Hoàng Oanh quán bên biển Cần Giờ
Quán bình dị như nhà 'thủy tạ' nằm chồm ra bờ biển Cần Giờ. Một bên quán là chợ Cần Giờ và bên kia là Lăng Ông Thủy Tướng cho nên mùa nào, ngày nào ngư dân nơi đây đánh bắt được thứ gì thì gần như quán có thứ hải sản đó.
Đặc biệt, con cá khoai tươi hiếm thấy ở các chợ nội thị thì dường như có quanh năm ở đây. Cá khoai tươi mềm như sương sáo, xương giòn tựa sợi bún tàu nhưng mảnh hơn nhiều, có thể nhai luôn như gân.
Lẩu là món đặc trưng ở đây, lẩu ngót cá khoai ngọt và thơm lạ; chủ yếu cá nấu với cà chua, rau ngổ, hành ngò. Cá ngát, cá dứa cũng thế, nấu chua cho hương vị chân chất của các loài cá biển này - không thêm mỡ, hành phi... mà chính độ béo từ con cá tự dấy lên hương thơm dung dị.
Bên cạnh nhiều loại cá biển còn các thứ ốc, sò, hào, cua, ghẹ... Muốn ăn hải sản 'nóng hổi' hơn, bạn có thể ra mua hàng tận nhà ghe mang về quán chế biến dùng tại chỗ; đoạn đường đi chỉ chừng 100 m trở lại. Không những thưởng thức đồ biển tươi xanh mà giá cả khá rẻ, một cái lẩu trung bình chỉ 30.000 đồng.
Cuối tuần, nếu có dịp đi Cần Giờ, tiện đường, bạn có thể ghé Hoàng Oanh quán để thưởng thức hải sản và nghe sóng biển rì rào.
Đi ăn quán miệt vườn
Những ngày cuối tuần, hẳn không ít người thèm cái thú được trở về quê để thưởng thức một nồi cháo cá, cháo gà dung dị, thưởng thức gió đồng, hương lúa, vườn cây. Để thưởng thức quán miệt vườn người ta đành phải chịu khó lặn lội ra ngoại thành.
Đi trên con đường Tân Thuận, qua khỏi trạm thu phí Bình Chánh khoảng 500 m, rẽ trái, rồi đi ngoằn ngoèo gần một cây số đường đất đỏ, người ta mới có thể đến được với dãy quán Vườn Táo (ấp 3, ấp 4 xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM). Có đến các quán vào ngày cuối tuần, người đi lần đầu hẳn sẽ ngạc nhiên không hiểu vì sao một khu vực hẻo lánh như vậy mà lại thu hút nhiều khách đến thế. Khách ngồi chật cả các chòi tranh, hết ăn uống lại treo mình lơ lửng nghỉ ngơi trên các chiếc võng được giăng xung quanh chòi để rồi... làm tiếp một chầu buổi chiều trước khi ra về. Những người đến muộn đành phải chấp nhận trải chiếu trên các khoảng trống của vườn cây.
Chủ quán Vườn Táo là những người biết khai thác ưu thế 'quê mùa' của mình. Những chòi tranh đơn sơ được lắp ghép từ những mảnh ván đầu thừa đuôi thẹo, những cột kèo cây nhà lá vườn. Người ta vẫn còn thấy cảnh chủ quán làm gà, làm cá ở sàn nước, nấu ăn bằng những bếp củi, bắt gà ở trong chuồng tre hay vớt cá ngay dưới ao. Món chủ lực của các quán miệt vườn này đương nhiên là cháo cá. Những nồi cháo được bày lên cùng với một đĩa rau đắng và một chén nước mắm ngọt dịu. Món lạ ở các quán ở đây là món gỏi gà trộn rau nhút, ăn rất ngon miệng. Rắn rằn ri cá làm ba món cũng là món đặc sản ở đây. Thức ăn hoàn toàn là đồ tươi sống, không qua tủ lạnh, khi gọi món ăn có khi phải chờ hơi lâu.
So với các quán ở thành phố, giá cả ở các quán miệt vườn này khá mềm. Một nồi cháo cá 4 người ăn chỉ vào khoảng 35.000-50.000 đồng. Điều đặc biệt là chủ quán không tính thêm tiền các tô cháo “tăng cường”. Gà khoảng 40.000-60.000 đồng/con. Rắn 60.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Điều thú vị cho các thực khách trẻ là khi đến mùa táo, họ có thể leo trèo tìm hái những trái chín trên cành tráng miệng. Thỉnh thoảng chủ vườn còn khuyến mãi cho khách một đĩa táo hay mãng cầu cây nhà lá vườn. Cung cách phục vụ của các 'nhân viên', hầu hết là con cháu chủ vườn, nhiệt tình và chân chất đúng hiệu miệt vườn.
Những quán ăn dân dã giữa lòng Sài Gòn
Mấy năm gần đây, giữa Sài Gòn đã mọc lên nhiều quán ăn bán những món dân dã đặc trưng của từng miền, thu hút khách khá đông. Trước tiên là món ăn xứ Huế: Quán Ngự Bình (số 82 cư xá Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận) có đủ những món ăn mang đậm hương vị cố đô mà không gian và cách bài trí cũng rất Huế.
Còn về ẩm thực xứ Bắc, có lẽ hương vị một tô phở bốc khói là món sẽ làm nhiều người nhớ đến đầu tiên. Và từ rất lâu, Sài Gòn có nhiều tiệm phở nổi tiếng, bởi đến bây giờ nó đã trở thành món ăn ưa thích của nhiều người chứ không còn là riêng của cư dân xứ Bắc. Ăn phở cũng tùy theo gu của từng người, nhưng có lẽ hiện nay vị phở của quán Dậu ở khu cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 được dân ăn phở sành điệu của Sài Gòn cho là ngon nhất.
Muốn ăn những món khác của xứ Bắc, thì đến quán Dáng Xưa ở số 33 Cao Thắng hoặc Hương Xưa ở 84 Bùi Thị Xuân và 43 Lý Tự Trọng. Những nơi này hầu như không thiếu một món gì, kể cả món chả rươi hiếm có và đọt lan chấm tương bần đạm bạc.
Với những món ăn ở xứ Quảng Nam, thì hiện nay quán Phú Hương ở số 21 đường Sao Mai, phường 7, quận Tân Bình, được đa số dân xứ Quảng lập nghiệp ở Sài Gòn cùng có chung nhận xét là “y như rứa”... sau khi đến ăn mì Quảng, cao lầu, cháo gà lòng thả, bún cá ngừ, cá nục cuốn bánh tráng, mít trộn, ruột già xào nghệ... Đến quán Phú Hương không chỉ ăn món Quảng mà còn được nghe những câu nói “đặc Quảng” giữa những thực khách với nhau, thường là thăm hỏi nghe vừa ngồ ngộ, vừa làm cho những người tuy chẳng biết nhau cũng dễ bắt chuyện sơ giao.
Một địa chỉ khác là quán Ngon số 138 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tuy mới mở nhưng nơi này đang thu hút một lượng khách khá đông từ sáng đến khuya, do quán có những yếu tố khá độc đáo. Quán là một biệt thự nằm giữa trung tâm Sài Gòn, được bài trí nên một khung cảnh hết sức Việt Nam. Với những bụi chuối xanh mướt bao quanh đan dài xen lẫn với cau, một cỗ xe bò nằm ở góc vườn. Gánh bông cúc trắng nằm hờ hững như cô bán hàng vừa đi đâu đó bên một mái ngói cũ kỹ, sàn lót gạch tàu cùng những bộ bàn ghế đen tuyền mang dáng cũ xưa, dễ gợi nhớ trong mỗi người về một chỗ ngồi của những bậc sinh thành.
Hiện nay, tại đây có đến gần cả trăm món ăn thức uống của khắp mọi miền, từ món cơm nắm tép của vùng đồng quê Bắc Bộ đến cơm nếp muối vừng của vùng Tây Bắc xa xôi. Giá cả cũng không đắt là bao, chỉ nhỉnh hơn một vài nghìn đồng so với khi ăn ở một nơi nào đó.
Kem vàng Anh ở TP HCM
Nằm sâu trong con hẻm khá ngoằn nghèo, vậy mà từ lâu, cái tên Vàng Anh đã là một địa thân quen của người sành kem Sài Gòn. Đến Vàng Anh thích nhất là được chiêm ngưỡng hoàng hôn của thành phố trên tầng thượng thoáng đãng.
Ấn tượng đầu tiên với ly kem Trạng Nguyên là mùi thơm thoảng nhẹ, màu đỏ của hoa Trang nguyên, màu trắng sữa kem và màu đen nho. Đến Vàng Anh, bạn sẽ được tận hưởng vị chua chua ngọt ngọt của ly Sim tím. Chắc chắn bạn sẽ hài lòng với phong cách phục vụ chu đáo, nhanh nhẹn của các nhân viên ở đây.
Khi nhấm nháp 8 mùi trái cây thơm nồng, được đựng trong chiếc rổ con con, đó là lúc bạn đang thưởng thức mùi vị đặc trưng của quán, kem Vàng Anh.
Hiện tại, thực đơn của Vàng Anh rất phong phú. Chị Diễm, chủ quán cho biết: “Với tôi, làm kem gần như là nghệ thuật. Vì vậy, tôi luôn cố gắng sáng tạo hương vị lạ. Cứ vài tháng, Vàng Anh lại tung ra thực đơn mới, giá từ 5.000 đồng/ly'.
Địa chỉ: Kem Vàng Anh, 20C28 cư xá Nguyễn Trung Trực, đường 3-2, Q.10, TP HCM.
Cháo đêm Sài Gòn
Đối với những người phải làm việc vào ban đêm hay thường phải thức khuya thì món cháo được ưa chuộng, đơn giản vì nó dễ nuốt, dễ tiêu hóa về đêm.
Cháo bình dân
Bình dân nhất là món cháo trắng ăn với thịt kho, tép rang, hột vịt muối… Khu cháo trắng ngon và tấp nập khách về khuya nằm ở vòng xoay Hàng Xanh với các thương hiệu như Tuần Ký, Thanh Bình… Ngoài ra, hai điểm bán vỉa hè khác đến 1-2h sáng vẫn còn khách nằm ở 211 Hải Thượng Lãn Ông, giá chỉ 3.000 - 5000 đồng/tô tùy theo món ăn kèm.
Không thích cháo trắng, bạn có thể thưởng thức món cháo lòng Long An tại 87B Cao Thắng, quận 3 hay quán cháo mực số 10 Phó Đức Chính, quận 1.
Cháo cao cấp
Một số người không có thói quen ăn quán vỉa hè, có thể đến những nơi có bàn ghế lịch sự như quán cháo gà Vườn Mai rất nổi tiếng ở 256/8/4 Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Những con gà ta ngon thịt được tuyển chọn và được chế biến thành các món như: gà luộc, gà bóp thấu, gà trộn rau răm, gà hấp hành, gà hấp muối và gà rô ti.
Ngoài ra, khu chợ đêm Bến Thành với các quán như Sao Đông, Tây Du… cũng là nơi lý tưởng để thưởng thức các món cháo khuya. Trong bảng thực đơn của các quán ăn này luôn luôn có bán đủ các loại như: cháo cá, cháo hải sản, cháo gỏi vịt mà đặc biệt là cháo thịt gà, thịt bò nấu với đậu xanh và cháo bào ngư cao cấp với giá 20.000 đồng/tô.
Cháo thập cẩm
Món cháo này được ưa thích vì bổ dưỡng mặc dù giá đắt. Quán được nhiều người biết đến nhiều là quán Phú Thành tại 306 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 với giá 9.000 đồng/tô. Còn cháo thập cẩm được bán ở khu gà ác tiềm thuốc bắc trên đường Phan Xích Long, quận 11 giá 11.000 đồng/tô. Cháo của quán 546 Nguyễn Trãi, nằm gần ngã ba Nguyễn Trãi - Phước Hưng, quận 5, giá 16.000 đồng/tô. Tuy đắt vậy, nhưng các quán này vẫn khá đông khách, nhất là người Hoa.
Ngay ngã tư Phùng Hưng - Hải Thượng Lãn Ông có quán cháo hào rất lạ miệng với giá 10.000 đồng/tô. Cháo được nấu bằng xương và loại hào sữa (hào nhỏ) nên không cần phải thêm nhiều bột ngọt. Thịt hào mau chín nên khi bỏ vào cháo chỉ cần dạo qua dạo lại vài cái là được. Nước chấm ở đây là loại tương xí muội có vị ngọt rất đặc biệt.