- Tham gia
- 12/12/06
- Bài viết
- 3,661
- Được thích
- 18,158

Ảnh mang tính minh họa
Ngày 20/11/2012, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ 01/07/2013.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế có 2 Điều. Điều 1 về các nội dung sửa đổi, bổ sung và Điều 2 về điều khoản thi hành.
Điều 1 có 38 khoản, tương ứng với 38 vấn đề sửa đổi, bổ sung trên tổng số 120 Điều của Luật hiện hành. Một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý thuế nội địa được chia theo 3 nhóm vấn đề như sau:
I. Nhóm vấn đề đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, gồm 4 nội dung:
1. Giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ. Giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định người nộp thuế để kê khai theo quý. Theo đó, Luật bổ sung tại Điều 31 về hồ sơ khai thuế theo quý và các nội dung liên quan đến việc khai thuế theo quý tại Khoản 1 Điều 32 (thời gian khai thuế), Khoản 2 Điều 33 (thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai) cho phù hợp.
2. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc. Nội dung cụ thể được thể hiện tại Khoản 4 Điều 33 (Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế).
3. Liên quan đến nội dung hoàn thuế có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản như sau:
- Bỏ “Chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế; Quy định người nộp thuế chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế.
- Rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày làm việc xuống còn 06 ngày làm việc.
- Luật hoá các trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau hiện đang được quy định tại Nghị định 106/2010/NĐ-CP.
- Về kiểm tra sau hoàn thuế: Bổ sung quy định cơ quan thuế phải kiểm tra trong thời hạn 01 năm kể từ khi có quyết định hoàn thuế đối với 4 đối tượng có độ rủi ro cao gồm:
+ Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu;
+ Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ;
+ Cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ hai lần trở lên trong vòng mười hai tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước;
+ Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.
Các trường hợp còn lại, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.
Nội dung cụ thể được thể hiện tại Điều 58 và Điều 60 của Luật.
4. Thay Tờ khai quyết toán thuế trong hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản tại Khoản 2 Điều 66 bằng Quyết định tuyên bố phá sản để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản trong thực hiện.
II. Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế, bao gồm 4 nội dung:
1. Bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế, làm cơ sở áp dụng thống nhất các kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý thuế tiên tiến.
Liên quan đến nội dung này, Luật bổ sung các quy định sau:
- Bổ sung khoản 4 vào Điều 4 (Nguyên tắc quản lý thuế) như sau:
“4. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
a) Việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao gồm: thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế;
b) Cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra về thuế và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế;
- Bổ sung khoản 10 vào Điều 5 (Giải thích từ ngữ) như sau:
“10. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.
2. Bổ sung cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việc bổ sung cơ chế APA vừa tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, vừa tạo chủ động cho doanh nghiệp FDI trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Nội dung cụ thể tại Luật về vấn đề này bao gồm:
- Bổ sung khoản 11 vào Điều 5 (Giải thích từ ngữ) như sau:
“11. Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.”
- Bổ sung khoản 9 vào Điều 9 (Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế ) như sau:
“9. Cơ quan thuế áp dụng cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế với người nộp thuế, với cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập.”
- Bổ sung khoản 3 vào Điều 30 (Nguyên tắc khai thuế và tính thuế) như sau:
“3. Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”
3. Mở rộng phạm vi thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các hiệp định, điều ước đã ký để cho phép khai thác thông tin từ nguồn nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế. Nội dung cụ thể được thể hiện tại khoản 2 Điều 70 như sau:
“2. Cơ quan quản lý thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để thu thập, trao đổi, xử lý thông tin trong nước, ngoài nước, thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các văn bản ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan để sử dụng trong công tác quản lý thuế.”
4. Bổ sung nghĩa vụ của người nộp thuế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển phương thức quản lý thuế điện tử. Nội dung cụ thể được thể hiện tại khoản 10 Điều 7 như sau:
“10. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.