Tản mạn Lì Xì

Liên hệ QC

BNTT

Bùi Nguyễn Triệu Tường
Thành viên danh dự
Tham gia
3/7/07
Bài viết
4,946
Được thích
23,206
Nghề nghiệp
Dạy đàn piano
Nói đến tết người ta đều nhắc đến lì xì. Nhà nhà mua phong bao, đổi tiền mới. Ngày tết con nít có thêm tí tiền thêm niềm vui tết. Sau này, một thói quen dễ thương của những người trẻ là lì xì cho người già. Mỗi năm tết đến, gia đình, họ hàng quây quần chúc tết nhau, con cháu lì xì bố mẹ, ông bà. Ông bà lì xì lại cho cháu nội cháu ngoại… đúng là rôm rả ngày tết.

Tuy nhiên chuyện lì xì cũng là nỗi “ám ảnh” cho những ai lỡ sinh ra là... giáo viên hay công chức hành chánh với số tiền thưởng tết không đủ kho nồi thịt!

Chị L. ít khi dám đến nhà bạn bè có con nhỏ. Chẳng lẽ nhìn khuôn mặt trẻ thơ với ánh mắt háo hức lại không thể móc cái hầu bao vốn lép xẹp của mình? Vì thế tết chị chọn phương án “nằm nhà” là thượng sách. Lì xì cũng là mối ngại ngần của những người có con nhỏ. Ngày tết muốn có những giờ phút vui vẻ cùng bạn bè sau một năm miệt mài không gặp mặt nhau. Nhưng dẫn con đến nhà bạn lại mang mặc cảm “kiếm tiền lì xì”. Chẳng lẽ đi chơi lại gởi con nhà ông bà nội ngoại? Vì thế với bạn N. và K., ở nhà vợ chồng con cái vui vẻ với nhau cũng là “thượng sách”.

Thói quen lì xì người già cũng là nỗi “cám cảnh” cho những giáo viên công chức muốn đến thăm bạn bè độc thân nhưng lại sống cùng bố mẹ già. Với người già lại không thể lì xì vài ngàn mua kẹo. Thế là ở nhà nằm đọc truyện, nhắn tin chúc nhau cũng “thượng sách” luôn.

Lì xì là niềm vui “trên cả tuyệt vời” với trẻ em có bố mẹ có chức có quyền, túi tiền luôn căng phồng những tờ giấy bạc màu xanh, màu đỏ bốn năm con số không… Lì xì là nỗi buồn của những đứa trẻ con nhà lao động nghèo, với bộ đồ cũ và chiếc túi trống không, thèm thuồng nhìn không khí tết đi qua cửa sổ.

Lì xì cũng là “rào cản” cho mối quan hệ láng giềng. Nhà ông hàng xóm đông con quá, muốn sang thăm cũng ngại hầu bao phải mở. Người hàng xóm đông con muốn mời bạn láng giềng vào nhà uống chút rượu xuân cũng ngại, chẳng lẽ ghi cái bảng con trước cửa “Miễn tiền lì xì cho đám nhóc”?

Lì xì tạo sự thực dụng cho trẻ con. Có những đứa bé chỉ thích bạn của bố mẹ có phong bao lì xì dày. Còn những chú bác, cô dì… với câu nói “lì xì lấy hên”, kèm theo phong bao mỏng dính, chắc chắn năm sau đừng hòng được chúc tết. Chị bạn anh Đ. của tôi một lần ngỡ ngàng muốn khóc khi đến nhà người bạn thời trung học, cậu con trai mở bao lì xì của cô ra kèm theo tiếng “xì “ rõ lớn và một câu buông thõng “…có hai ngàn”. Còn tôi một lần muốn độn thổ khi con bé bốn tuổi của người bạn thân nhứt định không chịu mừng tuổi tôi chỉ với lý do bé vùng vằng ngây thơ: “Cô lì xì ít xịt!”

Vì vậy, ở một “góc khuất” nào đó của ngày xuân, lì xì là một nỗi buồn, là những nụ cười méo xẹo nhưng nếu bỏ tập tục lì xì, bức tranh xuân thiếu đi nét chấm phá cho ngày đầu năm mới…

Nguyễn Ngọc Hà
(Nguồn: Báo Sài gòn Tiếp Thị số 9, ngày 21/1/2009)
 
Chuyện kể về cái bao li xì ngày Tết

(CATP) Có hai chuyện nhỏ trong mấy ngày Tết mà làm Năm tui phải suy nghĩ, xin kể ra đây hầu quý độc giả nhân dịp đầu năm.

Trưa mùng 2 Tết, Năm tui tới thăm nhà một anh bạn thân. Vợ chồng anh có hai đứa con nhỏ nên trước khi đến Năm tui đã thủ sẵn hai bao lì xì. Sau một lúc ăn mứt, uống trà Năm tui hỏi: “Mấy đứa con anh đâu rồi?”. Anh bạn nói ngay: “Anh tính lì xì cho tụi nhỏ hả?”. Năm tui gật đầu thì anh cười cười: “Anh tính lì xì cho mỗi đứa bao nhiêu?”. Năm tui nói thật: “Một trăm ngàn”. Bất chợt anh lắc đầu: “Í, nhiều quá!”. Rồi anh nói đùa: “Anh đừng có làm... hư con tui nghen. Chỉ cần lì xì cho tụi nó vài chục ngàn là vui rồi. Con nít có tiền nhiều không tốt đâu”. Không chỉ nói, anh còn bắt buộc Năm tui lấy hai bao lì xì ra lấy tờ một trăm ngàn cất đi thay vào đó mỗi bao chỉ hai mươi ngàn đồng thôi. Anh nói: “Lì xì là một tập tục mang tính văn hóa. Mình cần đề cao ý nghĩa tinh thần chứ đừng vì sĩ diện mà tặng nhiều tiền cho trẻ nhỏ. Không nên để trẻ con sử dụng nhiều tiền sớm, ý thức của nó còn non nớt nếu có nhiều tiền dễ sinh đua đòi. Người ta bảo cây non dễ uốn thì mình nên uốn con cái khi nó còn nhỏ, đặc biệt là việc tập cho con biết sử dụng đồng tiền không hoang phí”...

Tối mùng 4 Tết, đang xem tivi Năm tui chợt nghe tiếng khóc tấm tức của một đứa con trai bên hàng xóm. Kế đó là tiếng mẹ nó căn vặn: “Tiền lì xì đâu hết rồi?”. Đứa nhỏ thút thít: “Con xài hết rồi”. Mẹ nó quát: “Trời ơi! Bảy tám trăm ngàn mày xài cái gì mà hết nhanh vậy?”. Chẳng biết có phải bị mẹ “nhéo” không mà đứa nhỏ khóc ré lên một chặp rồi mới trả lời: “Con... đánh bài bị thua”. Giọng mẹ nó lanh lảnh: “Trời ơi! Mới bi lớn mà tập tành cờ bạc rồi. Tui kêu nó đưa tiền cho tui giữ mà nó không chịu, nó nói tiền lì xì là của nó để nó giữ, ai ngờ nó đi đánh bài. Hư nè... Hư nè...”...

Năm tui nhớ lại lời anh bạn nói mà thấy thấm thía vô cùng. Vì tính sĩ diện, muốn tỏ ra hào phóng mấy ngày xuân, biết đâu người lớn chúng ta vô tình làm cho những đứa trẻ thơ nhiễm tính thích nhiều tiền, thích xài tiền và xài tiền vô tội vạ. Đã không ít lần Năm tui nhìn thấy những đứa bé vừa được lì xì vội vàng xé bao ra xem tiền, tiền nhiều thì mắt sáng rỡ, tiền ít thì trề môi thất vọng. Cha mẹ đứa trẻ chứng kiến cảnh đó cũng ngượng ngùng với khách.

Một đứa trẻ thích được lì xì nhiều tiền vào dịp Tết dĩ nhiên sẽ “trọng” người nào tặng bao lì xì dày hơn người tặng bao lì xì mỏng. Có thể sau này lớn lên cái tính thích được lì xì của nó sẽ phát triển theo ngành nghề và bất cứ ngày nào trong năm thì sao? Nói điều này quý độc giả có nghĩ rằng Năm tui “viễn tưởng” quá chăng?​
NĂM TU HUÝT​
(Sưu tầm)​
 
Web KT
Back
Top Bottom