- Tham gia
- 3/7/07
- Bài viết
- 4,946
- Được thích
- 23,212
- Nghề nghiệp
- Dạy đàn piano
Tôi, từ bé, đã lỡ mắc cái tật đúng giờ, và không ít lần trở thành nạn nhân dở khóc dở cười của chính cái tật này!
Tối nay thấy trong người hơi khỏe tí, lang thang vào mạng, tự nhiên vớ được cái bài này, thấy hay hay, post cho mọi người đọc tí, gọi là... thư giãn:
Tối nay thấy trong người hơi khỏe tí, lang thang vào mạng, tự nhiên vớ được cái bài này, thấy hay hay, post cho mọi người đọc tí, gọi là... thư giãn:
Đồng hồ thì gần như ai cũng có, loại đắt tiền, loại rẻ tiền, nhưng điểm chung của đồng hồ ở xứ ta có lẽ là chúng đều không giúp được chủ nhân thực hiện... đúng giờ!
Dây thun làm bằng gì?
Hỏi cho vui vậy thôi, chứ đây không phải là bài học về kết cấu vật liệu. Bởi dây thun làm bằng cao su là chuyện ai cũng biết. Và đặc tính của cao su là khả năng co giãn, đàn hồi rất cao. Thời gian là một đại lượng vật lý, ghép với “cao su made in Vietnam”, thì kết quả là một điều bất ngờ: Ai luôn đúng giờ, người ấy trở thành lạc lõng!
Thử đi đám cưới mà xem. Thiệp mời nào cũng dõng dạc ghi: đón khách 17g30, nhập tiệc 19g. Ghi vậy để cảnh báo, mà cũng để trừ hao. Nhưng khách khứa thì chả dại gì đến đúng giờ. Họ tự động trừ thêm nửa tiếng, hoặc một tiếng. Cô dâu chú rể và hai họ cứ việc thử thách lòng kiên nhẫn, vì đương nhiên họ không thể bỏ về trước. Bởi vậy, ở thành phố lớn, nhất là Sài Gòn, đi đám cưới đúng giờ là một cái gì đó rất… quái đản! Từ ông giữ xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ đến cô dâu chú rể đều sẽ bất ngờ, nếu ai đó đi đám cưới đúng giờ phăm phắp.
Đám cưới thế, các “đám” khác cũng thế. Và không chỉ ở tư gia, mà các sự kiện công cộng cũng vậy. Thường gặp là hội thảo, hội nghị lùi giờ, chủ tọa liếc đồng hồ, còn quan khách nhàn tản kéo tới. Quá 5-10 phút là chuyện thường. Bây giờ, chỉ có các sự kiện được truyền hình trực tiếp là thường đúng giờ nhất, vì phải phụ thuộc vào thời gian lên sóng chính xác của nhà đài, tính bằng giây. Còn lại, muộn đã là thói quen phổ biến y như thói quen xả rác vô tư.
Tưởng chừng một giới có giờ giấc khá chính xác là báo chí sẽ “thoát” thói quen này, nhưng không. Ở không ít sự kiện, nhà báo lại thường đến trễ, mà không ai có ý kiến ý cò gì được, vì ngại đụng chạm. Tuy vậy, nhà báo cũng không có gì đặc biệt, so với đủ thứ “nhà”, khi giờ giấc đã trở thành một khái niệm… mơ hồ.
Tại sao không đúng giờ?
Đúng giờ là thói quen của xã hội công nghiệp, cuộc sống công nghiệp. Trong một nhà máy chẳng hạn, ca kíp nghiêm ngặt, thời gian chính xác là yếu tố tiên quyết để dây chuyền sản xuất vận hành bình thường.
Ở xứ ta, cơ sở sản xuất công nghiệp thì rất nhiều, và ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khi bước ra khỏi nhà máy, lập tức người ta lại lè phè, không đúng giờ. Bởi lẽ, cuộc sống xã hội thì to hơn nhà máy, nên sức chi phối cũng mạnh hơn. Khi đến muộn là thói quen của đa số, ai không kiên định thì dễ bị đồng hóa. Thói quen này có gốc rễ là lề lối, phong cách sống nông nghiệp, cứ còn mặt trời là còn ban ngày, tắt nắng thì thành ban đêm. Về đô thị sống, do số đông giống nhau, nên thói quen không đúng giờ trở thành “gien trội”. Và hành vi của số đông sẽ trở thành hành vi chuẩn để người ta quy chiếu, bắt chước.
Một lý do nữa, là từ bé, ở đô thị, trẻ nhỏ không được dạy về sự nghiêm ngặt của thói quen đúng giờ. Các bé “xài dây thun” chung với người lớn từ khi lẫm chẫm biết đi. Cứ đi mãi như thế thì trở thành thói quen cố hữu. Và trong một cộng đồng mà đi muộn trở thành bình thường, rất khó có lý do để trẻ nhỏ có phản xạ đúng giờ trong các quan hệ của chúng. Nhỏ thế thì lớn sẽ không khác, và khi một thế hệ mới được “chế tạo”, cái này sẽ được “di truyền”. Trẻ nhỏ không được truyền đạt thói quen dị ứng với chuyện muộn giờ, nên sẽ dị ứng với đúng giờ.
Bài học cơ bản của giao tế công cộng là nên đến trước giờ hẹn (dù là công việc hay riêng tư) tối thiểu là 5 phút. Đến sớm một chút để phòng ngừa rủi ro về thời gian, và cũng để tỏ thái độ tôn trọng người đối diện. Nhưng cái ABC này đã bị số đông quên béng. Thời hiện đại, nguyên nhân đến trễ còn được giải thích bằng một chuyện ai cũng đối diện hằng ngày: Kẹt xe! Tuy vậy, sẽ là khó lý giải, khi người ta di chuyển chừng 200 mét đến cuộc hẹn, mà “kẹt xe” cũng vẫn cứ chắc chắn xảy ra?
Đến muộn mới là “VIP”!
Thói quen kỳ quặc này hình như bắt đầu từ phụ nữ. Thời con gái, hẹn hò thì cứ phải đến muộn một chút, cho chàng phải sốt ruột. “Mình mà đến sớm, hắn lại nghĩ mình nôn nóng, và hắn thì cao giá. Thì kéo ra một tí, để coi hắn có cuống quýt lên không”. Phép thử này thần diệu đến mức, trong quan hệ nam nữ, đã mặc định một quy tắc bất thành văn: Không trễ giờ bất thành… phụ nữ!
Nhưng như trên đã nói, khi không đúng giờ trở thành thói quen xã hội, nó không còn phân biệt giới tính nữa. Đi làm muộn, đi họp muộn, đi đám cưới hay nhậu nhẹt cũng thế, những kẻ đúng giờ dần dà trở thành sinh vật có tên trong… sách đỏ, dành cho những loài sắp tuyệt diệt.
Không chỉ trong giới biểu diễn, mà trong những quan hệ thường nhật, quan niệm buồn cười “người đến trễ nhất là người quan trọng nhất” trở thành một tiêu chí không chính thức để chọn… VIP! Khi bá quan văn võ ổn định bàn tọa cả rồi, mình túc tắc đi vô, thế mới là nổi bật. Sẽ có người tỏ vẻ khó chịu, nhưng làm gì được nhau. Mà có khi, cái kẻ đang lườm nguýt bĩu môi kia lại ghen tị không chừng?!
Giờ dây thun có nhiều biểu hiện, nhưng đều cho kết quả là những chiếc đồng hồ chỉ còn mang ý nghĩa trang sức. Và khi thời gian chỉ là một biểu tượng ở cổ tay chứ không phải là thói quen, phản xạ từ não, người ta chỉ còn hỏi nhau: “Này, cái đồng hồ ấy mua hết bao nhiêu tiền?”.