Giới trẻ Việt Nam nhìn về tương lai

Liên hệ QC

PhanTuHuong

VBA & VB.NET for Excel & AutoCad
Thành viên danh dự
Tham gia
13/6/06
Bài viết
7,121
Được thích
24,279
Chiến tranh đã thành quá khứ, Việt Nam đang đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Phóng viên BBC Kate McGeown có bài viết về thế hệ trẻ Việt Nam - những người đang nhìn về phía trước.

30 tuổi, Alan Dương làm chủ một hệ thống cửa hàng ở trung tâm Hà Nội chuyên doanh quần áo và phụ kiện. Là một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, cô nói trôi chảy tiếng Anh, từng đi thăm thú hầu hết các hội chợ thương mại khắp thế giới và là một ví dụ cho thế hệ trẻ Việt Nam - một thế hệ mới - một doanh nhân thành công.

Cũng như 60% trong số 83 triệu người Việt Nam, Alan sinh ra sau thời chiến tranh. Với mắt nhìn đầy hy vọng, cô nói: "Việt Nam có một tương lai thực sự rực rỡ. Đây thực sự là nơi lý tưởng để kinh doanh, nơi hấp dẫn để sống và nơi thú vị cho công việc''.

Sự thay đổi về cảm giác được minh chứng rõ ràng hơn bằng những con số. Tăng trưởng kinh tế đạt gần 8% một năm trong vòng năm năm qua, mức tăng chỉ đứng sau Trung Quốc ở châu Á.

Năm 1993, 58% dân cư sống ở mức nghèo khổ (theo mức chuẩn của quốc tế), nhưng con số này đã giảm xuống dưới 20% trong năm 2004. "Đây là một đất nước hoàn toàn khác biệt so với hồi tôi từng ở giữa thập niên 90'', chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới Carrie Turk nhận xét.

Lần đầu tiên tới Hà Nội, Turk đã phải tới Bangkok để tìm kiếm các vật dụng gồm cả đồ dùng thiết yếu. Bây giờ, Hà Nội là nơi của những cửa hàng bán đồ xa xỉ, những quán cà phê wi-fi và các nhà hàng, khách sạn tầm cỡ thế giới. "Đây là sự phát triển phi thường theo chuẩn toàn cầu - và hiếm có thể tìm thấy một ai đó ở Việt Nam nói rằng, hiện tại họ cảm thấy không tốt hơn so với 10 năm trước đây''.

Những người nghèo ở Việt Nam, ví dụ như Nguyễn Thị Hà, sống với chồng trong ngôi làng cách Hà Nội 30 km. Cách vài tuần, cô vào trung tâm thành phố, bán đu đủ và chuối cô trồng trong vườn, và kiếm được khoảng 400.000 đồng cho mỗi chuyến đi. "Tôi cảm thấy rất hy vọng về tương lai'', cô nói. "Tôi vẫn sống khá vất vả, nhưng còn tốt hơn nhiều so với trước đây. Giờ đây, tôi đã có một tivi, tiếp theo, tôi sẽ cố gắng có điện thoại''.

Chuyển đổi

Việt Nam gần đây đã đứng ra tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Hà Nội, và đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, hai sự kiện này một lần nữa ''thắp sáng'' cho tốc độ phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện sự chuyển mình từ 20 năm trước, và cuối cùng, giờ đây, đã có thành tựu đáng kể như vậy. Nguyễn Vĩnh Triển, 33 tuổi, kiến trúc sư, đã chứng kiến sự đổi thay ấy từng giờ.

Cách đây vài thập niên, tất cả mọi thứ đều do nhà nước quản lý và sở hữu. Thậm chí, khi Triển bắt đầu có việc làm vào giữa năm 90, phần lớn là trong doanh nghiệp nhà nước vì rất ít cơ hội cho phát triển doanh nghiệp tư nhân. "Giờ đây, thị trường tư nhân mới thực sự có tác động mạnh, anh nói về một số khách sạn, nhà máy, khu công nghiệp mà anh đã góp phần xây dựng hay thiết kế.

Việt Nam không chỉ thay đổi về bộ mặt kinh tế. Xã hội cũng đang thay đổi, những quan điểm thủ cựu truyền thống đã mai một. Các đây 20-30 năm, ngành kinh doanh thời trang của Alan Duong sẽ không thể thực hiện nổi. "Trở thành một người mẫu trong mắt rất nhiều người bấy giờ là công việc không tốt, giống như mình đi bán thân thể mình vậy'', cô nhớ lại.

Khát khao, hoài bão cũng thay đổi. "Tới gần đây, các vị phụ huynh vẫn muốn con mình làm việc cho công ty nhà nước, nhưng thế hệ trẻ bây giờ thích lao vào môi trường kinh doanh quốc tế năng động hơn'', Nguyễn Vĩnh Triển nhận xét.

Vấn đề phát sinh

Với lớp người nghèo, sự thay đổi về kinh tế cũng đồng nghĩa với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và số lượng lớn người di cư từ nông thôn vào các thành phố.

Phạm Thị Diệp đã rời nhà của mình ở tỉnh Hà Nam để lên thủ đô bán bánh mỳ. Cô nói rất nhớ các con mình nhưng đồng thời quả quyết rằng: ''Ít nhất giờ đây, tôi có thể gửi tiền về cho các con đi học''.

Kinh tế ngày càng phát triển thì phân cấp giàu nghèo trong xã hội cũng tăng thêm. Mặc dù có những vấn đề này, song phần lớn người dân Việt Nam đều rất lạc quan về tương lai. "Giấc mơ của thế hệ trẻ trong quá khứ là hài lòng với ông chủ của mình - đó là giấc mơ của người phục vụ'', Vĩnh Triển nói. "Và bây giờ, mọi người muốn nói tốt tiếng Anh, tiếng Pháp, kiếm được nhiều tiền, sống một cuộc sống đẳng cấp quốc tế''.

Kỳ Thư (gt)
 
Việt Nam đứng thứ 3 về triển vọng đầu tư

(VietNamNet) - Đánh giá của các công ty Nhật Bản trong báo cáo điều tra mới nhất của JBIC về triển vọng đầu tư tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 về mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Vị trí này của Việt Nam đã tăng 1 bậc so với năm ngoái và Việt Nam đã vượt lên thế chỗ của Thái Lan trong bảng kết quả điều tra này.

Canon đã có 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn này chọn Việt Nam làm điểm sản xuất cho cả khu vực.

Các yếu tố được đánh giá cao khiến sức hấp dẫn của Việt Nam tăng lên là nhân công rẻ, tiềm năng thị trường và khả năng phân tán rủi ro. Qua điều tra cho thấy, yếu tố nhân công rẻ vẫn là yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng tỷ lệ đã giảm đi. Trong khi đó tiềm năng tăng trưởng của thị trường lại đang tăng lên và khả năng phân tán rủi ro, mà cụ thể ở đây là việc giảm tập trung rủi ro vào Trung Quốc vẫn là một trong những lý do chính.

Tuy nhiên, qua điều tra, các công ty Nhật Bản đã nói đến những tồn tại lớn nhất của Việt Nam là cơ sở hạ tầng kém phát triển, thể chế pháp luật vận hành chưa rõ ràng và hệ thống pháp luật kém phát triển. Trong đó cơ sở hạ tầng với hai vấn đề chính là: thiếu điện năng và đường sá yếu kém được các nhà đầu tư nhấn mạnh.

Điều tra này đã lý giải một phần làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Theo số liệu thống kê, năm 2005 đã có tới 922 triệu USD đầu tư vào Việt Nam. Đến hết tháng 10/2006 đã có 190 dự án với trị giá 844 triệu USD của Nhật đầu tư vào Việt Nam và con số này sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm. Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Đánh giá của các chuyên gia JBIC, đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngoài sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang được nâng lên. Trong hợp tác về đầu tư, hai nước đã hoàn thành giai đoạn 1 của sáng kiến chung Việt - Nhật một cách thành công. Giai đoạn hai của sáng kiến này đang được hai bên triển khai một cách tích cực nhằm hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ hơn.

Mới đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhật và Thủ tướng Abe sang Việt Nam, hai bên tiếp tục đạt được những thỏa thuận quan trọng về đẩy mạnh quan hệ đầu tư và thương mại. Trong đó có việc tiếp tục thực hiện sáng kiến chung Việt - Nhật và nhanh chóng triển khai việc đàm phán Hiệp định Kinh tế song phương Việt - Nhật trong năm 2007 tới.

Phước Hà
 
Web KT
Back
Top Bottom