Mô hình công ty mẹ – công ty con

Liên hệ QC

Người Đưa Tin

Hạt cát sông Hằng
Thành viên danh dự
Tham gia
12/12/06
Bài viết
3,661
Được thích
18,158
Cho đến nay, khái niệm về công ty mẹ, công ty con ở các nước cũng đã thay đổi theo thời gian và không gian.


jmnay4sshu5non6.jpg
| Theo diễn giải của chuẩn mực kế toán quốc tế ISA (International Accounting Standard), công ty mẹ (Parent company) là một thực thể pháp lý có ít nhất một đơn vị trực thuộc – công ty con (Subsidiary). Công ty con là thực thể pháp lý bị kiểm soát bởi công ty mẹ. Kiểm soát ở đây được hiểu là: (1) sở hữu trực hoặc gián tiếp nhiều hơn 50% số phiếu bầu; hoặc (2) sở hữu 50% số phiếu bầu hoặc ít hơn nhưng nắm quyền đối với hơn 50% số phiều bầu theo sự thỏa thuận với các cổ đông khác; hoặc nắm quyền lãnh đạo, điều hành liên quan đến các chính sách tài chính hay sản xuất kinh doanh của công ty và được qui định tại điều lệ, theo sự thỏa thuận hay hợp đồng; hoặc có quyền bổ nhiệm hay miễn nhiệm phần lớn các thành viên của HĐQT, ban lãnh đạo; hay có quyền quyết định, định hướng đến phần lớn số phiếu bầu tại các cuộc họp HĐQT, ban lãnh đạo.

Theo Luật công ty của Anh năm 1985, công ty mẹ được hiểu là công ty nắm cổ phần khống chế (trên 50%) ở công ty khác (công ty con). Tuy nhiên, theo tu chính năm 1989 để phù hợp với “Hướng dẫn chính thức lần thứ 7 về Luật công ty” (Seventh Company Law Directive) của Cộng đồng châu Âu (EC) thì (A) là công ty mẹ của công ty con (B) khi: (1) A là cổ đông nắm giữ đa số phiếu bầu ở B; (2) A là cổ đông và có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm phần lớn thành viên HĐQT của B; (3) A có quyền quyết định về chính sách tài chính và sản xuất kinh doanh của B bằng sự thỏa thuận chính thức, hợp đồng; (4) A là cổ đông của B và có quyền kiểm soát phần lớn phiếu bầu một cách độc lập hay liên kết với các cổ đông khác; hoặc (5) A có quyền lợi tham gia điều hành (participating interest – được hiểu là nắm giữ từ 20% cổ phần) và trên thực tế thực hiện quyền chi phối đối với B hoặc A và B có cùng một cơ chế quản lý thống nhất. Ngoài ra, nếu giữa B và C có quan hệ tương tự như A và B thì giữa A và C có quan hệ như mô hình trên (công ty mẹ – công ty con).

Theo Luật công ty của Liên bang Nga năm 1995, một công ty được gọi là công ty con (tiếng Nga gọi là Dotchernie) nếu do một công ty khác – công ty mẹ (Osnovnoe) nắm giữ cổ phần khống chế trong vốn điều lệ hoặc bị công ty khác chi phối các quyết định của mình hoặc bằng một thoả thuận chính thức hay dưới hình thức nào đó. Luật không qui định một cách cụ thể thế nào là cổ phần khống chế và không nêu cụ thể hình thức hợp đồng, thỏa thuận như thế nào liên quan đến việc chi phối các quyết định của công ty con.

Tuy cách diễn giải có khác nhau, có thể rút ra những đặc trưng của quan hệ công ty mẹ – công ty con là: thứ nhất, công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, có sản nghiệp riêng (pháp nhân kinh tế đầy đủ); thứ hai, công ty mẹ có lợi ích kinh tế nhất định liên quan đến hoạt động của công ty con; thứ ba, công ty mẹ chi phối đối với các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty con thông qua một số hình thức như quyền bỏ phiếu chi phối đối với các quyết định của công ty con, quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm HĐQT, ban lãnh đạo hoặc quyền tham gia quản lý, điều hành; thứ tư, vị trí công ty mẹ và công ty con chỉ trong mối quan hệ giữa hai công ty với nhau và mang tính tương đối, tức công ty con này có thể là công ty mẹ của một công ty khác (tính tương đối này càng nổi bật hơn trong trường hợp các công ty trong một nhóm có nắm giữ vốn cổ phần qua lại của nhau, thí dụ như theo mô hình của các tập đoàn của Nhật); thứ năm, trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con nói chung là trách nhiệm hữu hạn; thứ sáu, về mặt lý thuyết, mô hình quan hệ này sẽ tạo cho cơ cấu tổ chức của các công ty trong nhóm có chiều sâu không hạn chế; tức công ty mẹ, con công ty con, công ty cháu...

Một vấn đề cần lưu ý là, mặc dù công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập, và nếu công ty con là công ty có trách nhiệm hữu hạn thì công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp hay cổ phần của mình mà thôi, nhưng do mối quan hệ có tính chất chi phối các quyết định của công ty con, nên luật pháp nhiều nước bắt buộc công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về những ảnh hưởng của công ty mẹ đối với công ty con. Thí dụ, Luật công ty của Cộng hoà Liên bang Nga qui định nếu công ty mẹ đưa ra chỉ thị buộc công ty con phải thực hiện theo một cam kết nào đó giữa công ty mẹ và công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra, theo luật pháp của nhiều nước và theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì công ty mẹ phải có trách nhiệm trình báo cáo tài chính tập trung hay hợp nhất (Consolidated financial statement) tại đại hội cổ đông của công ty mẹ, trừ trường hợp công ty mẹ là công ty con của một công ty khác hoặc hoạt động của công ty con quá khác biệt với công ty mẹ; bởi lẽ, dù là hai thực thể pháp lý độc lập nhưng trên thực tế chúng là những công ty liên kết (affiliated), một thực thể kinh tế hợp nhất (xem hình).

uz2zw2t0lu189ak.jpg

Mô hình công ty mẹ – công ty con có nhiều ưu điểm cả về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, đặc biệt là đối với những nhóm doanh nghiệp có qui mô lớn như các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia và đa quốc gia. Thứ nhất, theo mô hình này, khi một đơn vị kinh doanh chiến lược của một doanh nghiệp phát triển đến mức yêu cầu phải có sự tự chủ trong hoạt động, thì các doanh nghiệp có xu hướng tách đơn vị kinh doanh chiến lược này thành một thực thể pháp lý độc lập, và về mặt pháp lý không chịu trách nhiệm liên quan đến hoạt động của nó. Chính với trách nhiệm hữu hạn này của chủ sở hữu là điều kiện cần để chủ sở hữu có thể xác lập một cơ chế quản lý phân cấp triệt để hơn khi nó còn là một bộ phận trực thuộc của công ty mẹ. Thứ hai, với mối quan hệ theo mô hình công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ còn có thể thực hiện được chiến lược chuyển giá (price transferring), nhất là trong những trường hợp các doanh nghiệp lập cơ sở kinh doanh ở nước ngoài. Thứ ba, với mô hình này, các doanh nghiệp có thể thực hiện được sự liên kết với các doanh nghiệp khác nhằm giảm cạnh tranh, tăng độc quyền của thiểu số, cùng phối hợp hay chia sẻ các nguồn lực, tận dụng các thế mạnh của các cổ đông... bằng cách cùng nhau đầu tư lập các công ty con. Thứ tư, mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí và tái bố trí lại cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp bằng việc mua hoặc bán cổ phần của mình trong các công ty con. Cuối cùng, mô hình công ty mẹ – công ty con cho phép một doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng cách thành lập công ty con mới trong điều kiện vừa có thể kiểm soát được doanh nghiệp mới thành lập một cách hữu hiệu thông qua cổ phần khống chế, vừa không bị các nhà đầu tư chi phối đối với doanh nghiệp cũ.

Chính vì những ưu điểm nêu trên, hiện nay ở nhiều nước, mô hình công ty mẹ – công ty con gần như là mô hình duy nhất được sử dụng để xác lập mối quan hệ giữa các công ty trong cùng một nhóm, một tập đoàn.

Mô hình tổ chức hệ thống doanh nghiệp nhà nước VN hiện nay.

Hiện nay, mô hình cơ cấu tổ chức và quan hệ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới các hình thức như sau:

Thứ nhất, quan hệ giữa các tổng công ty và các công ty hạch toán độc lập

- Về vốn, vốn của các công ty là một phần vốn của tổng công ty; công ty được tổng công ty giao vốn và có thể điều hòa vốn giữa các đơn vị thành viên; việc sử dụng vốn phải tuân thủ những qui chế, qui định về phân cấp quản lý và sử dụng vốn của tổng công ty;

- Về mặt hạch toán, công ty là một đơn vị hạch toán tài chính, kinh tế độc lập, báo cáo tài chính sẽ được hợp nhất với tổng công ty vào cuối niên độ;

- Về mặt pháp lý, công ty do Bộ quản lý ngành kinh tế – kỹ thuật (nếu là tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) và Bộ trưởng bộ chủ quản hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (nếu là tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bộ hoặc UBND tỉnh, thành phố) ký quyết định thành lập, là một pháp nhân độc lập, đăng ký hoạt động theo luật;

- Về quyền tổ chức quản lý và tổ chức kinh doanh, như tổ chức bộ máy, lĩnh vực kinh doanh, thị trường, giá cả; về đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị; về lao động... phải phù hợp với sự phân cấp và ủy quyền của tổng công ty;

- Về mặt tổ chức cán bộ, việc bổ nhiệm và miễn nhiệm ban lãnh đạo sẽ do HĐQT tổng công ty quyết định;

- Công ty hoạt động, quản lý theo điều lệ riêng do HĐQT tổng công ty phê chuẩn;

- Công ty có thể thành lập và quyết định bộ máy của các đơn vị trực thuộc;

- Về nguyên tắc tổng công ty phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với công ty thành viên.

Thứ hai, quan hệ giữa các tổng công ty và các công ty hạch toán phụ thuộc

- Về vốn, công ty thành viên hạch toán phụ thuộc thì không được giao vốn, không được huy động vốn;

- Về mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty hạch toán phụ thuộc chỉ được ký kết hợp đồng kinh tế, chủ động thực hiện hoạt động kinh doanh theo sự phân cấp và ủy quyền của tổng công ty;

- Về hạch toán kinh tế, công ty hạch toán phụ thuộc vào tổng công ty, báo cáo tài chính hàng năm được hợp nhất với báo cáo tài chính tổng công ty;

- Về mặt tài chính, theo sự phân cấp hoặc ủy quyền của tổng công ty;

- Về tổ chức và nhân sự, theo sự phân cấp và ủy quyền của tổng công ty;

- Về mặt pháp lý, do HĐQT của tổng công ty quyết định thành lập, có con dấu và có tài khoản tại ngân hàng;

- Công ty hạch toán phụ thuộc không có quyền thành lập các đơn vị thành viên;

- Về nguyên tắc tổng công ty phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với công ty thành viên.

Thứ ba, quan hệ giữa công ty hạch toán độc lập và đơn vị phụ thuộc của công ty hạch toán độc lập

- Về vốn, đơn vị phụ thuộc không được giao vốn, không được huy động vốn;

- Về mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị phụ thuộc chỉ được ký kết hợp đồng kinh tế, thực hiện hoạt động kinh doanh theo sự phân cấp và ủy quyền của tổng công ty;

- Về hạch toán kinh tế, đơn vị phụ thuộc hạch toán phụ thuộc vào công ty, báo cáo tài chính hàng năm được hợp nhất với báo cáo tài chính công ty;

-Về mặt tài chính, theo sự phân cấp hoặc ủy quyền của công ty;

- Về tổ chức và nhân sự, theo sự phân cấp và ủy quyền của công ty;

- Về mặt pháp lý, do công ty quyết định thành lập, có con dấu và có tài khoản riêng;

- Về nguyên tắc, công ty phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với đơn vị phụ thuộc.​

Còn tiếp
 
Tiếp theo

Sự khác biệt giữa hai mô hình

Mô hình tổng công ty và đơn vị thành viên hiện nay có một số điểm tương đồng với mô hình công ty mẹ – công ty con là: (1) tổng công ty là cổ đông; (2) có quyền quyết định đến hoạt động của công ty thành viên bằng nhiều cơ chế khác nhau.

Tuy nhiên, giữa hai mô hình có những khác biệt quan trọng. Thứ nhất, với mô hình tổng công ty thì cơ cấu tổ chức của tổng công ty (một nhóm các công ty) bị giới hạn có 3 cấp – tổng công ty, công ty và xí nghiệp hạch toán phụ thuộc (hoặc tương đương). Trong khi đó, theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì tầng nấc trong cơ cấu tổ chức, về mặt lý thuyết, là không giới hạn – công ty mẹ, công ty con, công ty cháu... Thứ hai, về nguyên tắc, quan hệ công ty mẹ đối với công ty con là trách nhiệm hữu hạn, còn quan hệ giữa tổng công ty và đơn vị thành viên là trách nhiệm vô hạn. Thứ ba, về mặt pháp lý, các đơn vị thành viên của tổng công ty và công ty là những pháp nhân độc lập chưa đầy đủ, vì đối với một số hoạt động của đơn vị thành viên, luật pháp yêu cầu phải có ủy quyền chính thức của doanh nghiệp chủ quản như lĩnh vực đầu tư, tài chính, tổ chức cán bộ...; trong khi đó, theo mô hình công ty mẹ - công ty con, các doanh nghiệp là những pháp nhân đầy đủ. Thứ tư, các đơn vị thành viên hạch toán độc lập trong mô hình tổng công ty không phải do tổng công ty quyết định thành lập (xem phần phân tích ở trên), mặc dù về mặt pháp lý tổng công ty là chủ sở hữu.

Trong khi đó, theo mô hình công ty mẹ – công ty con thì công ty mẹ là người sáng lập (hoặc tham gia sáng lập). Thứ năm, trong mô hình tổng công ty, phần lớn bộ máy của tổng công ty chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính, trong khi đó ở mô hình công ty mẹ – công ty con thì công ty mẹ là một doanh nghiệp có sản phẩm, có khách hàng, có thị trường. Thứ sáu, những qui chế, qui định đối với một số lĩnh vực hoạt động của các thành viên trong tổng công ty thường có tính pháp qui; trong khi đó, những qui chế, qui định của các thành viên trong mô hình công ty mẹ – công ty con hoàn toàn mang tính chất quản lý. Thứ bảy, quá trình hình thành tổng công ty cho thấy, theo mô hình tổng công ty thì ít nhất phải có hai công ty thành viên tồn tại trước khi có tổng công ty (con đẻ ra bố), trong khi đó theo mô hình công ty mẹ – công ty con thì công ty mẹ thường phải tồn tại trước, sáng lập hoặc tham gia sáng lập ra công ty con (trừ trường hợp mua lại). Thứ tám, trong mô hình hiện hữu, tổng công ty (công ty) là chủ sở hữu của cả sản nghiệp (cả tài sản có và tài sản nợ) của công ty thành viên, tức vừa sở hữu vốn vừa sở hữu tài sản (về thực chất) và tài sản (vốn) công ty con là tài sản (vốn) của công ty mẹ; trong khi đó, theo mô hình công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ chỉ sở hữu phần vốn đầu tư trong công ty con mà thôi, và vốn của công ty con là tài sản của công ty mẹ (đầu tư dài hạn). Cuối cùng, mô hình tổng công ty – công ty thành viên không cho phép huy động vốn một các có hiệu quả; không cho phép tổng công ty (công ty) thay đổi cơ cấu vốn đầu tư trong các doanh nghiệp thành viên một cách linh hoạt.

Vấn đề chuyển đổi mô hình

Những khác biệt giữa mô hình công ty mẹ – công ty con và mô hình tổng công ty được nêu ở trên cũng là những điểm bất cập của mô hình liên kết hiện tại giữa các doanh nghiệp thành viên trong cùng một nhóm. Để đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước một cách cơ bản theo hướng phát triển thành những tập đoàn kinh tế mạnh, điều kiện tiên quyết là Nhà nước cần chuyển đổi các quan hệ của các thành viên trong một nhóm (tổng công ty) theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Để chuyển từ mô hình hiện tại sang mô hình mới cần giải quyết một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Nhà nước cần có những bước đánh giá, phân tích một cách khoa học chuỗi giá trị (value chain) của nhóm (các thành viên tổng công ty) để xác định những công ty nòng cốt, nắm giữ khâu then chốt trong chuỗi giá trị tổng công ty để chuyển đơn vị thành viên này trở thành công ty mẹ, nắm giữ vốn cổ phần trong các công ty con. Công ty mẹ có thể là công ty sản xuất, thương mại – dịch vụ, nghiên cứu và phát triển hoặc là công ty tài chính – ngân hàng. Việc chọn công ty mẹ này đồng nghĩa với việc giải thể bộ máy quản lý hành chính của các tổng công ty hiện nay.

Thứ hai, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chuyển các doanh nghiệp thành viên thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Luật doanh nghiệp. Thực hiện bước này đồng nghĩa với việc xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với các doanh nghiệp thành viên (các công ty con); công ty mẹ chỉ còn là chủ sở hữu phần vốn cổ phần tại các công ty con, thay vì là chủ của toàn bộ sản nghiệp.

Thứ ba, xác lập một cơ chế quản lý mới, chỉ giao trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn nhà nước ở các công ty mẹ cho HĐQT hoặc chủ tịch công ty nếu doanh nghiệp không có HĐQT, và dưới hình thức “hợp đồng quản lý” (như một số nước áp dụng Management hoặc Performance Contract). Điều này có nghĩa là sẽ không còn những qui định về quản lý mang tính pháp qui (luật, nghị định, thông tư...) cho riêng đối với việc quản lý doanh nghiệp nhà nước như hiện nay, mà nó được xác lập theo hợp đồng quản lý – quan hệ dân sự, lao động.

Thứ tư, cho quyền HĐQT, chủ tịch công ty được chủ động quyết định việc thuê giám đốc nếu xét cần thiết, và theo cơ chế thị trường lao động.

Tóm lại, mô hình công ty mẹ – công ty con về cơ bản sẽ giúp chúng ta giải quyết một số vướng mắc mang tính nguyên tắc trong quản lý hiện nay. Nó là điều kiện cần để đổi mới cơ chế quản lý hệ thống DNNN và chuyển mô hình tổng công ty nhà nước sang mô hình tập đoàn kinh tế như các nước, nên cần được sớm áp dụng rộng rãi.

(Theo TCKTPT)
 
PGS.TS. NGUYỄN HUY OÁNH & LÊ VĂN BẰNG – Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Nghị quyết Hội nghị TƯ 3 (Khóa IX) đã viết: “DNNN… giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Do đó, việc tăng tính hiệu quả của DNNN không chỉ nhằm mục đích làm cho kinh tế nhà nước nói riêng và kinh tế nước ta nói chung vững mạnh mà còn góp phần tăng tính định hướng XHCN của nền kinh tế. Vì thế việc sắp xếp đổi mới DNNN để nâng cao hiệu quả hoạt động của nó là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Nhưng muốn sự sắp xếp có hiệu quả phải áp dụng nhiều biện pháp, theo chúng tôi, biện pháp quan trọng nhất là phải tìm được mô hình tổ chức doanh nghiệp mà với mô hình này chúng ta sẽ tác động trực tiếp vào vấn đề sở hữu, và do đó sẽ làm tăng tính minh bạch của DNNN. Mô hình công ty mẹ, công ty con là mô hình đáp ứng được yêu cầu này.

1. Chúng ta biết rằng, với mô hình DNNN kiểu cũ, chủ sở hữu là Nhà nước với 100% vốn của Nhà nước. Chúng ta đã từng rất coi trọng mô hình DNNN kiểu này. Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của mô hình này là tính minh bạch về mặt kinh tế: nguồn vốn của DNNN được giao cho hội đồng quản trị và giám đốc điều hành (nếu là tổng công ty) hoặc giám đốc doanh nghiệp (nếu là công ty), làm đại diện của Nhà nước quản lý. Để phần nào kiểm soát hoạt động của các đại diện này nhằm bảo toàn vốn cho Nhà nước:

- Về mặt vĩ mô, Nhà nước có hàng loạt luật pháp, chính sách về tài chính quản lý vốn, quản lý vật tư…;

- Về mặt vi mô, có hội đồng quản trị (nếu là tổng công ty), có giám đốc và kế toán trưởng thay mặt Nhà nước và được giao trách nhiệm quản lý vốn cho Nhà nước.

Ngoài ra, còn một loạt cơ chế, tổ chức như tổ chức Đảng, hội nghị công nhân viên chức, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, phụ nữ, thanh niên… Mô hình tổ chức trên tưởng rằng chặt chẽ nhưng lại bộc lộ nhiều nhược điểm: với những giám đốc có tâm huyết, muốn có những biện pháp mạnh mẽ nhằm bứt phá đưa doanh nghiệp đi lên thì lại gặp vật cản khi nhận thức đó chưa được tập thể chấp nhận, khi đó giám đốc bất lực; với những giám đốc không trong sáng, lại lợi dụng những bùng nhùng đó để có những thu nhập bất chính mà tập thể phức tạp nêu trên chỉ là bình phong. Những hạn chế đó suy đến cùng thuộc về vấn đề xác định chủ sở hữu của DNNN trên các mặt trách nhiệm và lợi ích kinh tế, một vấn đề rất khó khăn nếu như 100% vốn là của Nhà nước như phần lớn các DNNN hiện nay. Vì vậy dẫn đến sự không hiệu quả của DNNN. Hơn nữa, mô hình DNNN theo kiểu cũ với sự khó minh bạch còn đi liền với nạn tham nhũng, hối lộ, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó là lý do cấp bách phải đổi mới mô hình DNNN.

2. Có nhiều loại mô hình DNNN để khắc phục phần nào hạn chế trên, nhưng theo chúng tôi, mô hình công ty mẹ, công ty con là mô hình có thể khắc phục tốt nhất nhược điểm nêu trên, làm DNNN trở thành một loại hình doanh nghiệp năng động và hiệu quả và tác động rất mạnh vào tính định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta. Khẳng định như vậy vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ tính ưu việt của mô hình công ty mẹ – công ty con:


- Là một tổ chức kinh tế năng động: từ tổ chức ban đầu, liên kết có thể mở rộng ra với quy mô đa sở hữu ngày càng lớn, với sự hoạt động đa ngành, đa phương, thậm chí đa quốc gia;

- Là tổ chức kinh tế mang tính xã hội hóa​



Chúng ta biết rằng, mô hình công ty mẹ- công ty con không phải là mới. Từ rất lâu, trong các nước TBCN, người ta đã sử dụng mô hình này như kết quả tất yếu của quá trình tích tụ tập trung sản xuất để đáp ứng yêu cầu khắc phục mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên cơ sở chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất; để nâng cao tỷ suất lợi nhuận trong điều kiện nguồn vốn về thực chất vẫn là của sở hữu tư nhân. Sự xuất hiện công ty mẹ, công ty con là sản phẩm của quy luật tích lũy của CNTB. Các công ty tư nhân khi mới ra đời có quy mô nhỏ bé, số lượng sản phẩm sản xuất ra không nhiều, chủng loại nghèo nàn, mối liên hệ kinh tế đơn nhất. Nhưng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh với mục đích lợi nhuận tối đa đòi hỏi các công ty phải không ngừng mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… Để làm được điều đó, phải có nguồn vốn lớn. Sự tích tụ tư bản và do đó cũng là quá trình tích tụ sản xuất là tất yếu. Nhưng việc mở rộng quy mô chỉ dựa vào quá trình tích tụ thì quá chậm chạp. Do đó việc tập trung nhiều công ty dưới các hình thức liên kết khác nhau sẽ cho ra đời những công ty to lớn chỉ trong một thời gian ngắn là điều khó tránh khỏi với nhiều hình thức mới như công ty cổ phần và công ty cổ phần ở bậc lũy thừa hai và lũy thừa ba mà Mác và Ăng-ghen nêu ra từ lâu trong Bộ Tư bản nổi tiếng. Về thực chất, công ty mẹ con là một dạng tập đoàn kinh tế với các đặc điểm:

- Là một tổ hợp sản xuất kinh doanh đa dạng, đa sở hữu;

- Là một tổ hợp lấy liên doanh góp vốn, hoặc sở hữu chung vốn làm nhân tố quyết định sự liên kết dưới hình thức công ty cổ phần;

- Là một tổ chức kinh doanh bao gồm nhiều doanh nghiệp nhưng có một doanh nghiệp giữ vai trò chi phối, chỉ huy thống nhất. Đó là công ty mẹ; ngày càng cao, thu lợi nhuận ngày càng nhiều, một tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả và tiết kiệm kinh tế cao, một tổ chức phát triển bền vững.​



Với những ưu điểm như vậy, mô hình công ty mẹ – công ty con đương nhiên được nền kinh tế TBCN lựa chọn. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chúng ta cũng phải sử dụng mô hình này.

Thứ hai, mô hình công ty mẹ-công ty con cho phép kết hợp các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vào một tổ chức kinh doanh một cách tự nhiên xuất phát từ lợi ích kinh tế, không khiên cưỡng mang tính hành chính như những mô hình chúng ta đã từng làm. Trong mô hình này, có thể kết hợp DNNN với doanh nghiệp tư nhân, trong đó hoặc DNNN là công ty mẹ còn doanh nghiệp tư nhân là công ty con, hoặc doanh nghiệp tư nhân là công ty mẹ mà DNNN chỉ là đơn vị góp vốn ở mức độ nào đó cả ở công ty mẹ lẫn ở công ty con. Như vậy, mô hình này cho phép mở rộng quy mô sản xuất có thể ở mức rất cao bằng việc huy động nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế trên cơ sở lợi ích kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, công ty mẹ – công ty con liên kết với nhau bằng cơ chế góp vốn linh hoạt, bằng lợi ích kinh tế trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa công ty mẹ với công ty con và giữa các công ty con với nhau.

Còn tiếp bài của PGS.TS. NGUYỄN HUY OÁNH & LÊ VĂN BẰNG – Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Tiếp Theo bài của PGS.TS. NGUYỄN HUY OÁNH & LÊ VĂN BẰNG – Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Thứ ba, sử dụng mô hình công ty mẹ-công ty con là phương thức tốt nhất đảm bảo tính định hướng XHCN của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Mô hình công ty mẹ- công ty con tác động vào tính định hướng XHCN trên ba mặt:


• Một là, tác động trên mặt sở hữu, làm cho sở hữu nhà nước dù chỉ có ở mức nhất định vẫn chi phối được nguồn vốn lớn của xã hội, trong đó phần rất lớn là sở hữu tư nhân. Với một lượng vốn nhất định thuộc sở hữu nhà nước thông qua công ty mẹ, kinh tế nhà nước giữ được vai trò chỉ huy một số doanh nghiệp tư nhân trong hệ thống tổ chức của mình. Bằng con đường này, kinh tế nhà nước sẽ nắm giữ các công ty mẹ trong các tập đoàn kinh tế chủ yếu, ở những ngành kinh tế chủ yếu, qua đó sẽ chi phối được nền kinh tế. Tác dụng này của mô hình công ty mẹ – công ty con sẽ xóa bỏ được sự lo lắng của một số người xưa nay thường lo lắng cổ phần hóa DNNN sẽ là tư nhân hóa, là mất CNXH!

• Hai là, mô hình công ty mẹ – công ty con – mà cốt lõi của nó là sự liên kết kinh tế theo mô hình cổ phần – có thể khắc phục được điểm yếu cố hữu của DNNN là sự khó minh bạch về mặt kinh tế để từ đó góp phần hạn chế sự thất thoát do tham nhũng gắn liền với sự khó minh bạch của DNNN. Với sự có mặt của các cổ đông là tư nhân (bao gồm các thể nhân và pháp nhân) trong các công ty mẹ hoặc công ty con, tổ hợp doanh nghiệp buộc phải có sự quản lý rõ ràng, chặt chẽ về mặt kinh tế, do đó, làm cho bộ phận kinh tế nhà nước trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Minh bạch hóa kinh tế đối với DNNN là một yêu cầu quan trọng trong việc tăng tính hiệu quả của loại hình doanh nghiệp này đồng thời cũng là làm tăng vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, việc minh bạch hóa kinh tế của DNNN sẽ là một trong những “biện pháp gốc” hạn chế tình trạng tham nhũng trong bộ máy cán bộ của Đảng và Nhà nước ta, nhờ vậy sẽ tăng thêm lòng tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào con đường đi lên CNXH.

• Ba là, mô hình công ty mẹ – công ty con còn tác động vào sự phân chia thu nhập của người lao động tham gia vào hoạt động trong tổ hợp công ty này theo định hướng XHCN. Với sự tác động từ công ty mẹ – công ty này thuộc sở hữu nhà nước, các công ty con, dù là công ty tư nhân (nhưng vẫn có phần thuộc sở hữu nhà nước) sẽ có sự phân chia thu nhập đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đặt ra.​


Thứ tư, mô hình công ty mẹ – công ty con sẽ phát huy được tính tự chủ sáng tạo của từng thành viên trong tập đoàn từ công ty mẹ đến các công ty con, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty trong tập đoàn, do đó tạo ra sức mạnh của tập đoàn. Công ty mẹ, một mặt, tự chủ xây dựng chiến lược phát triển của mình và của toàn bộ hệ thống, lựa chọn các hình thức đầu tư, trực tiếp tác nghiệp kinh doanh, mặt khác, đầu tư vốn vào các công ty con và thông qua đó chỉ đạo hoạt động của công ty con qua HĐQT theo định hướng phát triển của công ty mẹ. Các công ty con đều là các công ty có tư cách pháp nhân, tự chủ hoạt động kinh doanh theo định hướng chiến lược của công ty mẹ, thu hút vốn từ bên ngoài, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh tế của mình. Như vậy công ty mẹ và các công ty con đều được tự chủ, sáng tạo trong hoạt động. Tuy công ty mẹ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công ty con nhưng vẫn hỗ trợ các công ty con về thị trường, về công nghệ, về uy tín thương hiệu, về tín dụng, về cán bộ… do đó, tạo nên sức mạnh của cả tập đoàn. Như vậy so với mô hình tổng công ty, mô hình công ty mẹ-công ty con mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Thứ năm, mô hình công ty mẹ – công ty con, về bản chất, là một tập đoàn kinh tế mà trong đó cốt lõi là sự liên kết của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế bằng cổ phần hóa. Do đó, việc phát triển các công ty mẹ – công ty con xuất phát từ DNNN cùng một lúc giải quyết được hai yêu cầu: đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và làm tăng được vai trò của DNNN trong việc hỗ trợ, hướng dẫn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quá độ lên CNXH.

3. Cho đến nay, Chính phủ đã cho thí điểm thực hiện mô hình công ty mẹ – công ty con ở 52 DNNN, trong đó có 31 công ty xuất phát từ tổng công ty nhà nước, 16 công ty nhà nước độc lập và các DNNN khác. Theo như sơ kết của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì việc thực hiện thí điểm đã có một số kết quả bước đầu, thể hiện ở:


- Đã xây dựng được cơ sở pháp lý cho mô hình công ty mẹ – công ty con: xây dựng nội dung cơ bản của mô hình công ty mẹ – công ty con và đã đưa nội dung đó vào Luật DNNN 2003; ban hành Nghị định 153/2004/NĐ-CP hướng dẫn chuyển đổi tổng công ty nhà nước và các loại DNNN khác sang mô hình công ty mẹ – công ty con, làm rõ tính pháp lý, chức năng, trách nhiệm, quyền hạn và mô hình của tổ hợp công ty mẹ-công ty con; ban hành quy định quản lý tài chính trong loại hình tổ hợp này…

- Tạo ra được mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp mới phù hợp với cơ chế thị trường và xu hướng phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đó là công ty mẹ là DNNN (có thể 100% vốn nhà nước, có thể công ty mẹ cũng là công ty cổ phần nhưng Nhà nước nắm cổ phần chi phối), còn công ty con thì rất đa dạng. Cũng là mô hình công ty mẹ – công ty con nhưng đa dạng trong loại hình tổ chức. Nhờ vậy, chúng ta đã tạo ra được mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với cơ chế thị trường.

- Các công ty mẹ-công ty con tuy mới ra đời trong giai đoạn thí điểm nhưng đã hoạt động tốt. Các chỉ tiêu kinh tế đều tăng như: Công ty Xây lắp điện 3, năm 2004 so với năm 2003 vốn điều lệ tăng 125%, doanh thu tăng 120%, lợi nhuận tăng 83%, nộp ngân sách tăng 112%, thu nhập của người lao động tăng 108%; Công ty Constrexim, năm 2004 so với năm 2003 doanh thu tăng 113%, lợi nhuận tăng 143%, nộp ngân sách tăng 135%; Tổng công ty Đường sông miền Nam mới sau một năm chuyển đổi doanh thu đã tăng 65,5%, lợi nhuận tăng 65%, thu nhập bình quân đầu người lao động tăng 53%​



Tuy nhiên, vì còn đang ở giai đoạn thí điểm nên còn nhiều vấn đề cần khắc phục, giải quyết như:


- Một số công ty mẹ – công ty con vẫn chưa thông thạo cách điều hành theo cơ chế mới, có khi vẫn lập lại cách chỉ huy hành chính mệnh lệnh (vì trong giai đoạn này đa phần các công ty theo mô hình này có điểm xuất phát là tổng công ty nhà nước)

- Công ty mẹ hầu hết vẫn là công ty 100% vốn nhà nước, chưa dám cổ phần hóa nên nguồn lực tài chính của công ty mẹ còn yếu nên chưa thực sự làm được vai trò của công ty mẹ.

- Một số chính sách như chính sách đất đai, chính sách tài chính… chưa phù hợp.

- Các tổ chức chính trị như tổ chức Đảng, công đoàn… chưa kịp đổi mới cho phù hợp.

- Đặc biệt là, chưa tạo ra được cơ chế thay đổi đội ngũ cán bộ điều hành, nhất là cán bộ chủ chốt, khi chuyển sang mô hình tổ chức kinh tế mới. Đây cũng là tình trạng thường gặp khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Những cán bộ cũ tuy có kinh nghiệm nhưng đã định hình quá lâu lối suy nghĩ và điều hành của cơ chế cũ nên vừa bảo thủ vừa kém năng động, hiện đang là một lực cản cho mô hình kinh tế mới.​



4. Để chuyển từ mô hình tổng công ty nhà nước sang mô hình công ty mẹ – công ty con một cách có hiệu quả, cần chú ý những vấn đề sau đây:


Một là, phải tăng cường công tác tuyên truyền về mô hình công ty mẹ-công ty con và sự cần thiết phải chuyển đổi mô hình tổng công ty nhà nước sang mô hình công ty mẹ- công ty con cho các cấp, các ngành và nhất là cho cán bộ, công nhân các doanh nghiệp nhà nước – nơi sẽ chuyển đổi.

Hai là, thông qua việc tổng kết thí điểm việc chuyển đổi mô hình công ty nhà nước sang mô hình công ty mẹ – công ty con, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển mô hình công ty mẹ-công ty con từ công ty nhà nước (các vấn đề như: những nội dung chỉ đạo chuyển đổi mô hình, quy chế tài chính cho các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, các chính sách khác…).

Ba là, gắn việc chuyển đổi mô hình với việc thay đổi tổ chức, nhân sự để tạo nên xung lực mới cho doanh nghiệp (thí dụ cho phép hội đồng quản trị thuê giám đốc điều hành giỏi, đại hội cổ đông sẽ đề nghị phía chủ sở hữu nhà nước đề cử những cán bộ quản lý mới chođại hội lựa chọn…).

Bốn là, nghiên cứu, xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng khác trong doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ – công ty con cho phù hợp với cơ chế mới./.​



Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo sơ kết mô hình công ty mẹ-công ty con. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. H.9.2005.

2. Mác – Ăng ghen toàn tập. T 25 Phần I. Tr.667- 668. Nxb CTQG, H.1994.

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế số tháng 3 năm 2006, Trang 43 – 47​

Kết thúc bài của PGS.TS. NGUYỄN HUY OÁNH & LÊ VĂN BẰNG – Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
 
Công ty mẹ con là từ ngữ của chúng ta để chỉ mối quan hệ giữa những công ty nắm vốn của nhau, thí dụ công ty A nắm một số phần trăm vốn của công ty B. Tìm lai lịch của sự xuất hiện công ty mẹ con ở các nước phát triển ta sẽ thấy nguyên do kinh tế là nền tảng. Còn ở Việt Nam thì sao?

Công ty mẹ con ở ta

Định chế công ty tư nhân của ta mới tồn tại gần 20 năm. Thoạt đầu, các công ty do các chủ gia đình nắm giữ trong bối cảnh cầu cao hơn cung của nền kinh tế. Các ông chủ mở công ty theo kiểu cần đến đâu mở đến đó. Không mẹ con lằng nhằng. Cũng có thể công ty khi ăn nên làm ra thì chỉ mở những ngành khác nhau trong nội bộ với chế độ hạch toán báo sổ. Chẳng cần mẹ con. Các công ty phát triển theo hai cách này đều gặp hai trở ngại chung và lớn là quản trị và nhân sự.

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã tồn tại trên 50 năm. Vốn của chúng do một ông chủ duy nhất nắm. Nhà nước nắm vốn thì mở công ty tùy ý. Khác với tư nhân, DNNN phải đối phó với vấn đề hiệu quả kinh doanh - một hậu quả trầm trọng hơn của quản trị và nhân sự. Để giải quyết, Nhà nước với quyền lực của mình đã thiết lập các tổng công ty 90 và 91. Bất kể đến lai lịch hình thành của mình và của thế giới ra sao, Nhà nước nói là “xây dựng các tập đoàn” để có “quả đấm mạnh”. Vì các căn bệnh bẩm sinh của nó là quản trị và nhân sự không hề được chữa nên các tổng công ty không thành công về mặt kinh doanh. Để vượt qua thất bại đó và trước áp lực hội nhập, Nhà nước bèn chuyển các tổng công ty thành công ty mẹ con.

Trước biến chuyển của DNNN, các công ty tư nhân cũng làm theo. Công ty nào có mặt ở nhiều địa phương thì sắp xếp lại thành mẹ với con; ai có nhiều ngành trong nội bộ sẽ tách ra thành con với mẹ. Ở đây có sự chuyển vốn để có thể đăng ký.

Trong quá trình chuyển đổi ấy, ta thấy các công ty tư nhân thực hiện chuyển đổi mô hình là để giải quyết vấn đề quản trị, thông qua đó giải quyết vấn đề nhân sự; còn ở DNNN là để Nhà nước rút bớt vốn về và tăng hiệu quả kinh doanh.

Như vậy, công ty mẹ con của chúng ta không phát xuất trên một nền tảng kinh tế giống như ở các nước khác.

Cơ cấu thẩm quyền giữa mẹ và con

Để công ty mẹ con hoạt động có hiệu quả và đúng mục đích phải có hai điều kiện (i) công ty mẹ bỏ vốn vào công ty con, và (ii) công ty mẹ đã phải được quản trị theo khoa học; nghĩa là nó đã có một nền nếp được ghi vào một hệ thống văn bản; việc quản trị dựa trên sự kiểm soát cách thực hiện các quy trình chứ không phải dựa trên niềm tin vào những người nhất định. Không làm được việc sau thì dù con hát mẹ khen hay đến đâu cũng sẽ thất bại như đã từng thấy. Trước khi đi sâu hơn nữa, xin được nêu lên hai nhận xét.

Thứ nhất, trong nhiều doanh nghiệp, cả tư nhân lẫn DNNN, lãnh đạo và phụ tá nhầm lẫn về bản chất pháp lý của công ty mẹ con. Vì chúng ta gọi “mẹ con” nên không ít người khi chuyển đổi mô hình thì đã coi công ty mẹ con theo ý nghĩa mẹ con trong một gia đình. Xin nhắc lại, “mẹ con” là từ ngữ chúng ta gọi trong luật; ở nước ngoài từ ngữ chính thức là affiliated companies. Chúng là các pháp nhân riêng rẽ, dính dấp với nhau về việc quản trị do việc pháp nhân này bỏ vốn vào pháp nhân kia. Về mặt luật pháp, “công ty mẹ con” không kiểm soát theo cách bố mẹ vẫn kiểm soát con cái trong nhà. Chính xác hơn thì phải hiểu là bố mẹ kiểm soát các “đứa con đã lập gia đình”. Kiểm soát “con cái đã có gia đình” thì khác xa với kiểm soát “đứa con độc thân”. Đấy là sự đổi thay cần thiết về mặt tâm lý khi chúng ta chuyển đổi cơ cấu vật chất.

Thứ hai, công ty mẹ kiểm soát công ty con nhiều hay ít là tùy theo (i) số vốn bỏ vào trong đó và (ii) quyền biểu quyết trong hội đồng quản trị. Việc sau đòi hỏi công ty mẹ phải cử một vài người thay mặt mình làm cổ đông để họ được bầu vào hội đồng quản trị và chiếm đa số biểu quyết ở đó; vì nơi này quyết định theo số thành viên tham dự. Hơn thế nữa, công ty con chịu trách nhiêm vô hạn cho chính việc làm của nó; nó không thể cầu cứu công ty mẹ khi đứng trước người khác hay tòa án; cho nên các quyết định của nó phải do nội bộ của nó đưa ra chứ không phải từ công ty mẹ đi xuống; nó không thể nói với họ: “Mẹ em bảo làm!”. Tôi đã được đọc một vài bản điều lệ của công ty mẹ chuyển đổi, tư nhân lẫn DNNN, trong đó công ty mẹ ấn định thẩm quyền của nó đối với các công ty con luôn. Việc này phải sửa ngay; vì bản điều lệ của công ty mẹ không ràng buộc được các công ty con. Mẹ ràng con là qua cách kiểm soát đã nêu ở trên. Thậm chí, có công ty ấn định người đại diện pháp luật của công ty mẹ đồng thời là đại diện luôn ở các công ty con. Đấy là ôm rơm cho rặm bụng vì vai trò của người đại diện pháp lý của công ty chúng ta đã biết. Chính ý nghĩa “mẹ con” mà chúng ta dùng làm chúng ta hiểu sai tính chất pháp lý của công ty mẹ con. Tương tự, nếu một công ty mẹ muốn ấn định thẩm quyền cho các chức danh khác nhau trong hệ thống công ty con của mình thì cũng không thể làm một bản chung cho toàn hệ thống, mà phải tách ra thẩm quyền của những chức danh nhất định cho từng công ty. Ở các công ty đa quốc, họ đem nguyên quyển quy chế hoạt động của công ty mẹ, gọi là “thể thức điều hành tiêu chuẩn” (standard operating procedure) cho các công ty con áp dụng sau khi sửa đổi một một số chỗ để phù hợp với điều kiện địa phương. Họ không làm một bản để áp dụng trên toàn thế giới! Vậy khi nói công ty mẹ con ở ta thì phải hiểu: “mẹ con = mẹ của những đứa con đã... có gia đình”.


Lai lịch mô hình công ty mẹ con

Lấy nước Mỹ làm thí dụ. Những năm từ 1880 trở đi ở đó đã có rất nhiều công ty hoạt động trong những ngành công nghiệp khác nhau. Họ là nguồn cung trong nền kinh tế. Khi số cung nhiều thì giá hàng sẽ giảm và lợi tức sẽ ít đi. Để chống lại mối nguy này, các công ty sản xuất các công đoạn khác nhau của một sản phẩm (dầu khí) kết hợp lại với nhau theo các loại hợp đồng để lập nên một sự phối hợp hành chính hầu giảm phí tổn và mở rộng sản xuất. Đó là sự tập trung theo hàng dọc mà mục đích cuối cùng là dẹp bớt các doanh nghiệp khác. Riêng các công ty khác nhau cùng kinh doanh một mặt hàng (thực phẩm, thuốc lá) họ cũng ký kết hợp đồng nhằm kiểm soát giá cả và lượng hàng bán ra. Đó là sự tập trung theo chiều ngang. Xin hình dung hai loại kết hợp này như những đường thẳng và chúng dính với nhau như những chữ “T” mà sẽ được áp đặt trên nền kinh tế. Tập trung như thế là “hạn chế kinh doanh” và luật pháp của Mỹ bèn đánh vào chúng. Khi bị đánh, các đường thẳng kia, mỗi loại, bèn uốn cong lại thành một hình tròn và trở thành công ty mẹ con. Vậy là sự phát triển sản xuất tạo nên các công ty mẹ con.

Quá trình từ đường thẳng thành đường tròn đã diễn ra như thế này : một người có uy tín trong các công ty thẳng hàng lập ra một công ty mới, hay là chính họ biến đổi đi, họ rủ các công ty khác đứng trong hàng bán cổ phần cho nó; nó thành mẹ; sau đó nó bỏ tiền mua cổ phần của các công ty đã góp vốn vào; thế là có con. Điều diễn ra thực sự là sự chuyển dịch tài sản trên giấy tờ, còn mỗi công ty vẫn hoạt động như cũ nhưng với một tên mới. Công ty mẹ chỉ có tiền bỏ vào các công ty con; không có máy móc gì, chẳng sản xuất chi, nên luật pháp không thể đánh nó được. Thế nhưng nó phối hợp được công việc kinh doanh của các công ty con. Một kỳ tích của sự lách luật! Và công ty mẹ được gọi là “holding company”. Về sau luật lệ cho phép loại công ty này ra đời.

Ngày nay, công ty holding được lập theo hai cách. Một là thành lập ngay từ đầu theo luật, với chức năng là góp vốn vào các công ty khác. Hai là một người đầu tư mua lại một công ty sản xuất đang hoạt động; sau đó sáp nhập nó với một công ty cùng ngành để mở rộng ra. Khi có thừa tiền, thay vì trả cổ tức cho cổ đông thì công ty bỏ tiền vào các công ty hoạt động trong các ngành khác. Tiếp theo nó có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán để có tiền mua vốn của nhiều công ty khác nữa, biến tất cả thành công ty con. Lúc này công ty mẹ vừa sản xuất, vừa bỏ tiền đầu tư. Một ngày nào đó, nó bán phần sản xuất đi và trở thành công ty holding. Đây là trường hợp của Công ty Berhshire Hathaway của ông Warren Buffet ở Mỹ. Giống như Vinamilk đang làm hiện nay.

Khi công ty mẹ góp vốn vào thì có quyền quản trị ở công ty con. Quyền kia nhiều hay ít tùy theo số tiền bỏ vào. Mẹ có thể bỏ theo hai cách: một là trên 51% số vốn của con; hai là khoảng 5-49%. Để phân biệt hai cách bỏ vốn, hoặc nắm quyền này, thì người ta gọi công ty con mà có 51% vốn của mẹ là “subsidiary” còn loại kia là “associate”.

Theo Saigontimes​
 
Đổi mới tư duy và xác lập yếu tố thị trường trong việc chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - con

Thông điệp của chúng tôi muốn chuyển đến Chính phủ trong chủ trương chuyển đổi DNNN, tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con lần này là Chính phủ nên chỉ đạo Ban soạn thảo nghị định tìm cách đoạn tuyệt với cách suy nghĩ nặng về bao cấp, nặng về phòng ngừa rủi ro “chức vụ” được khoác bên ngoài bởi chiếc áo đổi mới trong mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con.
Chỉ có đổi mới tư duy triệt để và xác lập các yếu tố thị trường bao gồm thị trường hàng hoá, thị trường lao động, thị trường vốn và kể cả thị trường ngoại hối trong mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con thì chúng ta mới có thể phát huy sức mạnh không giới hạn của từng thành viên trong tập đoàn để nhanh chóng đưa các tổng công ty chuyển hoá thành các tập đoàn kinh tế mạnh trong quá trình hội nhập.

Những hạn chế của mô hình tổng công ty

Để có cái nhìn toàn cảnh về chủ trương chuyển đổi tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ – công ty con, trước hết chúng tôi tổng kết sơ bộ lý do của việc chuyển đổi lần này và quan niệm về công ty mẹ, công ty con theo cách nhìn của các cơ quan soạn thảo chính sách mà chủ yếu là Bộ kế hoạch và đầu tư. Phần tiếp theo chúng tôi sẽ đưa ra những nhận định và giải pháp cho vấn đề chuyển đổi DNNN theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Trước hết trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ kế hoạch và đầu tư đã có tổng kết như sau:

Qua 8 năm thực hiện theo mô hình tổng công ty 90 và 91, mặc dù đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế đất nước, chi phối được các ngành, lĩnh vực then chốt nhưng kết quả hoạt động của các tổng công ty chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được Nhà nước đầu tư. Mô hình tổng công ty còn có những hạn chế sau đây:


Một là, cách thức thành lập tổng công ty hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào mối quan hệ ngang theo kiểu hành chính, ghép nối, gom đầu mối mà chưa dựa vào sự tự chủ đầu tư lẫn nhau, chi phối lẫn nhau.

Hai là, quan hệ về vốn, tài sản, công nghệ giữa tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên chưa thật chặt chẽ, không gắn bó. Trong đó, hạn chế chủ yếu là giữa tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên chưa phân định rõ về tài sản, vốn, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, chưa bảo đảm quyền pháp nhân tổng công ty và pháp nhân doanh nghiệp thành viên, vai trò hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp thành viên cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, phần lớn các tổng công ty chưa phải là một thực thể kinh tế thống nhất để phát huy sức mạnh của toàn tổng công ty.

Ba là, trong nội bộ cơ quan quản lý và điều hành tổng công ty còn nhiều vấn đề chưa hợp lý, cản trở quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Bốn là, cơ cấu thành viên và quan niệm về thành viên tổng công ty không còn phù hợp với thực tế đã thay đổi. Hiện nay giữa các doanh nghiệp đã có sự đan xen, đầu tư nắm giữ cổ phần, chi phối lẫn nhau không chỉ bằng vốn, tài chính mà bằng cả bí quyết công nghệ, thị trường… Trong khi đó, cơ cấu thành viên tổng công ty hiện nay chỉ gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tổng công ty càng tiến hành cổ phần hóa thì số lượng doanh nghiệp thành viên càng giảm đi.

Năm là, các cơ chế, chính sách đối với tổng công ty, DNNN như về tích lũy vốn, tái đầu tư, chế độ khấu hao, quyền quyết định đầu tư, thu hồi vốn v.v… chưa tạo điều kiện để tổng công ty, các doanh nghiệp phát triển thành các tập đoàn kinh tế mạnh.​


Quan điểm về công ty mẹ - công ty con

Quan điểm về công ty mẹ và công ty con lần này cho rằng công ty mẹ là doanh nghiệp được tổ chức và đăng ký theo pháp luật Việt Nam, nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ của công ty khác hoặc nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối, vốn góp chi phối của công ty khác, có quyền chi phối đối với công ty đó. Trong đó:

Cổ phần chi phối là cổ phần chiếm trên 50% vốn điều lệ hoặc ở mức mà theo quy định pháp luật và điều lệ của công ty đủ để chi phối các quyết định quan trọng của công ty đó.

Quyền chi phối là quyền quyết định đối với nhân sự chủ chốt, tổ chức quản lý, thị trường và các quyết định quản lý quan trọng của công ty khác hoặc sử dụng quyền biểu quyết của mình với tư cách là một cổ đông, bên góp vốn, sử dụng bí quyết công nghệ tác động đến việc thông qua hoặc không thông qua các quyết định quan trọng của công ty mà mình có vốn cổ phần, vốn góp.

Công ty mẹ có tư cách pháp nhân, có tài sản, tên gọi, bộ máy quản lý riêng và có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam. Công ty mẹ sử dụng tài sản của mình để đầu tư, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết hình thành các công ty con, công ty liên kết.

Công ty con là công ty do một công ty khác sở hữu toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ và bị công ty đó chi phối.

Một công ty mẹ có thể có các loại công ty con sau đây: Công ty cổ phần do công ty mẹ nắm giữ cổ phần chi phối, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên do công ty mẹ giữ tỷ lệ vốn góp chi phối, công ty liên doanh với nước ngoài do công ty mẹ giữ tỷ lệ vốn góp chi phối, công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ là chủ sở hữu, công ty con nhà nước (do công ty mẹ nhà nước giữ 100% vốn điều lệ).

Chưa xác lập được yếu tố thị trường

Trước hết chúng tôi đưa ra những nhận định của mình về tổng kết của các cơ quan chức năng trong việc nhìn nhận những hạn chế của mô hình tổng công ty hiện nay. Những nhận định như trên về cơ bản là chính xác nhưng dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự nhìn nhận mối quan hệ giữa tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên theo các mối quan hệ của kinh tế thị trường. Điều chúng tôi muốn nói đến ở đây là các cơ quan chức năng hình như vẫn chưa xác lập được một mô hình mẫu trong các mối quan hệ này. Không chịu nhìn nhận hay chưa thực sự dũng cảm trong việc chỉ ra yếu tố cơ bản nhất mang tính chất chi phối đến sự thành công trong mối quan hệ giữa tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên, thì có lẽ cho dù có ban hành bao nhiêu nghị định đi chăng nữa về đổi mới DNNN, chuyển đổi tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ - công ty con chúng ta cũng vẫn không đạt được mục tiêu.

Yếu tố thị trường quan trọng nhất trong mối quan hệ theo mô hình công ty mẹ – công ty con thực ra rất đơn giản: đó là mối quan hệ về vốn và kèm theo đó là sự tự do hoàn toàn trong mối quan hệ chồng chéo, qua lại giữa mẹ và con, giữa mẹ con và bên ngoài; giữa mẹ con trong nước đối với các định chế tài chính nước ngoài. Tất cả các mối quan hệ này đương nhiên không thể bị can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính hoặc bởi những hạn chế vì những lý lẽ không rõ ràng và chưa được thực tế kiểm định. Khi xuất hiện các mệnh lệnh hành chính hoặc các hạn chế trong các mối quan hệ này thì mô hình công ty mẹ – công ty con chắc chắn sẽ thất bại. Chẳng hạn như hiện nay các cơ quan chức năng vẫn còn đang tranh luận về quyền đầu tư trở lại của công ty con đối với công ty mẹ. Có 2 loại ý kiến về vấn đề này:


- Công ty con có thể đầu tư vào các công ty khác, nhưng không cho phép công ty con đầu tư ngược vào công ty mẹ vì có thể gây ra tình trạng đầu tư “ảo”, vòng vo, khó kiểm soát.

- Không hạn chế việc đầu tư trở lại của công ty con đối với công ty mẹ, hoặc hạn chế ở mức % nào đó so với vốn điều lệ của công ty con.​


Thậm chí các chuyên gia hoạch định chính sách và soạn thảo quy chế tổng công ty theo mô hình công ty mẹ – con còn dẫn chứng các Chaebol Hàn Quốc do đầu tư chồng chéo lẫn nhau đã dẫn đến khủng hoảng tài chính. Dựa vào đó các chuyên gia đề nghị chưa nên cho phép các công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ. Những ai có hiểu biết về nguyên nhân cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và kéo theo đó là cuộc khủng hoảng các Chaebol Hàn Quốc cũng cùng trong năm ấy là do các nguyên nhân thuộc về quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ và căn bệnh lây lan của cơn bão tài chính chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác chứ không phải là do quan hệ chồng chéo giữa mẹ và con.

Yếu tố phi thị trường trong công ty mẹ – con theo dự thảo của Ban soạn thảo nghị định về chuyển đổi tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ – con còn thể hiện ở rất nhiều quy định mang tính chất hành chính khác, sau đây là một số minh họa:


- Công ty mẹ có quyền quyết định nội dung, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty con.

- Công ty mẹ có quyền quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của công ty; quyết định việc cổ phần hóa, chuyển nhượng và tỷ lệ % chuyển nhượng vốn điều lệ của công ty con nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác.

- Công ty mẹ có quyền sử dụng vốn và các quỹ của công ty con cho hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hoàn trả.​



Chúng ta có thể thấy có quá nhiều yếu tố phi thị trường trong các mối quan hệ trên bằng các mệnh lệnh không rõ ràng, rất dễ gây nhầm lẫn và làm hại đến quyền lợi của các công ty con thông qua các cụm từ như : “công ty mẹ có quyền quyết định nội dung, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty con”; “có quyền sử dụng vốn của các công ty con và sau đó là hoàn trả”… Quá trình can thiệp bằng cách sử dụng vốn của các công ty con và sau đó hoàn trả lại hầu như không có một quốc gia nào trên thế giới áp dụng. Cũng như làm gì có việc công ty mẹ có quyền quyết định sửa đổi bổ sung điều lệ công ty con. Nếu thế còn ai dám đầu tư vào công ty con nữa. Có lẽ chính vì suy nghĩ như thế cho nên quan điểm của các cơ quan chức năng trong việc soạn thảo nghị định về công ty mẹ – con lần này có diễn giải công ty mẹ phải có cổ phần chi phối chiếm trên 50% vốn điều lệ công ty con trở lên, con số này khó có một quốc gia nào trên thế giới có được.

Còn tiếp Đổi mới tư duy và xác lập yếu tố thị trường trong việc chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - con
 
Tiếp theo bài:

Đổi mới tư duy và xác lập yếu tố thị trường trong việc chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - con

Thậm chí trong điều lệ hoạt động của một tổng công ty tại TP.HCM còn quy định tổng công ty có quyền huy động và điều hòa ngoại tệ giữa các đơn vị thành viên nhằm sử dụng vốn có hiệu quả nhất trong toàn công ty. Quy định này trên thực tế đã tước bỏ toàn bộ quyền hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp thành viên. Các trạng thái ngoại hối của các đơn vị thành viên có thể bị mất cân đối bất kỳ lúc nào nếu công ty mẹ sử dụng quyền này. Điều này dẫn đến những hậu quả do rủi ro tỷ giá mang lại, ảnh hưởng đến nợ nần, quan hệ thanh toán quốc tế của các doanh nghiệp thành viên.

Chúng tôi cho rằng yếu tố mang tính quyết định để dẫn đến sự thành công trong việc chuyển đổi tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ – công ty con lần này là Chính phủ phải chỉ đạo cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ban soạn thảo chính sách, phải thực sự đổi mới tư duy và xóa đi hoàn toàn những suy nghĩ mang tính bao cấp trong quan hệ công ty mẹ – công ty con và xác lập các yếu tố thị trường trong các mối quan hệ này. Chính phủ nên xem đây là nguyên tắc hàng đầu trong việc chuyển đổi tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Yếu tố tỷ trọng vốn đầu tư và những quy tắc pháp lý thể hiện trong các bộ luật về huy động vốn thông qua các phương thức phát hành chứng khoán hoặc vay ngân hàng phải là những căn cứ quan trọng nhất để xây dựng mô hình công ty mẹ – công ty con. Điều này có nghĩa là mẹ và con có thể huy động vốn bằng bất kỳ phương thức nào trên thị trường tài chính. Tổ chức quản lý công ty mẹ – công ty con, do đó, cũng linh hoạt thay đổi tùy theo tỷ trọng vốn đầu tư và các phương thức huy động vốn.

Ở các nền kinh tế phát triển, tất cả các mối quan hệ trên đều có thể diễn ra dưới bất kỳ mô thức nào miễn là tối đa hóa giá trị của toàn tập đoàn. Chẳng hạn các bạn có thể hình dung trong những trường hợp cần thiết các công ty con thuộc tổng công ty cà phê vẫn có thể quyết định phát hành cổ phiếu ưu đãi có cổ tức thay đổi tùy theo giá cà phê trên thị trường mà công ty mẹ vẫn không có cơ sở pháp lý để cấm đoán. Mặc dù trong thực tế vẫn chưa xảy ra điều mà chúng tôi tưởng tượng về việc chia cổ tức theo giá cà phê nhưng nếu như nó xảy ra và công ty con chứng minh được rằng chính sách cổ tức này sẽ làm tăng giá trị tập đoàn thì chiến lược này vẫn hoàn toàn hợp lệ và hợp pháp bởi lẽ các công ty con đã làm những điều mà luật pháp không cấm.

Bình mới rượu cũ?

Bây giờ chúng tôi xin đề cập đến mục đích của dự thảo nghị định của Bộ kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ về công ty mẹ – công ty con lần này. Dự thảo nghị định có ghi rằng “Mục đích chuyển đổi, tổ chức các tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ – công ty con nhằm: khắc phục những nhược điểm, hạn chế của mô hình tổng công ty hiện nay, tách bạch rõ pháp nhân tổng công ty và các pháp nhân mà tổng công ty đầu tư vốn vào; phân định rõ quyền, lợi ích, trách nhiệm của tổng công ty đối với các công ty con; tạo điều kiện để các tổng công ty quy mô lớn dần phát triển thành các tập đoàn kinh tế. Mục đích xây dựng nghị định là tạo cơ sở pháp lý để tiến hành thí điểm chuyển một số tổng công ty, DNNN theo mô hình công ty mẹ – công ty con, nhằm rút kinh nghiệm để nhân rộng theo chủ trương Nghị quyết Trung ương ba (khoá IX)”. Nghiên cứu kỹ mục đích của nghị định, chúng ta thấy rằng mục đích chủ yếu chỉ là nhằm khắc phục những nhược điểm của mô hình tổng công ty hiện tại. Nghĩa là chủ trương cải cách DNNN theo mô hình công ty mẹ – công ty con lần này chủ yếu cũng “quanh đi quẩn lại” nhằm khắc phục những thiếu sót hiện có, chưa dám nghĩ đến chiến lược dài hạn tương lai, mặc dù ý đồ của Ban soạn thảo là muốn các tổng công ty từng bước lớn dần và phát triển thành những tập đoàn kinh tế. Cơ sở cho những nhận định trên của chúng tôi là Chính phủ vẫn chưa dám nhìn nhận sự thật về mối quan hệ về việc xác lập các yếu tố thị trường, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường tiền tệ giữa công ty mẹ và các công ty con. Trong phần diễn giải của dự thảo nghị định và điều lệ tổ chức hoạt động của một số tổng công ty tại TP.HCM dường như lại càng khẳng định thêm cho nhận định trên. Hầu hết các phần của nghị định và trong hoạt động chỉ đề cập đến quyền lợi và nghĩa vụ của công ty mẹ một cách chi ly không cần thiết, chẳng hạn như các vấn đề về lập quỹ khấu hao, quỹ dự phòng, phân phối lợi nhuận, bảo toàn vốn v.v. Nếu chúng ta để cho các yếu tố thị trường xác lập các mối quan hệ này thì nghị định của Chính phủ chỉ nên nêu những nguyên tắc chung, còn những vấn đề mang tính nghệ thuật trong quản lý tài chính kế toán, tiếp thị v.v lại là các nhiệm vụ của các giám đốc, và thể hiện trong điều lệ cụ thể của từng tổng công ty, từng công ty mẹ với từng công ty con. Khi xem điều lệ hoạt động của một tổng công ty tại TP.HCM, chúng tôi thực sự bất ngờ khi chúng gần như giống hoàn toàn đến từng câu chữ trong nghị định dự thảo của Chính phủ, phải chăng nghị định của Chính phủ cũng chính là điều lệ của công ty mẹ công ty con? Trong khi đó phần diễn đạt dành cho công ty con lại quá ít, hình như chúng ta lại sợ mất đi tính định hướng xã hội chủ nghĩa khi xác lập yếu tố thị trường trong quan hệ công ty mẹ – công ty con. Một khi ngay từ đầu chúng ta đã có ý e ngại và do đó dành cho mẹ quá nhiều phần của miếng bánh, thì liệu bản chất của việc chuyển đổi DNNN sang công ty mẹ – công ty con có khác gì so với mô hình tổng công ty hiện tại hay không? Hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?


Còn tiếp Đổi mới tư duy và xác lập yếu tố thị trường trong việc chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - con
 
Tiếp theo bài:

Đổi mới tư duy và xác lập yếu tố thị trường trong việc chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - con

Mô hình quản lý phân tán hoặc tập trung

Chúng tôi cho rằng trong chủ trương chuyển đổi DNNN sang mô hình công ty mẹ – công ty con lần này, Chính phủ nên mạnh dạn xác lập yếu tố thị trường trong quan hệ công ty mẹ – công ty con. Các yếu tố thị trường có thể diễn ra theo mô hình quản lý phân tán (hình 1) hoặc theo mô hình quản lý tập trung (hình 2).

Trong mô hình quản lý phân tán, công ty con toàn quyền chủ động trong toàn bộ các giao dịch kể cả các giao dịch tài chính đối với công ty mẹ, đối với bên ngoài và đương nhiên là trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Công ty con có thể huy động vốn từ công ty mẹ hoặc từ thị trường tài chính tùy thuộc vào “khẩu vị” đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro. Nếu công ty con đang phải đối phó với những rủi ro kinh doanh thấp, thì công ty con có thể vay nợ từ thị trường tài chính. Ngược lại nếu công ty con đang gặp phải rủi ro kinh doanh cao thì có thể vay vốn từ công ty mẹ, nếu mẹ không sẵn lòng, công ty con có thể huy động vốn cổ phần từ thị trường vốn.

anhso-14206_hinh_001.jpg

Trong mô hình quản lý tập trung, các công ty con tập trung toàn bộ dòng tiền về công ty mẹ, sau đó mẹ sẽ thay mặt cho các con sử dụng có hiệu quả nhất toàn bộ dòng tiền này, bao gồm cả đầu tư ngắn hạn lẫn đầu tư dài hạn.

anhso-14209_hinh_002.jpg

Tất nhiên không có sự bắt buộc hoặc cứng nhắc trong việc lựa chọn các mô hình này. Các công ty mẹ và công ty con tùy theo tỷ trọng vốn góp, tùy theo đặc điểm kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ mà linh hoạt chuyển hóa giữa các mô hình này với nhau với mục tiêu là tối đa hóa giá trị của toàn tập đoàn. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tất cả các bộ phận quản lý ở công ty mẹ và con phải có trình độ rất cao, và như chúng tôi đã đề cập chỉ có xác lập yếu tố thị trường trong quan hệ lao động, tuyển dụng chứ không phải cơ chế chỉ định chức vụ tổng giám đốc và hội đồng quản trị như hiện nay mới có thể làm thay đổi về chất trong tổ chức quản lý cho các tổng công ty theo mô hình công ty mẹ – công ty con trong quá trình hội nhập.

(Theo TCKTPT)​

Kết thúc bài:Đổi mới tư duy và xác lập yếu tố thị trường trong việc chuyển đổi theo mô hình công ty mẹ - con
 
Dear các anh chị

Em xin hỏi : hạch toán kế toán ở công ty liên kết có khác gì hình thức công ty mẹ - con không? Muốn làm báo cáo tài chính hợp nhất loại hình công ty liên kết thì làm như thế nào ạ? Có khoản mục nào trên các báo cáo tài chính hình thức liên kết khác với hình thức công ty mẹ - con?

Em cảm ơn các anh chị nhiều!
nhungvo
 
Dear các anh chị

Em xin hỏi : hạch toán kế toán ở công ty liên kết có khác gì hình thức công ty mẹ - con không? Muốn làm báo cáo tài chính hợp nhất loại hình công ty liên kết thì làm như thế nào ạ? Có khoản mục nào trên các báo cáo tài chính hình thức liên kết khác với hình thức công ty mẹ - con?

Em cảm ơn các anh chị nhiều!
nhungvo

Xin lỗi, đêm qua nói chuyện với bạn mà nghe không rõ. Vui lòng liên hệ qua email: leminhtri1956@yahoo.com
Không thể post/upload lên được, bỏ công sức post/upload lên, toàn vô download chả gởi được 1 lời cám ơn. Bệnh sỉ quá cao.

Trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư phải trình bày: (Đoạn 21 - chuẩn mực số 7)
(a) Danh sách các công ty liên kết kèm theo các thông tin về phần sở hữu và tỷ lệ(%) quyền biểu quyết, nếu tỷ lệ này khác với phần sở hữu; và
(b) Các phương pháp được sử dụng để kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết
 
Web KT
Back
Top Bottom