Một tiết học ứng dụng công nghệ "đa chuột".
(LĐ) - Giờ học toán của lớp 6E, Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội hôm 15.1 bắt đầu bằng một cuộc thi đấu giữa 5 nhóm. Trên chiếc màn chiếu lớn treo giữa lớp được kết nối với máy tính hiện ra chi chít... con trỏ chuột.
Khá lạ lùng là cả 5 nhóm và cô giáo đều có thể điều khiển được chuột.
Cuộc thi đấu trên là một phần của bài giảng điện tử do cô giáo trẻ Đỗ Minh Anh phụ trách. Chủ đề của tiết học là: "Nhân hai số nguyên khác dấu". Cô giáo ra nhiều đề bài và đáp án khác nhau để các nhóm tự dùng chuột lựa chọn đáp án trên màn hình. Ai chọn nhanh hơn và đúng sẽ thắng. Kết quả được công bố ngay lập tức sau đó.
Nhóm thắng cuộc vui vẻ reo hò. Còn các nhóm kém điểm hơn vội vã túm tụm tìm nguyên nhân. Có khi lý do thua cuộc chỉ đơn giản là do bấm chậm, hoặc "chuột bị "đơ". Cứ như thế, tiết học trôi qua lúc nào không biết.
Các giờ học như vậy, được các em học sinh rất hào hứng tiếp nhận bởi nó "vừa vui, vừa dễ nhớ", theo lời của bạn Nguyễn Tài Anh.
Từ đầu năm học 2008, trường Lê Quý Đôn đã ứng dụng giải pháp "đa chuột", và phần mềm Mischief của Microsoft để phục vụ các bài giảng trong chương trình. "Đa chuột" được hiểu là có nhiều chuột được cắm vào một máy tính và tất cả đều có thể điều khiển máy tính. Trong phòng học, bên cạnh chiếc bảng đen truyền thống, có thêm một chiếc "bảng trắng" là màn chiếu, kèm theo các phụ kiện như máy tính, máy chiếu (projector).
Đối với các học sinh, các tiết học ở phòng máy tính bao giờ cũng thú vị nhất. Em Đỗ Bảo Khánh, học sinh lớp 6E cho biết, ở nhà thỉnh thoảng em vẫn mượn máy tính của bố để học và chơi games. Nhưng chưa bao giờ em được chứng kiến cả mấy chục con chuột trên một máy như vậy. "Chúng em thấy rất phấn khích bởi ai cũng được dùng chuột và điều khiển máy. Nhất là khi tất cả cùng tham gia vào một cuộc thi".
Cô giáo Minh Anh, một trong số 5 giáo viên được nhà trường tín nhiệm cử đi học các lớp công nghệ mới do Microsoft tài trợ cho biết, nhờ có công nghệ "đa chuột" mà tất cả các học sinh đều tham gia trực tiếp vào bài giảng. Qua đó, giáo viên và học sinh trở nên gần gũi hơn. Học sinh cũng phấn khởi và dễ tiếp thu bài hơn.
"Công nghệ mới giúp tôi có thể kiểm tra từng em học sinh và xem kết quả ngay lập tức. Nếu làm việc theo nhóm, các em có thể thảo luận với nhau để đưa ra câu trả lời đúng nhất. Điều đó giúp học sinh nhớ bài giảng ngay", cô Minh Anh nói.
Những thử nghiệm như giờ giảng "đa chuột" của trường Lê Quý Đôn diễn ra trong bối cảnh năm học 2008-2009 được Bộ GD-ĐT chọn làm năm ứng dụng công nghệ thông tin và giảng dậy. Tại hội thảo về Giáo dục điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức ngày 25 tháng 12 năm 2008, công ty Microsoft đã giới thiệu công nghệ "đa chuột" với hơn 140 đại diện của các trường phổ thông của Hà Nội.
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT đánh giá: "Đây là một công nghệ khá tiện dụng bởi nó khuyến khích nhiều em học sinh cùng tham gia. Chúng tôi ủng hộ việc triển khai công nghệ này tại các trường".
Ông Hoàng Tuấn Dũng, phụ trách Chương trình Tiềm năng Không giới hạn của Microsoft cho hay, công nghệ "đa chuột" đang được Microsoft tài trợ và triển khai thí điểm tại 22 trường phổ thông của Hà Nội (mở rộng) và đang thu được những kết quả đáng khích lệ.
"Hãy tưởng tượng, trong một lớp có 40 học sinh mà chỉ có 4 máy tính. Như vậy 10 em sẽ vây quanh một máy. Trong mỗi nhóm đó, sẽ chỉ có 1 người nắm quyền điều khiển chuột. Các em còn lại chỉ xem chứ không được vận hành trực tiếp. Chỉ vài phút là chúng sẽ mất tập trung và quay sang nói chuyện riêng.
Trong bối cảnh hiện nay, thay vì mua thêm máy tính - một giải pháp khó khả thi đối với các trường có nguồn kinh phí eo hẹp, Microsoft đã sáng tạo ra công nghệ "đa chuột", cho phép tất cả các em học sinh tham gia trực tiếp vào quá trình điều khiển máy tính, điều này làm tăng sự tiếp xúc của học sinh với máy tính cũng như sự tương tác giữa các học sinh", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, trong tương lai, giải pháp giảng dậy mới này của Microsoft sẽ tiếp tục được hoàn thiện và triển khai rộng rãi tại các nhà trường trên toàn quốc.
Minh Đức