Triết lý “bình dân” trong thuật ngữ tin học tiếng Anh

Liên hệ QC

handung107

Thành viên gắn bó
Thành viên danh dự
Tham gia
30/5/06
Bài viết
1,630
Được thích
17,436
Nghề nghiệp
Bác sĩ
ĐINH ĐIỀN​

Một trong những nguyên nhân khiến cho tiếng Anh trở nên phổ biến, chiếm ưu thế trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) là triết lý sâu xa nằm bên dưới của những thuật ngữ tin học rất phổ biến hiện nay. Đó chính là triết lý “bình dân” trong thuật ngữ tin học (triết lý này cũng đã được kỹ sư Phạm Văn Bảy nói đến trong một buổi hội thảo về thuật ngữ tin học tại Hội Tin học TPHCM).

Triết lý “bình dân” ở đây có thể được hiểu một cách nôm na là các thuật ngữ sẽ được hình thành từ những khái niệm, sự vật thông thường, bình dân, dễ hiểu, gần gũi với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Đứng trên quan điểm ngôn ngữ học, triết lý “bình dân” này sẽ được hiểu là các thuật ngữ được xây dựng bởi các thực từ (danh từ, động từ, tính từ) thuộc lớp từ cơ bản. Trong ngôn ngữ học, lớp từ cơ bản bao gồm những từ có tần suất xuất hiện cao nhất trong thực tế cuộc sống, như những từ chỉ về: quan hệ thân thuộc trong gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè,...), những sự vật quen thuộc (các động vật thường gặp, các đồ vật thiết yếu trong đời sống xã hội,...),...

Thử điểm qua một vài thuật ngữ quen thuộc trong CNTT, chúng ta sẽ thấy toát lên triết lý sâu xa này, cũng như thấy được hiệu quả thực tế của triết lý đó:

1. Dùng các khái niệm đơn giản để giải thích các khái niệm cao siêu.

Chẳng hạn, hai “thuật ngữ” đầu tiên mà mọi người gặp phải ngay ngày đầu tiên đến với CNTT là “hardware” và “software”. Ở đây, người ta đã dùng đến hai tính từ rất “bình dân” là “hard” (cứng) và “soft” (mềm) để chỉ hai khái niệm đầu tiên rất quan trọng. Thay vì phải giải thích một cách bài bản như “phần cứng là tập hợp các thiết bị điện tử được dùng để xây dựng nên máy tính...” thì giờ đây, khái niệm này lại được diễn tả một cách nôm na là “phần cứng là những gì mà ta sờ thấy nó cứng cứng!”. Một cách diễn tả tuy không bao hàm chính xác được hết mọi ý nghĩa khoa học của nó, nhưng với các giải thích “bình dân” ban đầu mà ai cũng hiểu được đã là một thành công đối với những người mới học. Trong khi đó, để chỉ hai khái niệm này, tiếng Pháp lại dùng đến hai từ “hàn lâm” là “matériel” (vật chất) và “logiciel” (luận lý) để chỉ “phần cứng” và “phần mềm” tương ứng. Một cách giải thích “cao siêu” và chắc chắn sẽ trở nên khó hiểu đối với đa số quần chúng. Tính từ “cứng” và “mềm” này còn được dùng trong thuật ngữ “dĩa cứng” (hard disk) và “dĩa mềm” (floppy disk).

2. Dùng các quan hệ thân thuộc trong gia đình, xã hội.

Thuật ngữ “motherboard” (bản mạch mẹ/chính); “parent directory” (thư mục cha); “child directory” (thư mục con);... đã sử dụng những từ chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình như “mother” (mẹ), “parent” (cha-mẹ), “child” (con). Đây là những từ rất cơ bản và có mặt trong kho từ vựng của mọi ngôn ngữ là những từ được mọi đứa trẻ sử dụng đầu tiên khi tập nói. Cũng không phải ngẫu nhiên khi người ta đã không gọi tấm mạch chính là “fatherboard” mà gọi là “motherboard”, vì ai cũng biết trong máy tính, tất cả các tấm mạch con được gắn trên các khe nằm trên tấm mạch mẹ và được nuôi dưỡng về nguồn điện (power) và cung cấp dữ liệu (data) từ tấm mạch mẹ. Trong khi đó, các thư mục con lại được hình thành và phát triển trên nền các thư mục cha nhưng độc lập với thư mục cha. Tương tự cho thuật ngữ “sibling” (anh chị em ruột) để chỉ các dĩa được sao y từ một dĩa gốc (mẹ). Thuật ngữ “friend” (bạn bè) để chỉ “hàm” trong lập trình hướng đối tượng (OOP), có khả năng sử dụng tài nguyên của một lớp (class) nhưng không phải là hàm thành viên của lớp đó.

3. Dùng các từ ngắn gọn để gọi tên các hiện tượng, sự việc cần phải mô tả dài dòng.

Ví dụ trong xử lý văn bản (word processing), chúng ta ai cũng hay gặp hai hiện tượng dưới đây và ai cũng muốn tránh chúng:

a. Hiện tượng còn dư một dòng văn bản của trang cũ và phải để lố sang dòng đầu của trang mới.

b. Hiện tượng dòng tiêu đề của một mục mới lại bắt đầu ở dòng cuối của trang cũ.

Để chỉ hai hiện tượng này trong tiếng Anh, họ dùng hai thuật ngữ rất ngắn gọn, bình dân và quen thuộc để thể hiện, đó là “orphan” (mồ côi) để chỉ hiện tượng a và “widow” (goá phụ) để chỉ hiện tượng b. Chỉ cần một từ “mồ côi” đơn giản để chỉ đến “sự bơ vơ một mình của đứa trẻ mồ côi khi cha mẹ, anh em ở bên kia” và khiến mọi người liên hệ ngay với hình ảnh trực quan “có dòng lẻ loi phải nằm ở trang mới trong khi tiêu đề và các dòng của mục đó lại nằm trang trước”. Tương tự cho thuật ngữ “widow” (goá phụ) khi mượn hình ảnh “một thân một mình ở bên này, còn toàn bộ chồng - con thì ở bên kia” để chỉ hiện tượng “một dòng tiêu đề ở cuối trang cũ, còn toàn bộ nội dung có liên quan thì lại nằm ở trang mới”.

4. Các thuật ngữ mang tính thực dụng, không câu nệ.

Trong kho thuật ngữ tin học tiếng Anh, chúng ta cũng bắt gặp các từ không lấy gì làm sạch sẽ, thanh lịch cho lắm nhưng miễn sao chúng mang tính “bình dân, dễ hiểu” là được. Ví dụ: Từ “mouse” (con chuột), “bug” (con bọ, rệp), “web” (mạng nhện),...

5. Dùng các từ chỉ sự vật quen thuộc.

Trong kho thuật ngữ tin học tiếng Anh, chúng ta còn có rất nhiều từ quen thuộc, như: “bullet” (dấu chấm đầu dòng có hình viên đạn),”cylinder” (tập các rãnh trong dĩa cứng tạo thành hình trụ), “directory” (thư mục có tổ chức giống như danh bạ điện thoại)”, “folder” (nơi chứa các tập tin như một cặp đựng hồ sơ), “menu” (danh sách các lựa chọn như chọn thức ăn trong bảng thực đơn), “spaghetti code” (mã rối rắm như... bún), “stack” (ngăn xếp, hầm chứa đồ), “virus” (chương trình máy tính có khả năng tự nhân bản để phá hoại như virus sinh học), “wallpaper” (giấy dán tường),...

Trên đây là một số nhận xét về tính “bình dân” trong thuật ngữ tin học bằng tiếng Anh. Đặc điểm này là một trong những nguyên nhân khiến cho các thuật ngữ tin học bằng tiếng Anh dễ dàng được chấp nhận và phổ biến ngày càng rộng rãi như trong thực tế hiện nay. Liệu đó có phải là điều khó cho chúng ta khi muốn Việt hóa các thuật ngữ tin học tiếng Anh?
 
Em có đọc các tài liệu tin học bằng tiếng Anh, nhiều câu của họ rất khó hiểu mặc dù đã dịch được từng từ, đành nội địa hoá vậy ....
 
Web KT
Back
Top Bottom