Hóa đơn chứng từ trong QL thuế GTGT đ/v các nghiệp vụ KD bảo hiểm (1 người xem)

Liên hệ QC

Người dùng đang xem chủ đề này

Người Đưa Tin

Hạt cát sông Hằng
Thành viên danh dự
Tham gia
12/12/06
Bài viết
3,661
Được thích
18,158
Hóa đơn chứng từ trong quản lý thuế GTGT đối với các nghiệp vụ kinh doanh đặc thù đang được thực hiện tại các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH)

+ Ngày 21/01/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 09/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (KDBH)

+ Ngày 18/3/2011 Bộ Tài chính có ban hành Quyết định số 624/QĐ-BTC Về việc đính chính Thông tư số 09/2011/TT-BTC với nội dung sau:

Điều 1. Đính chính nội dung nêu tại Thông tư số 09/2011/TT-BTC ngày 21/01/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như sau:

Tại điểm b, khoản 2, Điều 9 đã in là:


"Khi thu phí bảo hiểm, từng doanh nghiệp đồng bảo hiểm cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng theo phần phí bảo hiểm nhận được và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Trường hợp ủy quyền cho một doanh nghiệp thu hộ phí bảo hiểm hoặc chỉ có một doanh nghiệp đứng tên trong hợp đồng thì thực hiện như đối với trường hợp thu hộ phí bảo hiểm hướng dẫn tại tiết d, khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

Khi mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng đồng bảo hiểm, hoá đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định chung. Trường hợp doanh nghiệp đồng bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp đứng tên trên hợp đồng chi thì thực hiện như đối với trường hợp chi hộ hướng dẫn tại tiết d, khoản 2, Điều 9 Thông tư này".​


Nay sửa thành:


"Khi thu phí bảo hiểm, từng doanh nghiệp đồng bảo hiểm cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng theo phần phí bảo hiểm nhận được và kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Trường hợp ủy quyền cho một doanh nghiệp thu hộ phí bảo hiểm hoặc chỉ có một doanh nghiệp đứng tên trong hợp đồng thì thực hiện như đối với trường hợp thu hộ phí bảo hiểm hướng dẫn tại điểm c, khoản 2 Điều 9 Thông tư này.

Khi mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng đồng bảo hiểm, hoá đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định chung. Trường hợp doanh nghiệp đồng bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp đứng tên trên hợp đồng chi thì thực hiện như đối với trường hợp chi hộ hướng dẫn tại điểm c, khoản 2, Điều 9 Thông tư này".​

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ thời điểm Thông tư số 09/2011/TT-BTC có hiệu lực và là một bộ phận không tách rời của Thông tư số 09/2011/TT-BTC./.

Tạp chí Tài chính điện tử số 90 (tháng 12/2010) và số 91 (tháng 01/2011), trong đó có rất nhiều nội dung đã được đưa ra thảo luận cùng bạn đọc trên chuyên mục CHUYỆN CHỈ NHỮNG NGƯỜI TRONG NGHỀ MỚI HIỂU

Tạp chí Tài chính Điện tử số 92 ngày 15/2/2011, trong số này, tiếp tục trao đổi để làm rõ thêm những nội dung hướng dẫn về hóa đơn chứng từ trong quản lý thuế GTGT đối với các nghiệp vụ kinh doanh đặc thù đang được thực hiện tại các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH)

Xin trích lại nội dụng bài viết này:

1- Hóa đơn chứng từ đối với nghiệp vụ đồng bảo hiểm (ĐBH).

Trước hết cần làm rõ về nghiệp vụ “đồng bảo hiểm” đang được diễn ra trong thực tiễn hiện nay như thế nào? Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật về KDBH thì các hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực bảo hiểm được gọi là Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), trong đó bắt buộc phải có các nội dung chủ yếu là: (i) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; (ii) Đối tượng bảo hiểm; (iii) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản; (iv) Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; (v) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; (vi) Thời hạn bảo hiểm; (vii) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; (viii) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; (ix) Các quy định giải quyết tranh chấp; (x) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng. Ngoài những nội dung này, hợp đồng bảo hiểm có thể còn có các nội dung khác do các bên thỏa thuận. Trong đời sống thực tế ngày càng xuất hiện nhiều hợp đồng bảo hiểm trong đó có sự tham gia của nhiều DNBH và thường được gọi là hợp đồng ĐBH. Một Bên mua bảo hiểm/yêu cầu bảo hiểm ký hợp đồng với nhiều DNBH cho một đối tượng được bảo hiểm hoặc người được thụ hưởng theo nguyên tắc số tiền phí bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm được phân định cho từng DNBH. Như vậy, có thể thấy mối quan hệ trong ĐBH là mối quan hệ trực tiếp giữa các DNBH với nhau và giữa từng DNBH với khách hàng.

Hợp đồng ĐBH cũng rất đa dạng, mỗi hợp đồng có thể bảo hiểm cho mọi rủi ro của khách hàng nhưng cũng không ít trường hợp chỉ có một rủi ro, một đối tượng bảo hiểm thôi nhưng có nhiều DNBH tham gia, họ chia nhau quyền về mức thu phí bảo hiểm đồng thời với việc chia nhau nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng. Tuy nhiên, theo tiêu chí trách nhiệm và phương thức triển khai thì các hợp đồng ĐBH được phân thành 2 loại: (1) Hợp đồng xác định rõ trách nhiệm, mức phí của từng DN; và (2) Hợp đồng do một DN đứng tên (leading) được các DN ủy quyền cho chịu trách nhiệm về việc thu phí và giải quyết bồi thường, chi trả các khoản phí khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Đáp ứng yêu cầu của thực tế trong lĩnh vực KDBH, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Điều 9 Thông tư số 09/2011) đã bao quát đầy đủ và quy định rõ nội dung thể hiện trên hóa đơn, chứng từ đối với cả 2 loại hình ĐBH trong suốt quá trình thực hiện thu phí, xử lý bồi thường khi sự kiện bảo hiểm (không ai mong muốn) xảy ra , cụ thể như sau:


(a)- Trường hợp mà hợp đồng ĐBH đã xác định rõ tỷ lệ đồng bảo hiểm hoặc ghi rõ mức phí, mức trách nhiệm của từng DNBH tham gia thì hóa đơn, chứng từ thực hiện theo quy định chung, đó là: Khi thu phí bảo hiểm, từng DN với tư cách là 1 đơn vị ĐBH sẽ cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng theo phần phí bảo hiểm gốc có thuế GTGT tương ứng với tỷ lệ ĐBH và thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Hóa đơn GTGT cũng thể hiện rõ mức tiền bảo hiểm theo giá chưa có thuế GTGT; thuế suất, tiền thuế GTGT; và tổng trị giá thanh tóan. Trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm phải xử lý bồi thường thì phần trách nhiệm bảo hiểm thuộc DN nào, DN đó sẽ tự chịu trách nhiệm. Chứng từ liên quan đến việc mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm sẽ thực hiện theo nguyên tắc: hoá đơn GTGT mang tên, địa chỉ, mã số thuế của DNBH nào (với tư cách người mua), thì DNBH đó sẽ thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hạch toán chi phí theo quy định chung.

(b)- Với trường hợp ĐBH trong đó có một DNBH đứng tên (leading) và được các DNBH cùng tham gia hợp đồng uỷ quyền làm đầu mối thu phí và chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường, chi trả các khoản phí liên quan đến HĐBH thì thực hiện theo hướng dẫn:


- Khi thu phí bảo hiểm theo hợp đồng, DNBH leading đứng tên xuất hoá đơn GTGT cho khách hàng, thực hiện kê khai tính thuế GTGT trên toàn bộ giá trị hợp đồng bảo hiểm theo quy định. Khi DN leading phân chia số tiền phí bảo hiểm theo tỷ lệ ĐBH cho các DN tham gia ĐBH (mức phí bảo hiểm không bao gồm thuế GTGT) thì các DNBH này sẽ xuất hoá đơn GTGT cho DN leading; trong đó ghi rõ hoá đơn ĐBH theo hợp đồng số,… ngày,…. tháng,… năm,… dòng thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Hoá đơn này là căn cứ để các doanh nghiệp ĐBH hạch toán doanh thu (chịu thuế TNDN) theo quy định, không phải tính thuế GTGT vì toàn bộ giá trị hợp đồng đã tính đủ thuế do DN leading kê khai.

- Khi DNBH leading thực hiện chi hộ cho các đơn vị ĐBH khoản chi phí phát sinh trong hợp đồng như chi bồi thường, hoa hồng bảo hiểm và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng thì DNBH leading đứng tên thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các khoản chi này. Khi tính phân chia chi phí (phân bổ) cho từng DNBH tham gia theo tỷ lệ ĐBH, doanh nghiệp leading đứng tên cấp hoá đơn GTGT cho các DN này; trên hoá đơn ghi rõ chi bồi thường và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng ĐBH (số,… ngày,… tháng,… năm… của hợp đồng) do DNBH leading đứng tên thực hiện, dòng thuế GTGT không ghi và gạch bỏ. Hoá đơn này là căn cứ để các DN tham gia ĐBH hạch toán chi phí theo quy định, không tính kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì toàn bộ khoản chi đầu vào đã được khấu trừ tại DNBH leading như nêu trên.


2- Xuất hóa đơn đối với trường hợp thu hộ, chi hộ cho DNBH khác

Hoạt động thu hộ, chi hộ thường diễn ra trong quan hệ hợp tác giữa các DNBH độc lập hoặc giữa DNBH với các đại lý bảo hiểm, do đó cần phân biệt rõ ranh giới giữa hành vi thu tiền, hạch toán dòng tiền với quyền, nghĩa vụ của các bên trong HĐBH và được thực hiện theo trình tự sau:

- Khi thu hộ tiền phí bảo hiểm, DN hoặc đại lý là tổ chức thu hộ có trách nhiệm lập hoá đơn GTGT giao cho khách hàng, trên hoá đơn ghi rõ thu hộ Công ty bảo hiểm (tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty) theo Hợp đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng). DN hoặc đại lý thu hộ không hạch toán doanh thu mà hạch toán khoản thu hộ nhưng phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản thu này.

- Đối với DNBH nhờ thu hộ: Khi nhận tiền từ DN thu hộ thì lập hoá đơn GTGT giao cho DN thu hộ, trên hoá đơn ghi rõ nhận tiền phí bảo hiểm do Công ty bảo hiểm hoặc đại lý thu hộ (tên, địa chỉ, mã số thuế của công ty) theo hợp đồng bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của hợp đồng); số thuế GTGT được ghi trên hoá đơn bằng đúng số thuế GTGT mà DN thu hộ đã thu của khách hàng. Hoá đơn này làm căn cứ để DN thu hộ khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi tính thuế GTGT phải nộp, đồng thời là căn cứ để DNBH nhờ thu hộ hạch toán doanh thu, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

- Khi chi hộ DNBH tiền mua hàng hoá, dịch vụ để bồi thường cho khách hàng, DN hoặc đại lý chi hộ yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hoá, dịch vụ xuất hoá đơn bán hàng theo tên, địa chỉ, mã số thuế của DNBH nhờ chi hộ; hoá đơn này được chuyển cho DNBH nhờ chi hộ để DN này thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào (nếu có) và hạch toán chi phí theo quy định.


3- Xuất hóa đơn đối với trường hợp thu hộ, chi hộ giữa các DN trực thuộc một DNBH hoặc giữa DN hạch toán phụ thuộc với trụ sở chính của DNBH

Việc xuất hoá đơn GTGT trong quan hệ nhờ thu/nhờ chi hộ giữa các DN trực thuộc một DNBH hạch toán độc lập, hoặc quan hệ nhờ thu/chi hộ giữa DN hạch toán phụ thuộc với trụ sở chính của DNBH cũng bảo đảm nguyên tắc không tính trùng lắp thuế GTGT, tiện lợi trong hạch toán, minh bạch trong giám sát như trường hợp thu/chi hộ nêu tại điểm 1 và điểm 2 trên đây nhưng được hướng dẫn cụ thể hơn như sau:


- Khi thu hộ tiền phí bảo hiểm, DN thu hộ thực hiện cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng và kê khai, nộp thuế GTGT đối với phần doanh thu thu hộ, đồng thời thông báo thu hộ cho DN nhờ thu hộ. Căn cứ vào thông báo này, DN nhờ thu hộ hạch toán doanh thu (không có thuế GTGT), không phải phát hành hoá đơn và không kê khai, nộp thuế đối với phần doanh thu nhờ thu hộ.

- Trường hợp DN nhờ thu hộ không yêu cầu DN thu hộ cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng thì DN thu hộ chỉ hạch toán nghiệp vụ thu hộ tiền và không kê khai, nộp thuế GTGT đối với số tiền thu hộ này. Căn cứ vào thông báo thu hộ, DN nhờ thu hộ sẽ cấp hoá đơn GTGT cho khách hàng và thực hiện kê khai, nộp thuế đối với phần doanh thu nhờ thu hộ (số tiền phí nhờ thu hộ).

- Khi thực hiện nghiệp vụ chi hộ, hoá đơn GTGT mang tên, mã số thuế của DN nào thì DN đó thực hiện kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời thông báo chi hộ cho DN nhờ chi hộ để DN này hạch toán chi phí.


4- Hóa đơn đối với trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm và giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm

Hoàn trả phí bảo hiểm thường xảy ra trong những trường hợp thay đổi yêu cầu bảo hiểm về phạm vi, mức trách nhiệm so với hợp đồng đã ký kết, cũng có những trường hợp người được bảo hiểm làm tốt công tác quản trị, ngăn chặn từ xa, giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro,… nên rút lại một phần hoặc toàn bộ yêu cầu bảo hiểm. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp xảy ra về trục lợi bảo hiểm thông qua việc rút lại yêu cầu bảo hiểm, đòi hoàn trả phí bảo hiểm. Do đó, các trường hợp hoàn trả phí bảo hiểm và gắn liền với nó là giảm mức hoa hồng môi giới bảo hiểm cần phải được kiểm soát kỹ càng và hoá đơn là một trong những công cụ hữu hiệu.

- Với trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là tổ chức kinh doanh nay có yêu cầu hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền phí bảo hiểm đã đóng thì DNBH yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm lập hoá đơn GTGT, trên hoá đơn ghi rõ số tiền phí bảo hiểm do DNBH hoàn trả, tiền thuế GTGT, lý do hoàn trả phí bảo hiểm (tương tự như hoá đơn GTGT xuất trả lại hàng đã mua). Hoá đơn này sẽ là căn cứ để DNBH điều chỉnh giảm doanh thu bán bảo hiểm, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu ra và tổ chức tham gia bảo hiểm điều chỉnh giảm chi phí mua bảo hiểm, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào đã kê khai khấu trừ.

- Trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là cá nhân hoặc tổ chức không kinh doanh, không có hoá đơn GTGT thì DNBH nhất thiết phải lập biên bản hoặc thoả thuận bằng văn bản trước khi hoàn trả tiền phí bảo hiểm. Trong văn bản này, DNBH và khách hàng tham gia bảo hiểm phải ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được hoàn trả (không bao gồm thuế GTGT), số tiền thuế GTGT theo hoá đơn thu phí bảo hiểm mà DNBH đã xuất trước đây (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Biên bản này được lưu giữ cùng với hoá đơn thu phí bảo hiểm vừa thu hồi (bản gốc) để DNBH làm căn cứ điều chỉnh kê khai doanh thu, thuế GTGT. Trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm không trả lại hoá đơn thu phí bảo hiểm (bản gốc) thì DNBH căn cứ vào liên 1 của tờ hoá đơn lưu tại DN và biên bản hoặc văn bản thoả thuận để thực hiện hoàn trả số tiền phí bảo hiểm theo mức giá/phí không có thuế GTGT. Đối với trường hợp giảm hoa hồng môi giới bảo hiểm thì thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật về môi giới bảo hiểm.

Còn tiếp
 
Tiếp theo

5- Hóa đơn đối với trường hợp giảm phí bảo hiểm

Điểm khác biệt gữa kinh doanh bảo hiểm so với hoạt động kinh doanh thông thường là ở chỗ người tham gia bảo hiểm có thể được giảm một phần phí bảo hiểm đã mua theo hoá đơn trong những trường hợp như vì lý do khách quan dẫn tới không xảy ra sự kiện bảo hiểm. Cũng có những trường hợp việc giảm phí bảo hiểm đã được cam kết trước, thí dụ DNBH và khách hàng thỏa thuận rằng đến hết thời hạn bảo hiểm nếu không xảy tổn thất hoặc tổn thất thấp hơn tỷ lệ quy định trong đơn bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm sẽ được giảm một phần phí bảo hiểm.

Trong những trường hợp giảm phí bảo hiểm như trên thì DNBH đương nhiên phải thực hiện điều chỉnh giảm phí bảo hiểm. Về thủ tục, DNBH và bên mua bảo hiểm phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được giảm theo hoá đơn (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), DNBH thực hiện việc xuất hoá đơn GTGT cho phần giảm phí này. Hoá đơn ghi rõ số tiền được điều chỉnh giảm phí [không được ghi số âm (-)], điều chỉnh giảm số thuế GTGT tương ứng cho hàng hoá, dịch vụ tại hoá đơn số, ký hiệu... Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh này, DNBH sẽ kê khai điều chỉnh giảm doanh thu và thuế GTGT đầu ra; và bên khách hàng tham gia bảo hiểm sẽ kê khai điều chỉnh giảm chi phí, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào.

6- Hóa đơn đối với trường hợp mua hàng về để dùng cho khuyến mại, quảng cáo, biếu tặng trong giao dịch phục vụ hoạt động của DNBH.

DN nói chung, DNBH nói riêng trong quá trình cạnh tranh thường triển khai các chương trình quảng bá, khuyến mại, quà tặng, chăm sóc khách hàng và khi đó xuất hiện nhu cầu mua hàng hoá, dịch vụ để tặng cho các khách hàng tham gia bảo hiểm của mình. Rõ ràng là, cho phí cho hoạt động này DNBH được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và phải chịu mức khống chế tối đa khi xác định chi phí được trừ để tính thu nhập chịu thuế TNDN (không quá 10% hoặc 15% chi phí chưa bao gồm khoản này, tuỳ thuộc vào DN đó đang hoạt động sau 3 năm hay là DN mới thành lập… ). Tuy nhiên, nghĩa vụ thuế GTGT có sự khác biệt giữa DNBH nhân thọ và phi nhân thọ là ở chỗ kê khai thuế GTGT đầu vào của hàng hoá mua vào để sử dụng cho mục đích này. Khi xuất dùng hàng hoá, dịch vụ mua vào cho các mục đích quảng bá, khuyến mại cần thực hiện quy định về hoá đơn như sau:

- Đối với hàng hoá, dịch vụ mà DNBH nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm nhân thọ thì mỗi khi xuất dùng phải lập hoá đơn GTGT, trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng không thu tiền; dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo. Trường hợp đại lý bảo hiểm hoặc khách hàng không yêu cầu lấy hoá đơn thì cuối ngày DNBH thực hiện lập chung một hoá đơn đối với hàng khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu, tặng phát sinh trong ngày.

- Đối với hàng hoá, dịch vụ mà DNBH phi nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ thì mỗi khi xuất dùng cũng phải lập hoá đơn GTGT. Trên hoá đơn ghi tên và số lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo không thu tiền; dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo. Trường hợp đại lý bảo hiểm hoặc khách hàng không yêu cầu lấy hoá đơn thì cuối ngày doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện lập chung một hoá đơn đối với hàng khuyến mại, quảng cáo phát sinh trong ngày.

7- Hóa đơn, chứng từ đối với những trường hợp khác

- Đối với DN làm công việc môi giới dịch vụ bảo hiểm mà các dịch vụ bảo hiểm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì số tiền thu được từ dịch vụ môi giới đó cũng sẽ không phải tính thuế GTGT đầu ra. Các đại lý bảo hiểm là tổ chức khi nhận hoa hồng đại lý bảo hiểm, hoa hồng môi giới bảo hiểm thì phải lập hóa đơn GTGT; trên hóa đơn cần ghi rõ số tiền môi giới, số tiền hoa hồng nhận được, dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo.

- Đối với DNBH, đại lý bảo hiểm trong quá trình hoạt động nếu được các DNBH hoặc cơ sở kinh doanh khác hỗ trợ, tài trợ tiền thì DNBH, đại lý bảo hiểm chỉ phải lập chứng từ thu, không phải xuất hoá đơn GTGT cho số tiền nhận được vì đây không phải là giao dịch mua/bán hàng hoá, dịch vụ. Khoản tài trợ nhận được này xác định là một khoản thu nhập khác để kê khai, nộp thuế TNDN theo quy định.

- Trường hợp DNBH thực hiện chi hỗ trợ cho các đại lý bảo hiểm thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về KD bảo hiểm. Khi chi tiền hỗ trợ, căn cứ mục đích hỗ trợ đã được ghi trong hợp đồng hỗ trợ để lập chứng từ chi tiền. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các đại lý của các DNBH, Tại cuối điều 9 của Thông tư hướng dẫn số 09/2011 có quy định ràng buộc : Số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào bằng tiền nhận hỗ trợ thì không được kê khai, khấu trừ.

Quy định về hoá đơn chứng từ luôn là vấn đề thời sự đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của nền kinh tế. Trong khi đó, bảo hiểm là một trong những hoạt động kinh doanh đặc thù, cho nên những hướng dẫn cụ thể về hoá đơn chứng từ trong Thông tư mới ban hành của Bộ Tài chính sẽ rất có ý nghĩa đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

(Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính)​

Và sau đây, cũng nhờ Ban Quản Trị của webketoan.vn cho tôi tham dự học miễn phí các lớp do webketoan.vn tổ chức, tôi cũng xin chia sẻ 1 số thông tin: “Hệ thống các quy định về hoá đơn năm 2011”

Xin chia sẻ các thông tin liên quan về mãng kinh doanh bảo hiểm

Về các tiêu thức trên hóa đơn



Cục thuế cần căn cứ từng trường hợp cụ thể, tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh để xác định và hướng dẫn DN, không áp dụng máy móc

- Đối với DN kinh doanh bảo hiểm: Phiếu thu tiền bảo hiểm được xác định là hóa đơn theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 153/2010/TT-BTC. Trường hợp DN in hóa đơn thì chỉ tiêu “tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng, đơn giá” có thể chuyển thành “nội dung thu phí bảo hiểm”,



Công văn số 5174/TCT-CS ngày 20/12/2010 của TCT V/v tăng cường công tác tuyên truyền DN đặt in hóa đơn.



Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


Ngày 15/12/2010 Tổng cục Thuế đã có công văn 5132/TCT-CS trả lời 13 vướng mắc của Cục thuế, công văn 5129/TCT-TVQT hướng dẫn 6 nội dung và Thông báo 290/TB-TCT thông báo kết quả hội nghị tập huấn và thông báo nội dung hỏi, trả lời 29 vấn đề liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 153/2010/TT-BTC.

Qua ý kiến phản ánh của các phương tiện thông tin, doanh nghiệp và một số Cục thuế về những băn khoăn, vướng mắc trong việc in các tiêu thức trên hóa đơn theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 quy định về các nội dung bắt buộc và nội dung không bắt buộc trên hóa đơn. Không có quy định về kiểu chữ, cỡ chữ và các chi tiết khác của 10 nội dung bắt buộc trên hóa đơn (theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4).

Về các tiêu thức trên hóa đơn:

- Đối với các tiêu thức quy định về ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn là các tiêu thức bắt buộc và phải đúng quy định. Vì vậy các tổ chức, cá nhân in hóa đơn phải đảm bảo in đúng các tiêu thức này trên hóa đơn.

- Trường hợp các tiêu thức bắt buộc khác trên hóa đơn của doanh nghiệp đã in không phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, không xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, không xác định được người mua hàng (hoặc người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), không xác định được tên hàng hóa dịch vụ - hoặc nội dung thu tiền…thì tổ chức, cá nhân phải in lại hóa đơn.

- Trường hợp các tiêu thức bắt buộc khác trên hóa đơn của doanh nghiệp đã in phản ánh đúng tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, xác định được nội dung hoạt động kinh tế phát sinh, số tiền thu được, xác định được người mua hàng (hoặc người nộp tiền, người thụ hưởng dịch vụ…), người bán hàng (hoặc người cung cấp dịch vụ…), tên hàng hóa dịch vụ - hoặc nội dung thu tiền…thì hóa đơn được chấp nhận.

- Cục thuế cần căn cứ từng trường hợp cụ thể, tính chất, đặc điểm của ngành nghề kinh doanh để xác định và hướng dẫn doanh nghiệp, không áp dụng máy móc.

Ví dụ:

- Đối với DN kinh doanh bảo hiểm: Phiếu thu tiền bảo hiểm được xác định là hóa đơn theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 153/2010/TT-BTC. Trường hợp DN in hóa đơn thì chỉ tiêu “tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng, đơn giá” có thể chuyển thành “nội dung thu phí bảo hiểm”,


- Đối với hóa đơn thu tiền điện: thì trên hóa đơn có thể có các tiêu thức để xác định được sản lượng điện tiêu thụ như “chỉ số mới”, “chỉ số cũ”, “hệ số”, “điện năng tiêu thụ” “thời gian sử dụng”, ..

- Đối với hóa đơn tiền nước thì trên hóa đơn có thể có các tiêu thức để xác định tổng lượng nước tiêu thụ như: “số đọc tháng này”, “số đọc tháng trước”, định mức tiêu thụ”, …

- Đối với hóa đơn thu tiền học phí: Do tiền học phí thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nên trên hóa đơn thu tiền học phí không nhất thiết phải có chỉ tiêu tiền thuế, thuế suất thuế GTGT, ngoài ra tiêu thức “họ tên người mua hàng” có thể chuyển thành “tên người nộp tiền”, tiêu thức “tên hàng hóa, dịch vụ” có thể chuyển thành “lý do nộp tiền” (nội dung này tại công văn số 5132/TCT-CS ngày 15/12/2010 đã có hướng dẫn).

Tổng cục Thuế trả lời để các Cục thuế biết, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn cho các doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện tốt Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 153/2010/TT-BTC./.


Chữ ký của người mua trên hoá đơn

Trường hợp Công ty với đặc thù hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, người mua bảo hiểm khi thanh toán phí bảo hiểm không thanh toán trực tiếp tại công ty mà thanh toán qua ngân hàng hoặc qua đại lý thì không nhất thiết phải có chữ ký của người mua hàng trên hoá đơn. Khi lập hoá đơn tại tiêu thức “Người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”, phải ghi rõ là: “thu phí dịch vụ qua ngân hàng” hoặc “thu qua đại lý”.




Công văn 901/TCT-CS ngày 18/03/2011 của TCT V/v trả lời vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư số 153/2010/TT-BTC



Kính gửi: Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Hàn Quốc (Việt Nam) - (Tầng 14, Toà nhà Fideco, số 81-83-83B-85 Hàm Nghi, Quận 1, TP.HCM)


Tổng cục Thuế nhận được công văn số 004/CV-2011 ngày 19/01/2011 của Công ty TNHH Bảo hiểm Hàn Quốc Việt Nam về các chỉ tiêu cho hoá đơn tự in sử dụng năm 2011. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1, Chữ ký của người mua trên hoá đơn:



Tại Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hướng dẫn:

"Tiêu thức người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên):

Riêng đối với việc mua hàng không trực tiếp như: Mua hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX thì người mua hàng không nhất thiết phải ký, ghi rõ họ tên trên hoá đơn. Khi lập hoá đơn tại tiêu thức "người mua hàng (ký ghi rõ họ tên)", người bán hàng phải ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX".

Trường hợp Công ty với đặc thù hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, người mua bảo hiểm khi thanh toán phí bảo hiểm không thanh toán trực tiếp tại công ty mà thanh toán qua ngân hàng hoặc qua đại lý thì không nhất thiết phải có chữ ký của người mua hàng trên hoá đơn. Khi lập hoá đơn tại tiêu thức "Người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)", phải ghi rõ là: "thu phí dịch vụ qua ngân hàng" hoặc "thu qua đại lý".​


2, Dấu và chữ ký của người bán:



Về nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn số 17716/BTC-TCT hướng dẫn cụ thể.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Hàn Quốc (Việt Nam) biết và đề nghị liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể./.​
 
Web KT

Bài viết mới nhất

Back
Top Bottom