- Tham gia
- 12/12/06
- Bài viết
- 3,661
- Được thích
- 18,158

Luật số 64/2010/QH12 – Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. (Luật này cũng sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Đất đai)
Ngày 24 tháng 11 năm 2010, Quốc Hội cũng đã ban hành Nghị quyết 56/2010/QH12 về việc thi hành luật tố tụng hành chính 2010.
Luật Tố tụng Hành chính (Luật TTHC) qui định những điểm mới cơ bản, cụ thể:
1.- Về khái niệm “Quyết định hành chính”
Theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (Pháp lệnh TTGQCVAHC) số: 49L/CTN ngày 03/06/1996 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, thông qua ngày 21 tháng 5 năm 1996 thì Quyết định hành chính: là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. (Khoản 1, Điều 4) (Pháp lệnh TTGQCVAHC 1996 và được sửa đổi bổ sung năm 1998, 2006)
Để khắc phục tồn tại nêu trên, Luật TTHC đã quy định rất cụ thể thế nào là quyết định hành chính?
Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. (Khoản 1, Điều 3)
Liên hệ lại thông tư 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài Chính V/v Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ
Chương IX - KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHỞI KIỆN VỀ THUẾ
Điều 58. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, khởi kiện
1. Người nộp thuế, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính sau của cơ quan thuế:
a) Quyết định ấn định thuế; Thông báo nộp thuế;
b) Quyết định miễn thuế, giảm thuế;
c) Quyết định hoàn thuế;
d) Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật thuế;
e) Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
g) Kết luận thanh tra thuế;
h) Quyết định giải quyết khiếu nại;
i) Các quyết định hành chính khác theo quy định của pháp luật.
Các văn bản của cơ quan thuế được ban hành dưới hình thức công văn, thông báo... nhưng chứa đựng nội dung quyết định của cơ quan thuế áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý thuế cũng được coi là quyết định hành chính của cơ quan thuế.
2. Người nộp thuế, cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với các hành vi hành chính của cơ quan thuế, công chức quản lý thuế, người được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Hành vi hành chính được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động.
3. Cơ quan thuế, công chức quản lý thuế, người được giao nhiệm vụ trong công tác quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa, khắc phục để tránh phát sinh khiếu nại tố cáo.
2.- Về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà Án:
Tại Luật TTHC - Điều 28. Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
3.- Bỏ thủ tục “tiền tố tụng”
Một trong những nội dung cơ bản, quan trọng nhất trong Luật TTHC là bãi bỏ thủ tục tiền tố tụng – thủ tục bắt buộc đối với người khởi kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính theo Pháp lệnh trước đây.
Quy định tại Chương VIII - KHỞI KIỆN, THỤ LÝ VỤ ÁN của Luật TTHC
Điều 103. Quyền khởi kiện vụ án hành chính
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.
Theo đó, công dân không phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thời hiệu khởi kiện theo đó cũng thay đổi và không còn phức tạp như trong Pháp lệnh.
4.- Về thời hiệu khởi kiện
Được quy định trong Luật TTHC
Điều 104. Thời hiệu khởi kiện
1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
3. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
4. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính.
5. Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định tại Điều này.
Trước đây tại Điều 30 Pháp lệnh TTGQCVAHC – thì thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tuỳ theo từng trường hợp. Có thể nói quy định thời hiệu như Pháp lệnh TTGQCVAHC là quá ngắn, cá nhân, cơ quan, tổ chưc không có đủ thời gian để chuẩn bị chứng cứ, lựa chọn, nhờ tư vấn trước khi khởi kiện,... không phù hợp với tính chất đặc thù của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính.
5.- Mở rộng các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án
Khác với Pháp lệnh trong việc xác định những loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nay Luật Tố tụng hành chính không quy định theo hướng liệt kê 21 loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà quy định theo hướng loại trừ những vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án, số còn lại sẽ do Tòa án giải quyết. Theo đó, những loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm: các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
6.- Xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện
Trong trường hợp người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện, vừa có đơn khiếu nại, thì thẩm quyền giải quyết sẽ được xác định theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Điều này làm tăng thêm quyền tự do cho công dân và khác hoàn toàn với việc phân định thẩm quyền trong trường hợp tương tự được quy định trong Pháp lệnh. Cụ thể pháp lệnh quy định luôn thẩm quyền cho Tòa án nếu người khởi kiện vừa khởi kiện vừa khiếu nại, còn nếu nhiều người vừa khởi kiện vừa khiếu nại lần hai thì thẩm quyền thuộc người giải quyết khiếu nại lần 2 (Điều 13 Pháp lệnh).
Tại Luật TTHC
Điều 31. Xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện
1. Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện.
7.- Về sự tham gia TTHC của Viện Kiểm Sát nhân dân:
Điểm mới của Luật TTHC so với quy định hiện hành về phát biểu cuả KSV ;à tại phiên toà sơ thẩm, KSV tham gia phiên toà không bát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án, cụ thể là: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. (Điều 160 - Luật TTHC)
Quy định như vậyvừa đảm bảo VKS thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trongTTHC, hù hợp với từng giai đoạn tố tụng, vưà bảo vệ đước quyền và lợi ích phù hợp của đương sự.
8.- Về sự có mặt của đương sự, người đại diên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên toà
Điều 131. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
1. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Toà án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên toà.
2. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
a) Đối với người khởi kiện, người đại diện theo pháp luật mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người khởi kiện có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
b) Đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì Toà án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
d) Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Quy định trên đây của Luật TTHC là cần thiết nhằm đảm bảo sự có mặt tại Toà án, tại phiên toà của những người tham gia tố tụng nêu trên theogiấu triệu tập của Toà Án, thể hiện nghĩa vụ tôn trọng Toà Án của họ.
Tải Luật tố tụng hành chính năm 2010 và Nghị quyết 56/2010/QH12 về việc thi hành luật tố tụng hành chính 2010