Cơ quan nào có quyền quyết định việc trích nộp 2% kinh phí công đoàn trên quỹ lương?

Liên hệ QC

Người Đưa Tin

Hạt cát sông Hằng
Thành viên danh dự
Tham gia
12/12/06
Bài viết
3,661
Được thích
18,158
Xung quanh các đề tài tại webketoan, mình thấy cũng bức xức việc qui định tỉ lệ trích nộp kinh phí công đoàn. Xin trích lại bài này tại nguồn: http://www.nguoidaibieu.vn/pPrint.aspx?itemid=71559

Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc trích nộp và sử dụng khoản trích nộp kinh phí 2% quỹ tiền lương của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đề nghị trường hợp tiếp tục duy trì khoản trích nộp này thì cần được luật hóa vào Luật công đoàn dự kiến được sửa đổi trong thời gian tới.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Ngân sách Nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, do đó việc bảo đảm kinh phí hoạt động của hệ thống công đoàn thuộc trách nhiệm của NSNN. Cụ thể hóa nguyên tắc nói trên, Điều 31 của Luật NSNN xác định nhiệm vụ chi của NSTU bao gồm chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Điều 33 của Luật NSNN xác định nhiệm vụ chi của NSĐP bao gồm chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Theo các quy định trên thì việc chi cho các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của NSTU và NSĐP. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 119 ngày 8.12.2004 của Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì cơ quan hành chính sự nghiệp và các DN phải thực hiện trích nộp khoản kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, tiền công. Như vậy, vấn đề đặt ra là việc trích nộp 2% quỹ tiền lương, tiền công để chi cho các tổ chức công đoàn hoạt động có phù hợp với Luật NSNN không? Tại sao các tổ chức chính trị - xã hội khác được NSNN bảo đảm kinh phí hoạt động lại không có khoản trích nộp tương tự để phục vụ cho hoạt động của mình? Tại sao trong các báo cáo thu, chi NSNN hàng năm không thể hiện việc trích từ quỹ lương trong khu vực hành chính sự nghiệp để chuyển nộp cho Liên đoàn lao động? Khoản trích nộp 2% quỹ tiền lương, tiền công của cơ quan, đơn vị, tổ chức là một khoản thu có bản chất như một loại thuế của Nhà nước thì việc quyết định khoản thu này thuộc thẩm quyền của cơ quan nào? …
Để trả lời những câu hỏi trên, theo chúng tôi cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của nguồn thu kinh phí công đoàn. Theo Luật Công đoàn (năm 1957) thì Quỹ công đoàn gồm các khoản sau: tiền nguyệt liễm của đoàn viên công đoàn (công đoàn phí); Tiền thu nhập về những hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao do công đoàn tổ chức; Tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho công đoàn bằng một tỷ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân, viên chức. Nghị định số 188 ngày 9.4.1958 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn (năm 1957) đã quy định một tỷ lệ nhất định gọi là kinh phí công đoàn bằng 2% tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế. Luật Công đoàn (năm 1990) thay thế Luật Công đoàn (năm 1957) đã quy định các nguồn thu vào quỹ công đoàn:
Tiền do đoàn viên công đoàn đóng góp; Thu được từ hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, kinh doanh của công đoàn; Do các tổ chức quốc tế, các công đoàn nước ngoài ủng hộ; Kinh phí do NSNN cấp; Tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn theo quy định của Hội đồng Bộ trưởng.
Nghị định số 133 ngày 20.4.1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn (năm 1990) không quy định tỷ lệ trích nộp từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức chuyển vào quỹ công đoàn, mà tiếp tục giao thẩm quyền này cho Bộ Tài chính cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định cụ thể. Ngày 29.5.1991, Liên Bộ Tài chính – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành Thông tư số 32 về việc trích nộp kinh phí công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quản lý và ngày 12.11.1991 các cơ quan này ban hành Thông tư liên tịch số 15 hướng dẫn bổ sung Thông tư số 32, theo đó đối với khu vực sản xuất – kinh doanh căn cứ trích nộp kinh phí công đoàn 2% là tổng quỹ tiền lương thực tế trả cho công nhân, viên chức; Đối với khu vực hành chính sự nghiệp kinh phí công đoàn 2% là tổng quỹ tiền lương thực trả.
Để hướng dẫn việc trích nộp kinh phí công đoàn, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động còn tiếp tục ban hành: Thông tư liên bộ số 86 ngày 4.11.1993 hướng dẫn tạm thời phương thức thu, nộp quỹ bảo hiểm xã hội (5%) và kinh phí công đoàn (2%); Thông tư liên tịch số 76 ngày 16.6.1999 hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn; Thông tư liên tịch số 126 ngày 19.12.2003 sửa đổi Thông tư liên tịch số 76 ngày 16.6.1999 hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn; Thông tư liên tịch số 74 ngày 1.8.2003 hướng dẫn phương thức thu, nộp kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và văn bản gần đây nhất về vấn đề này là Thông tư liên tịch số 119 ngày 8.12.2004 hướng dẫn trích nộp kinh phí công đoàn.
Về cơ bản, các thông tư liên tịch nói trên vẫn giữ nguyên tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ tiền lương của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhưng có thay đổi phương thức trích nộp cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay phương thức trích, nộp được thực hiện như sau: đối với cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc NSTU thì kinh phí công đoàn được chuyển về tài khoản tiền gửi của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc NSĐP thì kinh phí công đoàn được chuyển về tài khoản của Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố; Đối với các đơn vị, tổ chức không hưởng lương từ NSNN và các DN nơi có tổ chức công đoàn hoạt động thì thủ trưởng đơn vị, tổ chức, giám đốc DN có trách nhiệm trích, nộp đủ kinh phí công đoàn mỗi quý một lần vào tháng đầu quý cho cơ quan công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Như vậy, theo Luật Công đoàn (năm 1990) các nguồn thu vào quỹ hoạt động công đoàn gồm có: tiền do đoàn viên công đoàn đóng góp theo Điều lệ công đoàn (1% lương); Tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của công đoàn; Kinh phí do NSNN cấp và tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức (2% quỹ tiền lương). Trong các khoản thu nói trên thì khoản thu 1% lương do người lao động tự đóng góp, còn khoản thu 2% của tổng quỹ lương do người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng góp. Quỹ hoạt động công đoàn được quy định trong Luật Công đoàn (năm 1990) ngoài những khoản thu tương tự như Luật Công đoàn (năm 1957), có bổ sung khoản kinh phí do NSNN cấp.
Như vậy, vấn đề đặt ra là Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có thẩm quyền quy định cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trích nộp kinh phí công đoàn (bằng 2% của tổng quỹ tiền lương)? Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không có thẩm quyền này, vì Luật Công đoàn (năm 1990) giao cho Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, căn cứ pháp lý để Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt nam quy định tỷ lệ trích nộp kinh phí công đoàn là Nghị định số 133 của Hội đồng Bộ trưởng. Về vấn đề này chúng tôi nhận thấy, khoản trích nộp 2% quỹ tiền lương, tiền công là một khoản thu mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong cả nước có nghĩa vụ phải đóng góp, do đó về bản chất là một loại thuế của Nhà nước, nhưng do đặc thù của khoản thu nên có cách gọi khác đi. Theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có QH mới có quyền quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế, ngoài ra không một cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền này, các tổ chức xã hội thì lại càng không thể. Vì vậy có thể khẳng định việc quy định khoản thu trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức là thuộc thẩm quyền của QH. Trong Luật Công đoàn (năm 1990) QH đã uỷ quyền cho Hội đồng Bộ trưởng thẩm quyền quy định việc trích nộp tiền từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức vào quỹ công đoàn mà không giao cho Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Vấn đề đáng lưu ý là Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn thi hành về khoản trích nộp kinh phí công đoàn liệu có phù hợp với quy định của Luật Công đoàn không ? Bởi, theo Luật Công đoàn (năm 1990) ngoài khoản thu mới là kinh phí do NSNN cấp, nguồn thu vào quỹ công đoàn còn có tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức, vậy quỹ này là quỹ nào? Quỹ công Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn (năm 1957) không có sự trợ giúp từ NSNN, cho nên tiền trích từ quỹ cơ quan, đơn vị, tổ chức được xác định rõ ngay trong luật là quỹ tiền lương; còn Luật Công đoàn (năm 1990) không xác định rõ là loại quỹ nào, trong khi đó cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhiều loại quỹ để chi trả cho các hoạt động khác nhau như quỹ tiền lương, quỹ BHXH, quỹ BHYT, quỹ khen thưởng, quỹ trợ cấp khó khăn … Phải chăng đó là một loại quỹ hỗ trợ hoạt động cho các đoàn thể? Việc liên ngành xác định khoản trích nộp từ quỹ tiền lương là đơn thuần dựa trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 188 ngày 9.4.1958 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn (năm 1957).
Điểm đáng lưu ý nữa là sự không thống nhất trong việc thu kinh phí công đoàn. Thu phí công đoàn được thực hiện liên tục từ khi có Luật Công đoàn (năm 1957) đến nay, nhưng ngày 26.3.1999 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg, theo đó Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không áp dụng chế độ trích nộp kinh phí công đoàn từ lương. Đây là một biện pháp cần thiết để giải quyết tình thế, nhưng về mặt pháp lý quy định này không phù hợp với Luật Công đoàn vì Thủ tướng Chính phủ không thể cho dừng thi hành một quy định của luật. Ngày 1.10.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133/2008/QĐ-TTg, Quy định việc trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, DN trong nước phải trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương, còn DN có vốn đầu tư nước ngoài trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ lương. Vô hình trung, Quyết định số 133 tạo ra sự không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các DN.
Việc tiếp tục thu kinh phí công đoàn là cần thiết, tuy nhiên phải xác định kinh phí công đoàn là một nguồn thu của NSNN, nhưng khoản thu này được giao cho tổ chức công đoàn để chi trả cho các hoạt động của mình, trong trường hợp các nguồn thu của Quỹ công đoàn không đảm bảo thì NSNN mới hỗ trợ. Để bảo đảm sự thống nhất trong việc trích nộp kinh phí công đoàn từ quỹ lương (kể cả tỷ lệ trích nộp) thì vấn đề này phải được quy định ngay trong luật mà cụ thể là Luật NSNN, Luật Công đoàn đang được dự kiến sửa đổi trong thời gian tới.

Tham khảo thêm: Cần quy định rõ nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn

Thông tư số 17/2009/TT-BTC-22/01/2009 của Bộ Tài Chính Hướng dẫn việc trích nộp Kinh phí công đoàn đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong Hợp Đồng Hợp Tác Kinh Doanh tại đây
 
Web KT
Back
Top Bottom