Măng đắng - Món ngon từ cõi nhớ
Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu...
(Gửi Lai Châu)
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có một tứ thơ thật đẹp về cảnh và người nơi địa đầu vùng Tây Bắc. Tứ thơ ấy chắc hẳn được khởi nguồn từ những câu chuyện kể và truyền thuyết vô cùng phong phú nơi đây. Không chỉ có truyền thuyết, cảnh và người của mảnh đất này đã thực sự quấn hồn biết bao du khách. Nền tảng văn hoá lâu đời cùng những chiến tích oai hùng của mảnh đất Điện Biên sẽ mãi mãi là nơi hội tụ của thập khách phương xa.
Dù là mùa đông, dù là mùa hạ... đất trời Điện Biên vẫn khoác trên mình một sắc màu tươi mới, ngập trong không khí chan hoà đó, mỗi người có một thú vui riêng. Song có lẽ, du khách và cả người dân bản địa nữa đều thích thú với văn hoá ẩm thực nơi này.
Dư vị của từng món ăn khi thưởng thức, cứ khắc khoải trong ḷòng cùng những giai thoại sống mãi với thời gian. Rồi mỗi lần nhớ đến Điện Biên là lại nhớ đến một vùng đất đầy huyền thoại.
“Người già trong bản vẫn kể cho con cháu nghe một câu chuyện được lưu truyền từ thủa xa xưa: Ở một bản Thái nọ có một chàng trai khoẻ mạnh và rất tài giỏi. Nhà nghèo khó, cha mẹ chàng đặt tên chàng là Khôm (tức là đắng). Lên nương, chàng giỏi phát cây, trồng lúa. Lên núi, chàng là thợ săn tài ba. Ngày hội vui không ai sánh nổi chàng trong tiếng khèn, điệu pí. Cùng bản có nhà Tạo giàu sang, có cô con gái đẹp được đặt tên là Bióoc (hoa). Khuôn mặt nàng như trăng rằm mùa thu, làn da trắng ngần. Mỗi khi nàng ngồi vào khung cửi, sợi bông thô như được thổi hồn. Tiếng hát của nàng trong vắt như suối reo trong nắng mùa xuân. Các chàng trai đều thầm yêu, trộm nhớ.
Gái đẹp, trai tài và chiếc khăn piêu của nàng Bióoc đă trao cho chàng Khôm tài giỏi. Cha nàng vô cùng tức giận và tìm mọi cách ngăn trở. Chàng Khôm cùng nàng Bióoc rủ nhau trốn vào rừng xa. Tạo bản căm phẫn cho quân đuổi theo. Đói mệt, kiệt sức, đôi trai tài, gái sắc nắm chặt tay nhau, nước mắt ròng chảy từ núi cao xuống vực sâu, chết trong tình yêu trắng trong son sắt. Từ nấm mồ chung của hai người mọc lên một cây họ tre (mạy pau), măng có vị đắng, mọi người thường gọi là “nó khôm”.
Nghe lại câu chuyện trên, cảm giác thân thuộc ùa khắp cõi lòng. Người Kinh có câu chuyện Trầu Cau cùng một mô típ ấy, nhưng sự hoá thân của mỗi nhân vật là riêng rẽ. Trong câu chuyện kể trên, sự hoá thân gắn liền với hoà nhập, hoà nhập cả về thể xác và tâm hồn của đôi uyên ương bạc mệnh. Vị đắng của “nó khôm” phải chăng là nỗi ḷòng tức tưởi của một tình yêu không trọn vẹn, dẫu rằng trong linh hồn của cả chàng Khôm và nàng Bióoc ấy, trọn đời, trọn kiếp họ vẫn thuộc về nhau.
Nâng trên tay khóm măng mà lòng người dường như cũng trở nên trĩu nặng, khóm măng ấy là kết tinh của tình yêu đôi lứa, là kết tinh của tì́nh đất, tình rừng. Vị đắng ấy hoà cùng dư ba của tình người thưởng thức đã tạo nên một hương vị mới. Ở đây, không những ta cảm nhận được bằng các giác quan mà ta c̣òn cảm nhận hương vị bằng cõi lòng thương cảm.
Mùa mưa - mùa măng mọc. Nhưng theo lời của những người dân nơi đây, măng đắng chỉ nên ăn vào thời điểm giữa hai đợt mưa, cách nhau càng xa càng tốt. Lúc này, măng trở nên đắng nhất. Và đó cũng là điều ưa thích của tất cả mọi người. Măng lấy về, bóc vỏ, luộc, xào, nướng hoặc đem muối chua chứ không qua giai đoạn khử chất đắng. Ở các nhà hàng hiện nay cũng có món măng đắng, nhưng nhiều người vẫn thích tự tay mua về để chế biến. Đĩa măng đắng nhiều khi choán hết 1/3 mâm cơm thường ngày. Cả gia đình tụ họp vui vầy, trên tay mỗi người một cây măng, từng bẹ, từng bẹ lá cuối cùng được bóc ra để lộ phần thịt vàng óng, nóng rẫy. Vừa ăn vừa xuýt xoa trong cái giá lạnh của những cơn mưa giăng đầy từng dãy núi.
Món măng đắng của người Thái ngon bởi một phần rất lớn thuộc về bát nước chấm (chẩm chéo). Bát chẩm chéo là hỗn hợp của muối, ớt, riềng giă nhỏ với hạt tiêu rừng (mắc khén), lá chua chát, lá tỏi (hom kíp), lá mỳ chính (bủa phát ản) cũng hái từ rừng. Khi ăn, vị đắng, chát mất dần thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ.
Bạn là người lần đầu tiên thưởng thức món măng đắng thì hãy chuẩn bị kỹ tinh thần. Nhưng nếu bạn đă nghe câu chuyện kể về chàng Khôm và nàng Bióoc thì không còn gì phải vướng bận. Vị đắng ấy sẽ ngọt dần trong đầu lưỡi khi bạn thực sự thương xót và cảm phục tình yêu của hai người khi họ minh chứng tình yêu của mình bằng cái chết nhằm xoá tan sự phân cấp giàu nghèo, của những hủ tục mà trong thời đại ấy ai cũng phải tuân theo.
Một lần về thăm Điện Biên, bạn hãy thử thưởng thức món măng đắng thấm đẫm hương vị của tình yêu. Vị đắng ấy chắc chắn sẽ theo bạn tới bất cứ nơi đâu, dĩ nhiên, nếu bạn là người thưởng thức nó bằng cả tâm hồn mình.
Sưu tầm