Lọc không khí nội địa - Tạo dựng sức khỏe vô hình!!!

Liên hệ QC

PhanTuHuong

VBA & VB.NET for Excel & AutoCad
Thành viên danh dự
Tham gia
13/6/06
Bài viết
7,120
Được thích
24,279
20210514_210124.jpg
Trong những năm gần đây, môi trường ngày càng ô nhiễm, đặc biệt ở các TP lớn và KCN. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người gây ho hen, hắt hơi sổ mũi, xoang, các bệnh liên quan đến phổi và phế quản... Có người nuôi thú cưng nên hôi hám, lông bay khắp nơi ảnh hưởng tới sức khỏe, dễ gây hen suyễn... nhà có người bệnh, người già không vận động... :(
Nhiều người không những quan tâm về ăn sạch, uống sạch mà còn hít thở không khí sạch. Do vậy máy lọc không khí ngày càng phổ biến, giúp người dân có giấc ngủ ngon và sảng khoái. Có 2 loại phổ biến là chỉ lọc không khí diệt khuẩn thông thường và có thêm chức năng bù ẩm (rất tốt khi kết hợp với điều hòa). Các thương hiệu phổ biến như Daikin, Panasonic, Sharp, Toshiba, Vsmart, LG, Coway, Philips...
Hiện tại nếu mua máy mới chất lượng tốt thì giá cả tương đối đắt so với mặt bằng chung, đặc biệt là khi có chức năng bù ẩm. Do vậy phương án dùng hàng nội địa Nhật Bản (cũ) là hợp lý. Vì ngành CN phát triển mạnh trong những năm 5x÷9x dẫn đến thảm họa về môi trường. Do vậy công nghệ lọc không khí của Nhật Bản được các hãng sản xuất nghiên cứu, áp dụng tính năng như bù ion, Streamer, nanoe... từ đã lâu mà đến giờ vẫn áp dụng. Một điều cần khẳng định là chỉ tính riêng đồ gia dụng thì Nhật Bản đã đi trước chúng ta 20÷30 năm.
20210510_145931~2.jpg

- Ưu điểm của nội địa Nhật Bản cũ:

+ Chất lượng sản phẩm, linh kiện tốt hơn hẳn các dòng đời mới. Nhiều con ruột gan còn như mới. Hàng nội địa vốn nồi đồng cối đá và tiết kiệm điện (đều có Inverter).
+ Bù ẩm thông minh (tự động khi độ ẩm quá thấp, tự ngắt khi độ ẩm cao). Kiểu bù ẩm bằng guồng quay này hiệu quả, an toàn hơn so với máy bù ẩm (phun sương) thông thường.
+ Phụ kiện như màng lọc hepa, than hoạt tính dễ thay với giá hợp lý.
+ Giá cả hợp lý (so với giá xuất xưởng thì quá rẻ luôn).
+ Có các cảm biến thông minh về độ ẩm, bụi, khói, chất lượng màng lọc... để người dùng dễ dàng theo dõi.

20210509_113924.jpg


- Nhược điểm:

+ Chữ giun rắn, nhưng có phần mềm chụp dịch hình ảnh và dùng mãi rồi quen.
+ Nguồn 100v, để chuyển sang 220v sử dụng cục đổi nguồn. Nếu gắn bên trong thì phải cắt dây, đấu nối. Chất lượng cục đổi nguồn thường không tốt có thể gây cháy nổ khi chạy quá lâu... Theo tôi nên giữ nguyên và dùng cục đổi nguồn bên ngoài nếu ít di chuyển. Còn nếu máy cần di chuyển nhiều thì cần chú ý thời lượng sử dụng và thay cục nguồn loại tốt (đương nhiên thì tốn hơn).
+ Liên quan đến bảo quản, xếp đồ và vận chuyển từ nước ngoài và vòng vèo mãi mới đến người dùng nên có con bị nứt, vỡ vỏ bên ngoài, dây điện bị cắt... Dù chả ai muốn nhưng điều này nên chấp nhận. Quan trọng là không ảnh hưởng tới chất lượng. Con nào lành lặn 100% là điều may mắn.
+ Không biết chủ cũ họ sử dụng ở môi trường nào nên nhiều máy bám bẩn, ố vàng, linh kiện bám bụi... Đây là vấn đề quan trọng NHẤT khi mua máy cũ. Nếu sử dụng máy bị bẩn bên trong thì còn HẠI hơn là không dùng. Cơ chế máy lọc là hút không khí bên ngoài rồi chạy qua hệ thống màng lọc rồi tuần hoàn trở lại. Do vậy nó hút tất tần tật các thứ, một phần bám lại trong máy. Do vậy việc tháo toàn bộ vệ sinh, diệt khuẩn (dùng xà phòng, phơi nắng...) là hết sức cần thiết! Khâu này tốn thời gian, công sức nhưng là việc RẤT cần thiết. Những đồ không thể giặt bằng nước như màng hepa, màng than hoạt tính... thì cần hút bụi, lau qua bằng nước sát trùng và phơi nắng.
Nhiều shop vì lợi nhuận bỏ qua vệ sinh bên trong hoặc dọn sơ sài. Hậu quả người dùng lĩnh đủ!!!

20210514_105858_HDR.jpg
+ Nhiều con vứt ở bãi nên vỏ bị ố vàng, shop thường dùng chất tẩy trắng có hại (điều hòa cũ cũng vậy) hoặc sơn phủ lên.
+ Một số linh kiện điện tử dễ hư hỏng như cảm biến độ ẩm của Daikin, Sharp, motor ... nhưng dễ dàng thay thế.

QUY TRÌNH VỆ SINH MÁY LỌC KHÔNG KHÍ CŨ

Khi mua và vệ sinh máy lọc không khí cũ sử dụng (máy dùng 3÷4 năm cũng nên vệ sinh kiểu này). Công việc cần thực hiện:

1- Xem qua hình thức máy. Nó là yếu tố quan trọng để đánh giá nguồn gốc và mức độ sử dụng ở bên kia. Ruột gan sạch khác với ruột gan bẩn, bám nhiều cặn...
20210429_142401_HDR.jpg
2- Tháo toàn bộ máy, vệ sinh bằng xà phòng các linh kiện nhựa, sắt là tốt nhất. Những loại bám bẩn có thể phải ngâm qua đêm. Sau đó kỳ cọ sạch sẽ và đem phơi nắng. Khâu này rất quan trọng nhằm tẩy trùng.
3- Các bộ phận điện tử thì cần thổi bụi, lau sạch. Phần màng lọc, màng than hoạt tính nếu còn tốt cần hút sạch bụi và đem phơi nắng vài buổi. Nếu có điều kiện thì dùng màng lọc mới.
4- Dưỡng đồ nhựa bằng dung dịch chuyên đồ cho xe hơi để phục hồi chất lượng và 1 phần độ bóng... mà vẫn đảm bảo an toàn. Phần nhựa bị xước có thể được tẩy, đánh bóng bằng giấy ráp mịn, siêu mịn.
20210518_153024_HDR.jpg
5- Lắp ráp lại như cũ.

KẾT LUẬN

- Nếu bạn có tiền và hiểu biết còn hạn chế thì mua máy mới cho yên tâm.
- Nếu mua máy cũ thì đọc kỹ ở trên. TRÁNH mua những cửa hàng nhếch nhác, hình ảnh không giống QC, nhà thuê vì nếu họ chuyển đi thì không biết túm ai?!
- Giá cả 1 loại máy dao động tùy vào chất lượng, phụ kiện và chế độ bảo hành. Nhiều shop bán xong là xong, viện đủ lý do chối bỏ nếu trục trặc. Có người ham rẻ mua máy không vệ sinh hoặc làm ẩu. Chỉ nên hít thở từ máy mà mình biết rõ ruột gan sạch và an toàn là điều quan trọng nhất dù vỏ máy có thể không đẹp lắm!
Tương tự với máy liên quan tới hút không khí như điều hòa, hút ẩm cũ...
- Lợi ích của lọc không khí + bù ẩm không phải ngay lập tức, mà phải lâu dài. Cứ phải sau vài tháng sử dụng liên tục mới rõ tác dụng của nó.
- Nếu không vệ sinh thường xuyên thì bản thân máy lọc không khí là nơi phát tán độc hại vì bụi bẩn, ám khói, ẩm mốc... tích tụ vào. Do vậy tối thiểu 1÷2 tháng vệ sinh, hút bụi & hơi nắng hệ thống lọc không khí 1 lần.
- Máy móc cũng như người, cần phải nghỉ ngơi. Có người bật 24/24h trong khi đã đổi nguồn sang 220v (toàn đồ DIY). Điều đó dẫn đến quá tải, nóng máy... dễ gây cháy nổ.
 
Lần chỉnh sửa cuối:
CHẾ ĐỘ BÙ ẨM KHI SỬ DỤNG LỌC KHÔNG KHÍ

Một chức năng quan trọng là bù ẩm khi sử dụng điều hòa. Khi sử dụng điều hòa, độ ẩm không khí thường bị hạ xuống khá sâu (< 45%). Đó là nguyên nhân gây khô mũi, họng và da, dẫn đến ho, hắt hơi sổ mũi...
Máy lọc không khí có chức năng tự động bù ẩm khi độ ẩm không khí bị hạ thấp (trời hanh khô, sử dụng điều hòa), giúp duy trì độ ẩm trong ngưỡng 50÷60%. Đây là độ ẩm có lợi cho sức khỏe. Đồng hồ đo độ ẩm ở dưới chỉ rõ vùng xanh.
Do vậy khi mua máy lọc không khí thì NÊN có chức năng bù ẩm. Nếu mua mới thì chức năng này tốn thêm tương đối tiền, nhưng với máy nội địa cũ hầu như đầy đủ mà giá rất hợp lý.
20210523_160715.jpg
 
Lần chỉnh sửa cuối:
LỢI ÍCH CỦA CHỨC NĂNG BÙ ẨM KHI SỬ DỤNG ĐIỀU HÒA

Khi sử dụng điều hòa, độ ẩm thường giảm xuống sâu gây khô mũi, họng... Từ đó dễ gây ho, sổ mũi... đặc biệt với người cơ địa yếu. Clip ở dưới là độ ẩm không khí chỉ còn 40% dù đây là điều hòa nội địa Nhật rất êm, và tốt.

 
Máy lọc không khí anh đang dùng thứ tự các màng lọc như nào anh? Anh chụp ảnh được không?

Thằng Daikin thì thứ tự từ màng thô, hepa (mặt màu xanh bên ngoài), sau đó đến màng than.
Còn Sharp thì đưa màng than ngay sau màng thô.
20210614_112906.jpg
 
Thằng Daikin thì thứ tự từ màng thô, hepa (mặt màu xanh bên ngoài), sau đó đến màng than.
Còn Sharp thì đưa màng than ngay sau màng thô.
Em thấy có thằng Daikin và Hitachi là thiết kế chuẩn: Đặt màng lọc bụi (Hepa) trước màng khử mùi.
Ở mình bụi kinh khủng, tầm 1 tháng là bít kín hết màng lọc bụi rồi. Thằng nào để màng khử mùi trước màng Hepa là vứt.
 
Em thấy có thằng Daikin và Hitachi là thiết kế chuẩn: Đặt màng lọc bụi (Hepa) trước màng khử mùi.
Ở mình bụi kinh khủng, tầm 1 tháng là bít kín hết màng lọc bụi rồi. Thằng nào để màng khử mùi trước màng Hepa là vứt.
Cái này không quan trọng, mình có thể thay đổi theo ý mình. Riêng thằng Panasonic ghép màng thô và hepa làm 1.
 
LỢI ÍCH CỦA CHỨC NĂNG BÙ ẨM KHI SỬ DỤNG ĐIỀU HÒA (tiếp theo)

Sử dụng chế độ bù ẩm trong khoảng 20 phút thì độ ẩm đã lên 55%, đây là độ ẩm rất tốt cho mũi họng (khoảng 50 - 65%). Tốc độ và khả năng bù ẩm phụ thuộc vào diện tích phòng và công suất máy. Với máy tôi đang dùng công suất khá lớn thì nó duy trì độ ẩm khoảng 60%. Một đêm bù đến 2/3 bình nước.

 
Tôi đặt máy lọc ở phòng khách, nơi sinh hoạt chính và bật hầu hết cả ngày thì sau 10 ngày nó thế này đây... :eek::rolleyes:

20211026_114844.jpg

20211026_114854.jpg
 
Toàn hoa hậu với người đẹp. Panasonic vẫn đẳng cấp dù hơi đỏng đảnh 1 chút :)

20220104_173307.jpg
 
HỆ THỐNG MÀNG LỌC MÁY LỌC KHÔNG KHÍ

Màng lọc của máy lọc không khí (MLKK) là bộ phận quan trọng nhất nhằm loại trừ bụi thô, bụi mịn (PM 2.5) và khói, mùi... Khi vận hành thường xuyên hoặc môi trường ô nhiễm thì chúng nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng. Do vậy chúng cần được kiểm tra, vệ sinh và thay thế định kỳ. Việc không vệ sinh vô tình biến MLKK thành nơi chứa và phát tán các chất bẩn, độc hại và chính mình sẽ hít phải (giống như sử dụng MLKK cũ không được vệ sinh cẩn thận). Tuy nhiên không phải ai cũng biết điều này. Do vậy bằng kinh nghiệm tôi chia sẻ bài này để người dùng sử dụng sao cho hiệu quả nhất.

Hình 1.png
Hình 2.png


Như trong hình 1 và 2, không khí được hút vào MLKK sẽ phải đi qua nhiều loại màng lọc với các chức năng khác nhau. Thông thường thì không khí đầu tiên sẽ đi qua màng lọc bụi thô, rồi màng lọc bụi mịn (màng Hepa), màng lọc than hoạt tính (khử mùi và chất độc)... Đây là những màng lọc cơ bản và quan trọng nhất, ngoài ra còn một số màng lọc bổ trợ khác (không quan trọng nên bỏ qua).

Màng lọc thô

Màng lọc thô là màng lọc đầu tiên để loại bỏ các loại bụi thô (đương nhiên đủ nhỏ để bay lơ lưng trong không khí) như bụi, sợi tơ, lông chó mèo, bụi vải... Loại bụi này có thể nhìn được bằng mắt thường. Riêng dòng Dakin và Sharp có màng lọc thô riêng. Chúng ta chỉ cần tháo ra và xịt nước cho bay hết rồi phơi cho khô. Màng lọc thô sử dụng vĩnh viễn theo máy cho đến khi hỏng. Với dòng Panasonic thì màng lọc thô được ghép với hepa nên KHÔNG được xịt mà sử dụng máy hút bụi (xem phần tiếp theo). Nên vệ sinh 1 lần/ 1 tháng tùy theo mức độ bụi.

Để bảo vệ màng hepa bên trong bền hơn, người dùng có thể sử dụng tấm lọc không khí chuyên cho điều hòa với giá rất rẻ lắp đằng sau, tức là trước màng hepa.

Hình 3.png

Màng lọc hepa

Đây là màng lọc tiếp theo để loại bỏ bụi mịn mà mắt thường không nhìn thấy (đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm). Loại bụi này ảnh hưởng rất lớn đến phổi vì nó rất nhẹ nên phổ biến trong không khí, đặc biệt vào mùa hè và trời hanh khô. Do nguy hiểm nên các MLKK đời mới hay có đèn cảnh báo riêng loại bụi này. Theo thời gian và mức độ bụi mà màng hepa trắng sẽ ngả màu đen và bít kín khe hở. Khi đó chúng ta PHẢI thay mới (thường 1 - 2 năm thay). Với màng hepa thì chỉ sử dụng hút bụi, không được dùng nước xịt. Nên phơi nắng vì màng dễ bị mốc khi độ ẩm cao, đặc biệt khi trời nồm.

Hình 4.png

Hình 5.png

Màng than hoạt tính

Chủ yếu khử mùi, khói và chất độc. Thông thường chúng là lớp cuối trong hệ thống lọc, tuy nhiên với Sharp thì họ thiết kế đứng trước màng hepa (có thể đưa vào trong cùng). Chỉ sử dụng máy hút bụi hay máy xịt khí để vệ sinh chứ không được dùng nước. Thông thường cũng 1 - 2 năm cần thay mới. Cũng như màng hepa, nên phơi nắng vì màng dễ bị mốc khi độ ẩm cao, đặc biệt khi trời nồm.

Hình 6.png

Màng bù ẩm

Màng bù ẩm thường nằm trong môi trường ẩm ướt, được sử dụng khi trời hanh khô hoặc khi bật điều hòa. Chất lượng màng bù ẩm giảm gần theo thời gian, phụ thuộc vào nguồn nước đổ vào. Nhiều người cho đổ tinh dầu, hóa chất để tăng cường sức khỏe. Từ đó màng bù ẩm càng nhanh xuống cấp, thành của khay cùng hệ thống hay bám cặn...
Vệ sinh màng bù ẩm, bình nước theo cách cọ rửa bằng xà phòng thông thường và phơi khô.
Hình 7.png


CHỌN VÀ SỬ DỤNG MÁY LỌC KHÔNG KHÍ (theo kinh nghiệm cá nhân)

Hiện nay có nhiều loại MLKK, và ở đây chỉ đề cập tới một số dòng nội địa Nhật Bản từ khoảng 2010 về đây. Lý do tôi chọn hàng nội địa Nhật là chất lượng linh kiện, hoàn thiện tốt, nhiều tính năng (phóng điện diệt vi khuẩn, tạo ion âm, đặc biệt là bù ẩm)... hơn hẳn hàng mới bây giờ (hoặc hàng mới tương đương thì rất đắt). Các máy nội địa đều sử dụng công nghệ Inverter nên rất tiết kiệm điện, động cơ không chổi than và có bù ẩm thông minh. Đó là những loại dễ có linh kiện thay thế với giá hợp lý như motor, màng hepa, màng than, cảm biến ẩm, bụi... Màng lọc hiện nay do tàu sản xuất và đều được các shop so sánh, kiểm tra với màng xịn thì kết quả thu được không mấy chênh lệch (dùng máy đo đầu ra).
Nhiều người mua hàng mới tuy có thể ban đầu rẻ, sau chi phí thay màng lọc và bảo trì... rất đắt :)
Chúng ta nên nhớ màng lọc chỉ ngăn chặn bụi, virus, vi khuẩn... không lọt qua chứ không thể tiêu diệt chúng, và chúng vẫn tồn tại trên bề mặt màng lọc và luôn tìm cách chui vào bên trong qua khe hở (chả tránh được đâu). Để "tiêu diệt" chúng thì công nghệ khác, phóng điện chẳng hạn (các máy nội địa đều có công nghệ này) nhưng hiệu quả ở mức độ nào đó.
Nhiều MLKK đời mới quảng cáo trên giời mà chả có công nghệ gì, chỉ có motor thổi qua mấy màng lọc mà bán đắt hơn cái điều hòa phổ thông (khoảng 8-10 triệu) thì là điều phi lý, hãy là người dùng thông thái!

Nên chọn máy có công suất khỏe hơn diện tích phòng, càng khỏe càng tốt, tối thiểu 20%. Ví dụ anh vác tối đa 50kG, như vậy nếu chỉ vác đều đều 30 – 40kG thì khỏe re, còn cứ liên tục 50kG thì không thể khỏe mãi! Ngoài ra vì tính tiện dụng mà có người muốn dùng 1 máy to để lọc 1 phòng lớn (> 50m2 chẳng hạn), đều đó nên tránh vì hiệu quả sẽ thấp thay vì 2 máy nhỏ hơn, chi phí không tốn hơn mấy nhưng hiệu quả rõ rệt. Cơ chế vận động của không khí không khác gì với nước, càng nhiều nguồn hút (thoát) thì hiệu quả càng tốt. Chỉ nên dùng 1 máy to khi chúng ta kiểm soát được nguồn vào ô nhiễm (chỗ không khí di chuyển nhiều nhất) hoặc kê giữa nhà (việc này ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ). Đây là link về việc kê MLKK thế nào cho hiệu qủa (tôi sẽ gửi bản dịch sau).

https://learnmetrics.com/where-to-place-air-purifier/

Sau đó mới chọn thương hiệu nào?

1. Trước hết là Sharp, nói chung ưu điểm là ngon bổ rẻ, chạy lành, chất lượng linh kiện ở mức ổn định. Tuy nhiên nhựa dễ bị ố vàng theo thời gian, dễ gãy lẫy. Thêm nữa là mặt hút đằng sau nên cần kê cách xa tường ít nhất 0.3 – 0.5m mới hiệu quả, kê càng sát tường thì hiệu quả giảm đi (mỗi ông Sharp cứng nhắc chỉ hút gió từ mặt sau - kể cả hàng cao cấp đời mới, thế mới lạ)! Cũng may dòng này thường có bánh xe nên chúng ta có thể di chuyển dễ dàng. Tôi đang sử dụng mấy MLKK Sharp trong phòng ngủ, ban đêm dùng thì kéo ra ngoài, ban ngày (thường không dùng) thì ủn vào. Quá đơn giản phải không! Sharp có nhiều dòng như A, B, Z, số... với công suất phổ biến từ 27 đến 84w, phát ion 7000. Dòng số có chế độ bù ẩm thông minh (theo thiết lập) mà các dòng cao cấp cũng không có như KC-500Y, KC-450Y... Dòng đầu B50, B70... còn có nắp che bụi chạy bằng motor (hay gọi là Sharp ngáp). Tuy bình dân nhưng Sharp vẫn có 1 số dòng trung cao cấp nhiều tính năng như tháp (mã KC), cánh buồm, đầu búa (mã KI)... với ion 25000, nút bấm cảm ứng, cảm biến ánh sáng...

2. Tiếp theo là Daikin, tuy người Việt Nam ít biết về thương hiệu này nhưng ở Nhật thì nổi tiếng về tính bền bỉ, chạy khỏe... Nhìn chất lượng nhựa và mạch nó dày dặn, cứng cáp. Tuy nhiên hình thức hơi thô, không bắt mắt! Ưu điểm là hút không khí từ mặt trước nên chúng ta có thể kê sát tường 1 chút. Hiện tôi đang sử dụng Daikin vầng trăng - loại tương đối cao cấp (hơn nữa là loại hộp đời mới). Tuy vậy tấm che bụi ở trên vẫn phải chỉnh bằng ... cơm! Phổ biến có Daikin tròn, vuông (chú ý nhiều con hình thức y hệt nhưng công suất khác nhau), đồng hồ tròn, vuông, vầng trăng nhỏ to (hay còn gọi mặt nguyệt)... Ai muốn máy lọc hoạt động liên tục trong môi trường ô nhiễm thì nên nghiên cứu.

3. Và cuối cùng không thể không kể đến thương hiệu Panasonic. Đây là thương hiệu nổi tiếng trong đồ gia dụng của Nhật Bản. Có thể nói MLKK Panasonic rất bắt mắt từ thiết kế, vận hành. Linh kiện gia công chuẩn xác, nuột nà. Đặc điểm chung là nhựa tuy không quá dày nhưng rất dẻo và trắng, lại mềm mại. Rất dễ vệ sinh. Do đánh vào thị trường gia đình nên chúng có nhiều tính năng khá nổi trội, hỗ trợ người dùng, màng lọc đều to, dày hơn hẳn so với thương hiệu khác. Anh em trong nghề hạy gọi là VIP cũng từ những lý do đó. Ngoài ra 1 số loại còn được trang bị motor mặt dâng, vẫy ( giống cửa ngáp của Sharp) để mở ra khi vận hành, đóng vào khi tắt. Điều đó làm bên trong MLKK luôn sạch khi bụi không chui chỗ guồng xoay nếu không sử dụng. Tuy nhiên khi sử dụng cần chú ý, KHÔNG được dùng tay điều chỉnh, vì sẽ dễ gây hư hỏng motor. Muốn rút điện thì cần đợi các mặt đóng hết và motor không còn kêu nữa. Nhà nào có cháu nhỏ nên căn dặn.
Khi mất điện thì cũng không dùng tay điều chỉnh cánh vẫy hay mặt dâng, dễ làm hỏng motor. Sử dụng đúng cách sẽ đảm bảo máy hoạt động bền bỉ lâu dài. Motor để thay quá sẵn với chất lượng tốt (toàn Nidec) và nhân cảm biến ẩm cũng rất sẵn. Các shop đều không bảo hành motor này, do vậy người dùng cần sử dụng đúng cách nếu không muốn mất tiền :)

Tùy vào thương hiệu và nhu cầu người dùng mà có thể chuyển nguồn từ 100v sang 220v hay không? Đổi nguồn chủ yếu sử dụng loại nguồn xuyến có chất lượng tốt (chỉ có tư nhân gia công). Tôi đã test chạy 4 giờ mà sờ chỉ âm ấm... Thông thường chỉ chuyển nguồn cho Daikin, Sharp vì không gian mở, ít nguy cơ cháy nổ. Còn với Panasonic khuyến cáo để nguyên bản, vì không gian kín. Việc chọn đổi nguồn và đấu nối phụ thuộc vào trình độ và lương tâm shop... Vì thời gian sử dụng MLKK thường rất dài, có người dùng 24/24 nên vấn đề an toàn về cháy nổ cần được chú ý!

4. Mua thế nào??

Có lẽ đây là vấn đề nhiều người quan tâm, vì khó có thể thỏa mãn đồng thời ngon - bổ - rẻ! Nhưng đã mua đồ cũ thì việc quan trọng nhất là ruột gan phải được làm sạch (vệ sinh, phơi nắng...). Nhiều shop vì lợi nhuận chỉ tháo dọn ào ào, sơn bên ngoài để che khiếm khuyết... Mua về dùng khéo mang thêm bệnh vì nguồn bẩn trong máy thổi ra. Do vậy người thợ dọn cẩn thận, có lương tâm thì sản phẩm sẽ đảm bảo hơn, dù sẽ bán đắt hơn.

5. Kinh nghiệm sử dụng

Với Sharp, nên để chế độ “Tiêu chuẩn”, “Phấn hoa” vì mạnh hơn “Tự động” dẫn đến lọc không khí hiệu qủa hơn (máy càng kêu to thì lọc càng tốt). Rõ ràng cảm biến đã màu xanh, nhưng người dùng có thể thấy 1 lớp bụi mỏng trên mặt bàn ngay hôm sau, nghĩa là chế độ tự động đã không hiệu quả (ở chung cư rõ nhất).
Chế độ “Tự động” hay “Yên lặng”, "Ngủ" chỉ nên áp dụng khi ngủ để tránh ồn. Tôi đã so sánh thấy hiệu quả lọc rõ rệt với máy Daikin, Sharp với lượng bụi bám vào màng thô.

Hình 8 - 9.pngHình 10-11.png
Một số dòng còn có chế độ hẹn giờ bật, tắt, cảm biến ánh sáng, khóa trẻ em... để tăng tính hiệu quả khi sử dụng.
Người dùng không được đổ nước, hay thò tay, que vào máy... vì rất nguy hiểm!
Chi tiết các chức năng người dùng có thể tìm trong Google hoặc sử dụng phần mêm dịch ảnh rất tiện lợi.
 
Lần chỉnh sửa cuối:
BẢY QUY TẮC VÀNG VỀ VỊ TRÍ ĐẶT MÁY LỌC KHÔNG KHÍ

Nguồn: https://learnmetrics.com/where-to-place-air-purifier/

Người dùng có thể tăng hiệu suất của máy lọc không khí (MLKK) lên đến 20% nếu đặt đúng vị trí. Nếu đặt ở một góc hoặc phía sau tivi, người dùng có thể làm mất hơn 50% công suất của nó.

Một số hãng cố gắng giúp người dùng đặt vị trí MLKK một cách linh hoạt hơn, nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó.

Đâu là nơi tốt nhất để đặt MLKK? Để trả lời điều đó, chúng ta cần tập trung vào vị trí sau:

- Nồng độ các chất ô nhiễm (bụi, khói, bào tử nấm mốc).
- Luồng gió trong nhà (không đặt trong góc; MLKK nên đặt trên hành lang nơi có sự trao đổi không khí cao nhất trong căn hộ/nhà).

Dựa trên điều này và nhiều yếu tố khác, người dùng nên xem xét 7 nguyên tắc vàng khi tìm vị trí đặt MLKK.

1. Đặt gần nguồn ô nhiễm không khí (khói, mùi, nguồn nấm mốc)

Nên đặt MLKK ở nơi có nồng độ chất ô nhiễm cao nhất. Một chuyên gia chất lượng không khí thường sử dụng một máy theo dõi chất lượng không khí để đo lường nơi có nhiều chất ô nhiễm. Nguồn ô nhiễm trong nhà thường từ nhà bếp, phòng vệ sinh... Còn bên ngoài là từ các cửa ra vào, cửa sổ.

2. Đặt MLKK cách xa mặt đất

Lưu thông không khí trong nhà có hai hướng theo chiều ngang (cửa đến cửa...) và phương thẳng đứng (từ sàn đến trần). Không khí nóng hơn sẽ di chuyển lên trần nhà. Đặt MLKK cách mặt đất từ 0.9 - 1.5m là hoàn hảo để có thể kiểm soát cả 2 phương. Nhiều máy MLKK loại nhỏ có thể dễ dàng đặt trên bàn làm việc.

Vị trí tốt nhất có thể cho MLKK là gắn trên tường, ở những nơi có lưu lượng gió lớn nhất (loại này chưa phổ biến tại VN). Trong văn phòng, người dùng có thể đặt nó trên bàn văn phòng. Trong phòng ngủ, người dùng có thể đặt MLKK trên bệ cửa sổ hoặc thậm chí trên tủ đầu giường.

3. Đặt ở những nơi có luồng không khí cao nhất (cửa ra vào, gần cửa sổ)

MLKK có thể hút không khí vào rất hiệu quả. Tuy nhiên, tạo càng nhiều không khí vào có thể giúp MLKK làm sạch không khí nhanh hơn.

Đặt MLKK gần cửa sổ, gần cửa ra vào và đặc biệt là những bức tường nơi không khí di chuyển rất có ý nghĩa.

Không khí chuyển động chứa nhiều chất ô nhiễm kích thước lớn hơn. Điều này là do không khí chuyển động có đủ năng lượng để đẩy bụi, bào tử nấm mốc và các chất ô nhiễm khác.

Việc thu giữ các chất ô nhiễm gần các điểm xâm nhập (như cửa trước hoặc cửa sổ đang mở) cũng đưa ra tuyến phòng thủ đầu tiên một lần nữa các chất ô nhiễm không khí ngoài trời có thể phân tán khắp nhà của chúng ta.

4. Không đặt MLKK ở một góc (luồng không khí trong nhà thấp)

Đặt MLKK vào góc tường là điều không nên, vì cản trở khả năng lọc không khí hiệu quả. Rõ ràng, chất lượng không khí ở góc đó có thể rất tốt nhưng ở các vị trí khác sẽ không được như vậy.

Dưới đây là 3 lý do rõ ràng khiến một góc trở thành lựa chọn tồi tệ nhất để đặt MLKK tại:

- Lưu lượng gió trong nhà thấp.
- Trên sàn.
- Bị chặn theo hai hướng.

5. Không đặt chướng ngại vật trước thiết bị lọc không khí (Tối ưu hóa luồng không khí)

Cách tốt nhất là luồng không khí đi qua MLKK không bị cản trở. Sau TV là không gian trống đầy hấp dẫn, nơi người dùng có thể đặt MLKK phải có ít nhất 0.9m (3 feet) khoảng trống ở tất cả các hướng để hoạt động hiệu quả.

Theo nguyên tắc chung, hãy cố gắng cung cấp cho MLKK không gian. Người dùng cung cấp cho nó càng nhiều không gian, nó càng dễ dàng và nhanh chóng thực hiện đúng công việc của mình.

6. Tránh những nơi có độ ẩm cao (phòng tắm, khu vực nấu ăn)

Độ ẩm cao có nghĩa là không khí nặng hơn. MLKK cần nhiều năng lượng hơn để tạo ra luồng không khí. Không khí ẩm sẽ làm giảm công suất của các bộ lọc (đặc biệt là HEPA).

Rõ ràng, những nơi có độ ẩm cao cũng được biết đến là nơi sinh sôi nảy nở của nấm mốc. Sự xâm nhập của nấm mốc thường sẽ phát triển trong phòng tắm.

Trong trường hợp như vậy, máy hút ẩm là một ý tưởng tốt hơn. Người dùng cũng có thể kết hợp nó với việc sử dụng MLKK khi không thường xuyên sử dụng phòng tắm (ví dụ: vào ban đêm). Chỉ cần nhớ rằng độ ẩm tương đối nên dưới 50%.

Lưu ý: Nếu người dùng cần tăng độ ẩm (thường là trong mùa đông), người dùng có thể xem xét các loại máy tạo độ ẩm không khí tốt nhất cho không gian rộng tại đây.

7. Không đặt gần các thiết bị điện tử (Tivi, dàn âm thanh, lò vi sóng...)

Khi hỏi, "Tôi nên đặt MLKK ở đâu?", chúng tôi thường nghĩ đến việc tối ưu hóa luồng không khí qua MLKK.

Một điều cần cẩn thận - và điều đó không cản trở luồng không khí - là sự hiện diện của các thiết bị điện tử.

Những thứ như TV, âm thanh nổi hoặc lò vi sóng có thể gây hại cho chức năng của MLKK. Tốt nhất người dùng nên tránh đặt máy lọc gần các thiết bị điện tử, tốt nhất là 1.5m (5 feet).

Mẹo bổ sung: Để đạt hiệu quả tối đa, hãy di chuyển MLKK xung quanh.
Chúng thường nặng dưới 20 pound và có thể dễ dàng di chuyển xung quanh. Khi xem xét một vị trí hoàn hảo để đặt MLKK, chúng tôi muốn tối đa hóa không khí trong nhà có sẵn cho chúng. Như chúng tôi đã viết trong bài về số lượng MLKK người dùng cần ở đây, người dùng không nhất thiết phải cần một chiếc cho mỗi phòng.

Chẳng hạn, bằng cách di chuyển MLKK từ phòng ngủ sang phòng khách và phòng dành cho em bé, chúng tôi đang tăng cường khả năng tiếp cận không khí ô nhiễm trong nhà một cách hiệu quả. Điều này có thể có tác động đáng kể đến hiệu quả sử dụng của MLKK.

Chỉ cần di chuyển nó xung quanh, người dùng có thể tạo ra sự khác biệt lớn hơn về hiệu quả của MLKK so với việc đặt nó hoàn toàn trong một căn phòng.

Tôi đã trải nghiệm đặt MLKK ở nguồn bụi, hiệu quả rất cao. Tuy nhiên vị trí kê này hơi chướng mắt.
20211016_163816_HDR~2.jpg

Và giờ đặt ở vị trí không khí di chuyển nhiều, nhìn tạm ổn, chấp nhận hài hòa thôi.
20220214_130802_HDR~2.jpg
 
Lần chỉnh sửa cuối:
VỆ SINH MÁY LỌC KHÔNG KHÍ

Trước khi thực hiện cần RÚT nguồn điện, chú ý phân biệt điện 100v (nguyên bản nội địa Nhật) và 220v (điện Việt Nam) để tránh cắm nhầm, gây hư hỏng. Ngoài ra không được rút điện khi máy đang chạy, nếu tháo nguồn thì trước hết phải tắt máy, đợi motor hạ hết và không còn tiếng kêu nữa mới thực hiện.

Không chỉ vệ sinh các màng lọc ở trên, người dùng cần chú ý thêm:

- Dùng khăn mềm thấm nước sạch rồi vắt khô. Sau đó lau xung quanh máy, cửa hút gió, cửa ra gió và chỗ gắn khay nước bù ẩm...

- Với Daikin ngoài các màng lọc thì cần vệ sinh các thanh Streamer và hốc chứa nó. Chú ý khi lắp màng than của Daikin trứng vuông, đồng hồ là phải đẩy lẫy vào. Nếu không báo lỗi. Ngoài ra nếu mặt trước không đóng chặt (có chốt) sẽ không hoạt động, nhằm đảm bảo an toàn người dùng...

- Với Panasonic do không có màng thô tách riêng nên màng hepa rất dày, khả năng lọc bụi tốt. Chúng ta không được xịt nước vào. Chỉ hút bụi và phơi khô nếu nắng theo lịch bảo dưỡng.

- Máy Sharp, Daikin có đèn báo vệ sinh màng theo thời gian. Nếu đã vệ sinh mà bị cảnh báo màu vàng chỉ cần bấm giữ vài giây nút cảnh báo.

- Dòng Daikin còn có các thanh Streamer thì cần tháo ra, lau bụi trong các khe, cần thiết thì xịt nước và phơi khô.

Bằng cách dùng giẻ mềm sạch thấm nước và vắt khô, sau đó lau chùi xung quanh máy, khu vực hút vì bụi tập trung nhiều, khu vực hốc sau khi đã tháo toàn bộ hệ thống màng lọc và bù ẩm. Chi tiết hơn người dùng có thể tìm trên youtube cho từng dòng máy.

Hốc bù ẩm rất bẩn.jpg

Hệ thống cảm biến

Sau một thời gian hệ thống cảm biến sẽ dần kém chính xác do bám bụi, oxi hóa..., thậm chí có thể hư hỏng. Dĩ nhiên vì là đồ điện tử mà, không thể tránh khỏi. Nếu sai độ ẩm sẽ dẫn đến chức năng bù ẩm không chính xác. Tuy nhiên 1 số cảm biến cho giá trị độ ẩm thấp hơn thực tế, điển hình là Panasonic, có thể do thiết lập từ nhà sản xuất chứ không phải lỗi. Với Sharp mà thường xuyên báo 98%, 99% hay Daikin ổn định 90% thì thường là hỏng, cần thay thế.
Còn cảm biến bụi rất hiếm khi hỏng, chỉ hoạt động không chính xác khi bụi chui vào trong, bám bẩn vào khu vực đo nên gây sai lệch (ví dụ mũi dính mắm tôm thì đi đâu cũng ngửi thấy mùi). Biện pháp khi đó là sử dụng máy hút bụi (nén khí) thực hiện tại vị trí có mấy lỗ nho nhỏ ở bên hông hoặc mặt sau máy. Ngoài ra còn 1 số vị trí muốn vệ sinh phải tháo mặt trước (Daikin, Panasonic).
Ví dụ cảm biến bụi của Panasonic hay đặt ở khoảng giữa bên phải, vị trí có nắp che...

20220308_222351.jpg

20220308_221310.jpg
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Liên quan đến hút gió như lọc không khí, điều hòa, hút ẩm cũ... thì hình thức, giá cả chỉ là 1 phần.
Khâu vệ sinh đóng vai trò quan trọng nhất, rồi đến chế độ bảo hành! Một số shop hoặc cá nhân bán xong là xong, lờ mọi trách nhiệm dù ban đầu hót rất hay... :mad::mad::mad:
Nhiều máy bên trong bụi bẩm kinh khủng, nếu không vệ sinh hoặc dọn sơ qua thì thêm bệnh vào người.
Đây là hình ảnh 1 số máy hút ẩm tôi tháo ra.

20220215_095425.jpg20220215_095430_HDR.jpg20220215_095422_HDR.jpg20220318_180116.jpg
 
Lần chỉnh sửa cuối:
Khoe ít hàng VIP của Panasonic, Daikin và Sharp :)

20220918_162709.jpg
 
Cảm ơn bài viết rất hữu ích Anh Hướng chia sẻ,
Anh cho em hỏi chỗ mua link kiện thay thế - màng lọc,... ở hà nội chỗ nào bán uy tín không ạ.
Em cũng muốn mua mấy cái máy của nhật mà sợ nhầm nguồn, ngôn ngữ,vi khuẩn,... như Anh viết, Anh bật mí 1 vài cơ sở uy tín để em tham khảo với.
 
Cảm ơn bài viết rất hữu ích Anh Hướng chia sẻ,
Anh cho em hỏi chỗ mua link kiện thay thế - màng lọc,... ở hà nội chỗ nào bán uy tín không ạ.
Em cũng muốn mua mấy cái máy của nhật mà sợ nhầm nguồn, ngôn ngữ,vi khuẩn,... như Anh viết, Anh bật mí 1 vài cơ sở uy tín để em tham khảo với.

Giờ toàn người quen đặt hàng nên tôi túc tắc mua về dọn, thường khoảng 2÷3 ngày xong 1 cái sau khi phơi đẫy nắng. Hiện vẫn còn vài con khoảng giá 2.x đến 3.x triệu (rất hợp lý hiện nay).
Nếu cần bạn có thể gọi số 0913.532 ba hai 2.

20220910_150700.jpg

Screenshot_20220831-080123~2.png
 
Thông tin thêm về cách vệ sinh máy lọc không khí.

 
Web KT
Back
Top Bottom