Bất chiến bại nhân
Đánh hơi được cái đầm vài chục mẫu của Hai Lúa trong tương lai sẽ thuộc diện quy hoạch, ông bàn bạc với thuộc cấp tìm cách chiếm đoạt để kiếm tiền bồi thường khi thời cơ vàng đến.
Nhờ có quyền lực, thủ đoạn, sức mạnh hoả lực và đoàn tuy tùng tiền hô hậu ủng đông la liệt, nên mưu sâu của ông đã thành công.
Hai Lúa vốn tay không nên không thể bẻ nạng chống trời, sau cùng đành phải cay đắng ngậm ngùi bỏ xứ ra đi, nhường vùng đầm lầy đầy tôm cá cho những kẻ chiến thắng.
Đạt được ý đồ, ông và đám thuộc cấp vui mừng ra mặt, bèn tổ chức tiệc ăn mừng “chiến thắng vang dội”. Bữa tiệc cực kỳ hoành tráng, rất đông quan chức “đồng hội đồng thuyền” đến dự. Trước đó, học theo cách của các quan lại thời xưa và muốn chứng tỏ ta đây mãi là người hùng, ông tìm đến một vị nho sĩ có tiếng xin chữ để treo trong bữa đại tiệc.
Sau khi nắm ý khách hàng, vị nho sĩ thận trọng viết bốn chữ vàng “Bất Chiến Bại Nhân” trên giấy dó màu đỏ và đóng khung cẩn thận. Hôm đến nhận chữ, sau khi nghe lời giải thích ý nghĩa là “người không chiến bại”, ông hả hê quá thể vì trúng ý mình. Bèn sai thuộc cấp mang về treo nơi trang trọng nhất của sảnh tiệc. Khách đến, ông ưỡn ngục tự hào giới thiệu ý nghĩa của bốn chữ vàng ấy. Tất nhiên ai cũng khen nức nở rằng: “Sếp thật là văn võ song toàn”.
Tiệc vui đang diễn ra, thì có một tay thận cận chạy đến đưa mảnh giấy nhỏ. Xem xong, ông tái mặt ra lệnh cho gỡ ngay tấm bảng ấy ngay lập tức. Mọi người ngơ ngác hỏi vì sao? Ông nóng nảy trả lời:
- Mẹ kiếp, tay nhà nho ấy chơi mình, hắn vừa gởi đến mảnh giấy với lời giải thích hoàn toàn tiêu cực, “bất chiến bại nhân” nếu đọc lái thành “biến chất bận nhai”. Thế mà ta cứ ngỡ hắn tôn mình là vô địch.
Nguồn: TTC