Má bệnh

Liên hệ QC

luongvanluyen

Thành viên mới
Tham gia
21/11/06
Bài viết
4
Được thích
42
Đã từ lâu tôi chưa có thời gian ngồi lại hay cà phê mà suy nghĩ.

Hôm nay má vào nhà thương, cơ hội để tôi có thời gian mà suy nghĩ.

Hôm trước má mệt, ông anh chở đi khám, Bác sĩ kêu làm một số xét nghiệm. Thế nhưng má không có tiền, cả ông anh cũng không có tiền, thế là đành phải quay về.

Về nhà chạy được 2 triệu, ngày mai lại đi lên khám. Bác sĩ bảo phải nhập viện ngay, yêu cầu đóng liền 3 triệu, má đòi về vì không có tiền nhưng ông anh năn nỉ cho đóng trước 2 triệu. Má nằm lại bệnh viện.

Ngày hôm sau thằng em đưa cho được 2 triệu để bù vào khoản hôm trước, Bác sĩ chụp CT yêu cầu đóng trước 5 triệu...Gọi điện tới lui, vay được 3 triệu. Má được chụp CT.

Sau khi chụp CT, Bác sĩ không phát hiện bệnh tim, nhưng phát hiện bệnh viêm phổi. Má phải nằm lại điều trị bệnh viêm phổi.
Bác sĩ yêu cầu chụp CT mạch vành, số tiền là 7.2 triệu. Má khóc.

Tối nay ai ở với má, gọi điện tới lui cho mấy anh chị em, dâu rễ:

Dâu út:
_ Alo, dạ. Em mới đi làm không thể nghỉ được. Nếu em lên ngủ tối với má, sáng em về đi làm trễ không được.

Chị Ba:
_ Alo, ừ. Có một mình Chị buôn bán, đi không được.

Dâu thứ 6:
_ Alo, Em đang đi làm không thể về được. (Mặc dù cách xa 5 KM!)

Con gái:
_ Em đang có em bé không thể chăm sóc má ban đêm được...

Con trai nhỏ:
_ Alo, em nghe.
_ ...
_ Trời tiền nhiều dữ vậy, làm sao có tiền, em mới mua đất đang trả nợ.
_ ...
_ Sao không mua bảo hiểm cho má.
_ ...
_ Vậy hả,....

Vậy là tôi được dịp ngồi ngẫm nghĩ, nghĩ về nhân tình thế thái...

Lương Văn Luyện
 
Cám ơn đề tài của bạn, bạn thật mạnh dạn khi dám chia sẻ cùng mọi người. Cầu trời ban phước lành cho Mẹ của bạn và chúc Mẹ của bạn mau chóng bình phục!

Sao tự nhiên câu chuyện của bạn giống tâm trạng của gia đình mình, Mẹ bệnh, nhập viện, mổ tim, phải đóng 34 triệu, mặc dù có bảo hiểm y tế. Trước khi mổ phát hiện viêm ruột (do mổ ruột thừa 2 tháng trước) giờ phải mổ ruột trước, chờ khỏe lại sẽ mổ tim. Mẹ tôi vẫn còn đang nằm trong phòng cách li, sức khỏe theo bác sĩ là quá yếu, chỉ 1 người vào thăm, phải mặc đồ phòng dịch mới cho vào trong 1 giờ mỗi ngày.
Con cầu cho Mẹ tai qua nạn khỏi. Cầu cho Mẹ mau chóng bình phục, con thương Mẹ quá Mẹ ơi.
 
Tôi tin rằng câu chuyện của bạn luongvanluyen là có thật và chắc chắn rằng nó không chi xảy ra ở một nơi đâu. Trong câu chuyện tôi thấy lấp lánh tình yêu thương Mẹ, nó đối lập với cái tầm thường, vô cảm của cuộc đời...
 
nó đối lập với cái tầm thường, vô cảm của cuộc đời...

Có thể bạn thấy nó là vô cảm, tầm thường. Nhưng đó là sự thật hiển hiện, mà ta không thể chối bỏ.

Ta không thể tự cho mình là siêu nhân, đứng trên mặt bằng xã hội về kiến thức, tri thức & trình độ văn hóa, xã hội.

Cái mà tôi muốn nói là ta nên ứng sử như thế nào (hành vi ta ra sao) với hoàn cảnh khách quan lúc bấy giờ.

Ta có thể fê fán nó hôm nay & mai sau. Nhưng nó vẫn tồn tại, vậy đó. . . Để chúng ta có cái để mà fê fán!. . .


Xỉn một tẹo, mong được lượng thứ - "Chia sẻ" mà!
 
Rồi cũng sẽ có một ngày những người đó ngồi suy nghĩ về nhân tình thế thái như bạn vậy.Rất buồn và chia sẻ với bạn,mong Mẹ bạn mau khỏi bệnh.
 
/(/gắn gọn thế này:
Ta đối xử với mẹ cha ra sao, thì con cái ta sẽ đối xử với ta như vậy!​
 
Đọc nghe mà buồn nhưng hình như không ai chịu làm "nhạc trưởng" (gia đình bạn có những 5-6 anh em thì phải)
 
Chúc má của anh sớm khỏi bệnh.

@ Ba mẹ : Nếu như, người ta sẽ được gọi là "trưởng thành" khi người ta biết yêu thương và kính trọng đấng sinh thành. Thì, có lẽ, con đã trưởng thành rồi ba mẹ à. Cảm ơn ba mẹ vì tất cả!
 
Cám ơn đề tài của bạn, bạn thật mạnh dạn khi dám chia sẻ cùng mọi người. Cầu trời ban phước lành cho Mẹ của bạn và chúc Mẹ của bạn mau chóng bình phục!

Sao tự nhiên câu chuyện của bạn giống tâm trạng của gia đình mình, Mẹ bệnh, nhập viện, mổ tim, phải đóng 34 triệu, mặc dù có bảo hiểm y tế. Trước khi mổ phát hiện viêm ruột (do mổ ruột thừa 2 tháng trước) giờ phải mổ ruột trước, chờ khỏe lại sẽ mổ tim. Mẹ tôi vẫn còn đang nằm trong phòng cách li, sức khỏe theo bác sĩ là quá yếu, chỉ 1 người vào thăm, phải mặc đồ phòng dịch mới cho vào trong 1 giờ mỗi ngày.
Con cầu cho Mẹ tai qua nạn khỏi. Cầu cho Mẹ mau chóng bình phục, con thương Mẹ quá Mẹ ơi.
Đã không để ý đến thông tin ở đây để rồi giật mình khi nghe tin mẹ anh qua đời. Thoáng qua những tưởng chỉ là lời chia sẻ đơn thuần.

Mẹ già như chuối chín cây

Có con mới hiểu được lòng mẹ

Dù chỉ mới có con được hơn 1 năm nay, nhưng với tất cả những tình yêu thương có trên đời này dành con em hiểu được tình cảm mà người mẹ dành cho con là đến mức nào.
Phúc cho ai có được tình yêu thương của cha mẹ.
Phúc cho ai được ở bên mẹ để chăm sóc chia sẻ cho mẹ cũng như ngày xưa khi mẹ chăm sóc cho con.
Bất hạnh cho ai quên đi tình mẫu tử.


http://ngngtu.blogspot.com/2010/05/tao-lao-ve-ong.html
 
Đọc bài viết của anh mà em thấy nhớ má của em quá (mặc dù em mới từ quê vào hôm qua). Má em cũng hay đau ốm lắm, thế nhưng mỗi lần đề nghị má đi khám bệnh thì má chỉ nói: "Chỉ bị cảm thôi mà". Má nói vậy thôi chứ thực ra má đau nhiều lắm, má sợ đi khám bệnh sẽ tốn tiền, phát hiện nhiều bệnh... Vì má còn phải lo cho ông bà ngoại và 3 đứa con còn đang đi học. Ba chị em muốn xin má nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ má, nhưng lần nào cũng bị má la rầy, má nói phải cố gắng học hành nếu không sau này sẽ khổ giống má, má không chịu. Mỗi lần về nhà con muốn ở nhà luôn để được chăm sóc má, nhưng má luôn động viên con đi học. Hôm nay, con đã vào đến Sài Gòn nhưng tâm tư con lúc nào cũng hướng về Bình Định, nơi má đang vất vả từng ngày lo cho chúng con. Con rất mong đến ngày học xong để được về với má. Má ơi!!!!!
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi điều hành viên:
"... Tôi sợ mùa xuân lắm lắm thay
Vầng trán Mẹ tôi nếp nhăn dài
Mỗi năm thêm tuổi, thêm già yếu
Tôi lặng trong lòng, ai có hay?"
<Xuân Cảm>

Mẹ ơi, con đâu còn cơ hội lo lắng cho Mẹ khi đêm đông giá rét, lúc ngày hè nắng oi, "quạt nồng ấp lạnh" ai sẽ chăm lo cho Mẹ khi Mẹ đang dạo bước tận nơi suối vàng?

"... Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay Mẹ rụng con phải mồ côi..."
<Mừng tuổi Mẹ>

Dù con đã trưởng thành, nhưng với Mẹ con vẫn là một đứa trẻ. Giờ đây con mới hiểu được 2 chữ "mồ côi" là như thế nào Mẹ à.
Suốt cả quãng đời bên Mẹ con cũng mắc phải những sai lầm, kính mong hương hồn Mẹ tha thứ cho con Mẹ nhé!

Ai đó đã diễn tả tâm trạng của mình bằng một bài thơ thật nghĩa tình:

"Cũng vòng tay ấy Mẹ ơi
Sao con nỡ chối làm người con ngoan
Bao năm đời Mẹ hao mòn
Đâu như trăng khuyết lại tròn trên cao
Giờ xa mới thấy thương nhiều
Phút khôn lớn khóc cho điều dại xưa
Dù đời không phải giấc mơ
Con cũng ước về tuổi thơ một lần
Sẽ làm đứa trẻ thiên thần
Vịn bờ vai Mẹ ngập ngừng bước đi
Vòng tay, nếu lỗi lầm gì
Chịu roi Mẹ đánh, dẫu đau suốt đời...
Nhưng nào có được Mẹ ơi
Thời gian cướp mất lần hồi tuổi xuân
Nếp nhăn trán Mẹ cuộn dần
Lời tạ lỗi dẫu muộn màng vẫn hơn"
<Muộn màng>

Thật may mắn cho những ai còn có Cha có Mẹ. Hãy đối xử thật nhẹ nhàng và thật tốt với Đấng sinh thành của mình nhé!
 
Mới đó mà hôm nay đã giỗ lần thứ hai của Mẹ, con nhớ Mẹ lắm Mẹ ơi!

hoa-sen.jpg

 
Xin chia sẻ nỗi niềm của bạn Luongvanluyen; cảm ơn các anh chị trên diễn đàn đã chia sẻ; …..tôi có 2 người mẹ: Mẹ đẻ tôi, đã hơn 20 năm bị bệnh thần kinh phân liệt” Sống mà như giấc mơ thôi…….”; mẹ vợ tôi cách đây 3 năm cũng mổ U não, nhưng giờ cái của “Ác kia ” lại phát triển, nên mẹ đã phải nằm sống thực vật hơn 01 năm nay; …..Nhưng hình ảnh của các mẹ khi xưa, khi ta còn nhỏ luôn mong mẹ về…..cảm ơn bài thơ của Hoàng Trọng Nghĩa, như một lời tri ân sâu sắc!
“….
….Dù đời không phải giấc mơ
Con cũng ước về tuổi thơ một lần
….”
 
Em cảm nhận được tình cảm của anh dành cho người thân yêu. Bởi em cũng như anh, chỉ còn 19 ngày nữa là giỗ đầu ba em...
Vẫn biết rằng vòng quay của cuộc đời là Sinh, Lão, Bệnh, Tử... Trong những ngày cuối đời, ba em có nói: Con gái của ba luôn mạnh mẽ và cá tính, vì vậy, khi ba nhắm mắt xuôi tay, con không được khóc...hãy để những giọt nước mắt mang nặng tình cảm của con cho ba vào trong lòng mình, đừng để nó trôi ra ngoài con nhé"!
Chúng ta sẽ không khóc, mà hãy cố gắng sống tốt hơn!

Hôm nay 19 tháng 5
Cha 70 tuổi có ai chúc mừng
Cõi âm cha có lạnh lùng?
Không ai ấp lạnh, quạt nồng cho cha.
Cõi âm nay đã là nhà
Tâm linh cha vẫn ở nhà với con
Áo cha, giường chiếu vẫn còn
Thương cha, mẹ đã hao mòn bao nhiêu.
Hôm nay là đã giỗ đầu
Nhớ cha con viết vài câu nghẹn ngào.
Con giờ chẳng biết nói sao
Nước mắt không chảy mà chỉ thấy xót đau trong lòng!

Bài thơ này em viết tặng ba để hóa về trời cho ba em đọc trong ngày giỗ đầu sắp tới!
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Ngày xưa còn bé, mẹ đánh đau, con gan lì không khóc
Ngày nay lớn khôn, lỡ làm việc sai, mẹ cũng quơ cây roi đánh con.
Con khóc!
Vì không còn đau như ngày xưa nữa, vì nhận ra rằng mẹ đã yếu đi nhiều...

Gửi tặng các bạn đôi điều...


HIẾU


Đạo hiếu dạy người thành kính phụ mẫu tổ tiên, không vong bản (mất gốc). Chưa bàn đến đạo hiếu của người con, hãy nói đến lòng từ của phụ mẫu.

Khi người mẹ chưa mang thai, thường mong có được một đứa con để nối dõi tông đường, nên hay bồn chồn lo lắng. Một khi có mang lại lo ngại đến việc sinh nở, mong mẹ con được bình an, nên từ việc ăn uống, đứng ngồi, đi lại cho đến một cử động nhỏ, người mẹ đều thận trọng, ngày đêm kinh hoàng, sợ làm tổn đến thai nhi. Đến khi lâm bồn, trong cơn thập tử nhất sinh, mẹ con được bình an, đó là một điềm hỷ cùa cha mẹ, nỗi lo lắng từ đó tạm thời qua đi.

Khi con chào đời, trải qua ba năm nhũ bộ, thường lo sữa mẹ không đủ, lại cho con dùng thêm cơm cháo. Trong những đêm đông lạnh lẽo, phải thức khuya dậy sớm để đổi ướt thay khô…

Làm người ai không thích sạch sẽ, nhưng vì con mà quên đi mùi tanh hôi của hai đường bài tiết. Ai không ghét nằm ướt, nhưng vì con mà lại phải nhường khô nằm ướt để con ngủ yên. Bế con tắm gội, phải cần thận ôm mình giữ lưng để bảo vệ xương sống cho con. Thay mặc áo quần lại sợ thương gân tổn cốt, phải uốn nắn tay chân. Đến lúc bắt đầu mọc răng, phải nhai cơm để nuôi con. Lúc con khóc lóc, phải vuốt đầu dỗ con. Trong lúc tập bò tập đứng, sợ con té ngã phải ở bên cạnh dìu dắt từng bước. Mùa lạnh vì con đắp mền mặc ấm, trời nóng vì con mà quạt mát. Lúc ngủ lại phải vì con mà đuổi muỗi. Khi biết chạy nhảy nô đùa, sợ con té ngã mà ở bên cạnh trông nom. Con được mạnh khỏe, cha mẹ vui mừng, con có bệnh hoạn, sợ con chết yểu.

Khi đến tuổi trưởng thành, sợ con ngu dốt mà tìm thầy dạy dỗ, cho con ăn học. Con được thông minh, lòng cha mẹ mừng. Trí con đần độn, cha mẹ lo âu. Đến tuổi cáp quan, sợ con cô đơn, cha mẹ không tiếc của cải, nhờ người mai mối, lo việc hôn nhân, hôn nhân thành toại, lại sớm mong có cháu. Tích của tậu nhà, để con được hưởng. Gia đình bần cùng, nuôi con càng khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lo con hơn mình, để con không chịu cảnh cơ hàn. Sợ con lao lực mà không no, sức con không đủ mà bao dung. Nói tóm lại, cha mẹ không phân biệt giàu nghèo, ngày đều mong con mau lớn, năm mong cho con trưởng thành. Con có điều hay, cha mẹ khen thưởng, con có lỗi lầm, cha mẹ âm thầm đau lòng. Con tuy lớn tuổi, cha mẹ vẫn thương con như hài nhi. Ơn của cha mẹ lớn như thế, người có khí huyết, há không nghĩ đến việc báo đáp hay sao?

Nhưng người đời thường vì tính tình mà hay ngỗ nghịch với cha mẹ. Hoặc vì phú quý mà sinh lòng khinh khi, xem cha mẹ là kẻ quê mùa, thân được hiển vinh mà không nhớ đến ơn nghĩa. Ngỗ nghịch thay! Hoặc vì nghèo khó mà oán trách cha mẹ không để lại gia sản. Hoặc vì ăn chơi trác táng làm tổn thương đến di thể của song thân. Hoặc làm chuyện phi pháp bị tù tội mà làm nhục đến cha mẹ. Hoặc không cần kiệm để cha mẹ phải chịu cảnh đói rét. Hoặc nghe lời vợ tích của riêng tư, phân chia gia sản, làm cho cha mẹ buồn rầu. Hoặc là phụng dưỡng cha mẹ nhưng không có lòng thành kính. Hoặc là khinh mạn lục thân, không kính trọng bạn bè của cha mẹ. Hoặc trách cha mẹ thiên vị, xem cha mẹ không bằng người hàng xóm. Hoặc cha mẹ trong lúc bệnh hoạn mà không tận tâm chăm sóc. Hoặc cầu mong cha mẹ chết sớm để hưởng gia tài…

Tất cả những sự ngỗ nghịch, bất hiếu đó đều tránh không khỏi sự giám sát của thiên thần, sổ đen có tên. Che giấu không được những cặp mắt sáng chói của con cháu, khi lớn lên cũng học giống như vậy mà làm theo. Người xưa nói: “Người hiếu thuận sinh được con hiếu thảo, người ngỗ nghịch thì con cháu cũng nghỗ nghịch theo”. Đó là luật nhân quả báo ứng, Trời Đất không dung kẻ bất hiếu. Kinh Ngọc Lịch: “Người bất hiếu khi chết phải chịu cực hình nơi địa phủ, và đầu thai vào con đường súc đạo”.

Khuyên người đời, thờ phụng cha mẹ không nên xem nhẹ lòng hiếu, phải thành kính hiếu thảo. Nếu gia đình khá giả, tuy có người hầu giúp việc trong nhà, nhưng người hầu không phải là anh chị em, nên không thể tận tâm hết lòng như mình. Do đó cần phải chính bản thân mình chăm lo sớm chiều để cha mẹ được vui. Nếu cha mẹ không tin nhân quả, không biết hành thiện, khuyên cha mẹ bố thí tài vật để bồi đức, tích nhân. Nếu gia đình nghèo khó, phải siêng năng cần kiệm, tuy vật chất có phần thiếu thốn, nhưng ân cần hỏi han sớm chiều, lòng cha mẹ cũng được vui.

Trước mặt cha mẹ không nên than van cảnh nghèo khổ, để cha mẹ nghĩ rằng người già là một gánh nặng cho con cháu, lại càng không thể để cha mẹ phải đi làm việc vất vả trong lúc tuổi già. Ngày xưa Dương Hiếu Tử phải ăn xin để nuôi mẹ, khi mẹ mất còn xây lều tranh bên mộ mẹ, giữ mộ cho đến chết. Ôi! Lòng hiếu là phần Thiên Tính, đâu vì giàu nghèo mà phân biệt. Cha mẹ vui mừng, con nên hớn hở, cha mẹ giận nộ, con nên an ủi, cha mẹ buồn rầu, con nên giải sầu, song thân có lỗi, con nên khuyên can, song thân tranh tụng, con nên hòa giải, song thân sở thích, con nên hòa vui… thuận lòng cha mẹ nào kể giàu nghèo.

Phận làm dâu, phải kính chồng. Đã kính chồng cũng phải kính trọng cha mẹ chồng. Đã về nhà chồng, cha mẹ chồng cũng như cha mẹ trong nhà, hơn nữa nhửng gì chồng có được đều từ cha mẹ chồng mà ra cả. Nếu chồng không làm tròn được lòng hiếu, bổn phận làm dâu phải đền bù chỗ thiếu sót, để chồng khỏi mang tiếng, lòng cha mẹ chồng cũng được vui. Nếu khinh mạc cha mẹ chồng, dù người chồng là hiếu tử phải cũng mang tiếng bất hiếu. Chồng không được hiếu thảo mà làm dâu hiếu thảo được thì công sẽ lớn vậy.

Nước có nguồn, cây có rễ, hiếu thảo phụ mẫu cũng phải hiếu thảo tổ phụ mẫu. Chỉ hiếu phụ mẫu mà không hiếu thảo tổ phụ mẫu cũng là bất hiếu.

Đức Văn Xương Đế Quân dạy: “Duy Trời yêu người hiếu, duy Thần kính người hiếu. Nạn thủy hỏa, đạo tặc, đao binh, ôn dịch, nhất thiếc khổ ách đều tránh xa hiếu tử”. Trên Trời có hiếu vương, dưới có hiếu tử, lòng hiếu sáng tỏ khắp càn khôn, lúc sống là trung thần hiếu tử, khi chết sẽ là Thần Tiên trên Trời. Thiên đều trọng hiếu như thế, mong rằng bổn phận làm con phải tận chữ hiếu, lấy hiếu làm phép tắc, trên cảm cách Thiên Thần, dưới làm gương cho con cháu, đó là hiếu đạo thế gia mà hưởng phúc đời đời.

PHƯƠNG PHÁP TẬN HIẾU

Ở Việt Nam, cũng như những nước Á Đông, rộng hơn là toàn thế giới, đạo hiếu là điều căn bản của người con đối với cha mẹ. Lòng hiếu thảo là vấn đề sinh tồn của một dân tộc. vì nguyên động lực này, nền văn hóa của một dân tộc mới được trường cửu. Đức Khổng Tử dạy: “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế là thờ vua giúp nước, và sau cùng là lập thân”. Lịch sử chứng minh: Một người ở nhà hiếu thảo với cha mẹ, cũng là một người trung thành với quốc gia. Đó là người trung hiếu lưỡng toàn của một gia đình, của một dân tộc.

Đạo hiếu bao hàm nhiều ý nghĩa. Thầy Tăng Tử dạy: “Đạo hiếu có ba: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế là làm cho cha mẹ không mang tiếng chịu nhục, sau cùng mới là nuôi dưỡng”.

Đối với Tổ Tiên, cũng như cha mẹ quá cố, Đức Khổng Tử nói: “Sự tử như sự sinh”, nghĩa là thân nhân tuy đã quá cố, nhưng lòng thờ phụng người quá cố cũng phải như lúc sinh thời”.

Tôn thân: Bổn phận làm con, từ nhỏ biết thương yêu cha mẹ, đến khi trưởng thành vẫn một mực giữ được sự thương yêu tôn kính ấy, lòng tôn kính yêu thương này không vì thời gian mà thay đổi. Như thế có thể gọi là Hiếu. Thương yêu tôn kính cha mẹ là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, tức là phải thuận lòng cha mẹ mà không dám làm điều gì trái ý, để cha mẹ buồn. Ngày xưa vua Thuấn, vì không làm vui lòng được người cha ương ngạnh và người mẹ ghẻ độc ác, khi được vua Nghiêu nhường ngôi, cũng không thấy ngôi vua là quý.

Trong trường hợp cha mẹ có chỗ không đúng, bổn phận làm con cũng phải có thái độ ôn tồn, dùng lẽ phải can gián, để cha mẹ không đi vào con đường bất nghĩa. Trái lại biết cha mẹ có chỗ sai lầm mà không khuyên, để cha mẹ phạm pháp mà mang tiếng, bổn phận làm con cũng phạm vào tội bất hiếu.

Bất nhục: Là làm cho cha mẹ không phải mang tiếng xấu với đời. Cho nên bổn phận làm con phải giữ mình trong sạch, chớ nên đi vào con đường bất chính mà làm cho cha mẹ phải mang tiếng chịu nhục. Thầy Mạnh Tử nói: “Hay đánh nhau đấu thắng với người, làm cha mẹ phải mang tiếng xấu, là một điều bất hiếu”.

Thầy Tăng Tử nói: “Cư xử không đoan trang là bất hiếu. Thờ vua bất trung là bất hiếu. Gặp quan không kính là bất hiếu. Không giữ tín với bạn bè là bất hiếu. Ra trận không có lòng dũng cảm là bất hiếu”.

Tóm lại, những hành vi làm cho cha mẹ phải mang tiếng, chịu nhục đều là bất hiếu.


Trích: Minh Tâm Phục Thiện
 
"... Tôi sợ mùa xuân lắm lắm thay
Vầng trán Mẹ tôi nếp nhăn dài
Mỗi năm thêm tuổi, thêm già yếu
Tôi lặng trong lòng, ai có hay?"
<Xuân Cảm>

Mẹ ơi, con đâu còn cơ hội lo lắng cho Mẹ khi đêm đông giá rét, lúc ngày hè nắng oi, "quạt nồng ấp lạnh" ai sẽ chăm lo cho Mẹ khi Mẹ đang dạo bước tận nơi suối vàng?

"... Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay Mẹ rụng con phải mồ côi..."
<Mừng tuổi Mẹ>

Dù con đã trưởng thành, nhưng với Mẹ con vẫn là một đứa trẻ. Giờ đây con mới hiểu được 2 chữ "mồ côi" là như thế nào Mẹ à.
Suốt cả quãng đời bên Mẹ con cũng mắc phải những sai lầm, kính mong hương hồn Mẹ tha thứ cho con Mẹ nhé!

Ai đó đã diễn tả tâm trạng của mình bằng một bài thơ thật nghĩa tình:

"Cũng vòng tay ấy Mẹ ơi
Sao con nỡ chối làm người con ngoan
Bao năm đời Mẹ hao mòn
Đâu như trăng khuyết lại tròn trên cao
Giờ xa mới thấy thương nhiều
Phút khôn lớn khóc cho điều dại xưa
Dù đời không phải giấc mơ
Con cũng ước về tuổi thơ một lần
Sẽ làm đứa trẻ thiên thần
Vịn bờ vai Mẹ ngập ngừng bước đi
Vòng tay, nếu lỗi lầm gì
Chịu roi Mẹ đánh, dẫu đau suốt đời...
Nhưng nào có được Mẹ ơi
Thời gian cướp mất lần hồi tuổi xuân
Nếp nhăn trán Mẹ cuộn dần
Lời tạ lỗi dẫu muộn màng vẫn hơn"
<Muộn màng>

Thật may mắn cho những ai còn có Cha có Mẹ. Hãy đối xử thật nhẹ nhàng và thật tốt với Đấng sinh thành của mình nhé!

Đã 4 năm rồi đó Mẹ! Mặc dù cuối tuần phải trực tàu, nhưng con cũng ráng tranh thủ về thắp nén nhang cho Mẹ.
 
/(/hớ về cha.


Thế là trăm ngày rồi, cha ơi

Xa xôi cách trỡ ngàn trùng khơi

Biển mênh mông sóng trào thương nhớ

Biển dạt dào mãi khúc tình thâm

}}}}} }}}}} }}}}}

Ba nơi đâu trên miền cực lạc

Dõi chúng con, từng những mái đầu

Thái sơn nhân nghĩa ba để lại

(/ẹn toàn trung hiếu nước cùng non.
 
Web KT
Back
Top Bottom