xuân nói.

Dù biết con vẫn còn yếu phải thở máy, dù tất bật cả ngày với công việc và phải liên tục trả lời điện thoại từ những người thân gọi đến chúc mừng, song khi được hỏi về con, Nguyễn Đức vẫn không giấu được niềm vui. Vẫn nụ cười rạng rỡ, thoăn thoắt trên đôi nạng, Đức cho nói: "Tôi vui lắm khi biết con mình lành lặn. Càng thú vị hơn khi có sự trùng hợp là cả hai con tôi song sinh giống như bố nó ngày xưa. Tôi sẽ nuôi con mình thật tốt và mong sao chúng trở thành những công dân có ích cho đời".

vdddd.jpg


Nguyễn Đức trong ngày hội đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam.

Nguyễn Đức là người em trong cặp song sinh Việt - Đức chào đời năm 1981 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Gia Lai. Anh em Đức sinh ra trong tình trạng dính liền nhau ở phần bụng, cả hai có cùng bộ phận sinh dục, hậu môn và cân nặng chỉ có 2,2 kg.

Năm 1988 đội ngũ giáo sư, bác sĩ trong nước và các bác sĩ đến từ Nhật Bản đã cùng phẫu thuật tách rời hai anh em. Không may bằng em, Nguyễn Việt sống đời sống thực vật và qua đời năm 2007.

Nguyễn Đức tuy phải đi bằng nạng do chiếc chân còn lại teo nhỏ, song dưới sự bảo bọc của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng của làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ, cậu bé dần trưởng thành và cuộc sống bình thường. Cuối năm 2006, Nguyễn Đức và người yêu Nguyễn Thị Thanh Tuyền cưới nhau. Đến đầu năm 2009, vợ Đức có thai.

Ngày đầu được làm cha, Đức xúc động cảm ơn những tình cảm sâu nặng mà những người không sinh ra Đức nhưng đã có công nuôi nấng dưỡng dục; những người mà anh từng gọi là ngoại, là nội, là mẹ, của Làng Hòa Bình thân yêu.

Chưa kịp đặt tên con, tuy nhiên Đức cho hay, tên của hai con anh sẽ mang ý nghĩa về mối quan hệ Việt - Nhật.

Thiên Chương

Nguồn : http://www.vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/10/3BA14F5F/
 
Lần chỉnh sửa cuối:
sáng nay cả nhà đọc báo có nhắc đến tin này
mẹ bảo "ơ, sao có con được nhỉ"
ba bảo "ca phẩu thuật này nổi tiếng mà"

đang nuốt vội tô bún mộc để còn đi làm
bảo với mẹ "sao thắc mắc kỳ thế"
giờ xem kỹ cái hình trước khi phẫu thuật
thấy quả là .. kỳ diệu!

trời thật không phụ lòng người :)
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Web KT

Bài viết mới nhất

Back
Top Bottom