D
digita
Guest
Sau đây là 1 câu chuyện do 1 người bạn gừi cho tôi. Trong dịp Tết đến, mọi người nên thận trọng hơn trong việc an toàn thực phẩm nhất là những thứ nhập từ Trung Quốc:
Gà thải, đồ lòng lợn, bò, dê, chân gà... ướp hóa chất độc hại từ Trung Quốc đang được nhập lậu ồ ạt về Việt Nam. Những loại thực phẩm này dân Trung Quốc không thèm ăn vẫn đang ngày ngày chảy qua biên giới, rồi ồ ạt về các đô thị. Khi đến những quán ăn, chân gà nướng, nội tạng động vật trở thành món ăn khoái khẩu của không ít thực khách. "Trắng hếu, nhạt, luộc lên thấy nước hơi tanh và có vị lạ; riêng lòng lợn ném xuống đất nẩy cái bịch" - đó là cách phân biệt mà một tiểu thương tên Hương tại chợ Kỳ Lừa, Lạng Sơn chỉ cho tôi khi nghe hỏi về nội tạng động vật tươi sống.
Cũng theo chị Hương, trước đây ở xứ Lạng, chân gà, nội tạng lợn bán đầy, dọc các đường cũng có. Nhưng giờ dân vùng biên chỉ bán về xuôi chứ không dám ăn vì... kinh lắm.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi tại Lạng Sơn cũng có hàng chục cửa hàng ăn sử dụng gà thải, nội tạng động vật Trung Quốc để bán cho khách hàng.
Tẩm hóa chất
Theo chỉ dẫn của một người từng giữ mối phân phối chân gà Trung Quốc ở Hà Nội, chúng tôi lên Lạng Sơn với mục đích chứng kiến tận mắt cảnh chân gà lậu "nhập cảnh" VN.
Tuy nhiên ngoài chân, cánh gà, gia nhập nhóm hàng lậu tươi sống năm nay còn được bổ sung cả nạm dê, nội tạng bò... đáp ứng những quán nhậu treo biển "nầm dê chiên" đang thịnh hành ở Hà Nội và một số đô thị khác.
Theo chân một tay buôn tên Tuyến - người Thái Bình - ra sát biên giới, chúng tôi thấy những túi nilông đen ngòm. "Chân gà đấy - Tuyến nói - Hàng đã được đóng từ Trung Quốc, về đến các dốc chỉ việc để cửu vạn gánh mang sang là xong".
Theo tiết lộ từ Tuyến, tất cả hàng chân, cánh gà Trung Quốc đều được tẩm "chất gì trăng trắng". Không những thế, nội tạng động vật còn được ngâm hẳn trong hóa chất. "Thịt đang mềm oặt, hôi, nhưng sau khi nhúng vào, sờ tươi nguyên, không còn mùi gì hết".
Từng vào sâu nội địa Trung Quốc để "săn" hàng, Tuyến kể: "Chủ loại hàng nội tạng động vật trước tôi định bắt tay là một tư thương nhỏ người Trung Quốc thiểu số. Hàng của nó, nói thật, toàn hàng tồn, hàng bệnh từ các nơi. Mua về, hàng để phệt ngay xuống sàn ximăng. Vài thằng ngồi lọc, cái nào hôi, nát quá dành để cô nước dùng bán cho các tiệm lẩu, phở. Hàng nào còn tạm sẽ được nhúng vào thùng hóa chất".
Thùng đó độc thế nào? Tuyến bảo không biết nhưng "lúc gần về, thấy một con chuột bị đuổi sa vào, được vớt ra ngay nhưng lát sau đã lăn ra chết!". Giọng hùng hồn, Tuyến cũng phải lắc đầu: "Tiền cũng thèm, nhưng chơi hàng này sợ quá, nhỡ ngấm hơi khéo cũng chết nên... chơi gà sống thôi".
Nội tạng đã vậy, chân gà cũng không hơn. Lô chân gà vừa được xé lẻ dưới chân Thác Ném mốc xanh mốc đỏ nhanh chóng được khuân vào nhà dân ngay dưới dốc. Tuyến lý giải mốc thế thôi nhưng ngâm xà phòng, lấy bàn chải sắt đánh là lại tươi nguyên.
Hàng chân gà đã ướp formon hoặc hóa chất nên khi xử lý mốc cũng đơn giản, vẫn đảm bảo tươi sống. Khi nướng lên, các chủ cửa hàng chân gà nướng chỉ cần gia giảm các loại gia vị cho át mùi là lại thành đặc sản.
Theo Tuyến, chân gà nhập từ nước bạn về chẳng còn tí mùi vị gì, dai nhách. Chỉ đến khi vào tay các chủ hàng chân gà thì nó mới thơm ngon, kể cả hương vị cũng là đánh lừa miệng khách hàng.
Biết độc nhưng vẫn cứ nhập
Nhắc đến đường buôn gà thải, chân gà, nội tạng động vật... qua biên giới Lạng Sơn, bất cứ dân buôn lậu nào cũng nhắc đến Bãi Gianh.
Nội tạng heo, bò... được nhập về VN.
Nằm cách cửa khẩu Hữu Nghị chỉ gần 1km, Bãi Gianh từ lâu nổi tiếng là địa điểm tập kết gà thải và chân gà Trung Quốc. Nằm kề bên quốc lộ 1, cứ chiều chiều hàng trăm cửu vạn và "chim lợn" (người canh chừng - NV) lại tụ tập chờ đến giờ cất hàng.
Đêm xuống, khi "chim lợn" phát tín hiệu đường thông, hàng trăm người bắt đầu ùn ùn kéo lên núi theo đường mòn để sang đất Trung Quốc. Ở bên đó, gà thải đã được đóng sẵn vào từng sọt, chân gà, nội tạng đã được bọc kín trong các kiện nilông, chỉ chờ cửu vạn VN sang khuân vác.
Cũng như Bãi Giang, tuyến Hang Dơi vốn là trọng điểm về buôn bán hàng lậu đôi khi cũng có những chuyến hàng nội tạng, chân gà được chuyển về. Hàng không nhiều nhưng chỉ xuống đến dốc, chân gà, nội tạng đã được xé lẻ chuyển vào nhà dân trước khi đưa về Đồng Đăng, thành phố tiêu thụ.
Từ xe ôm đến bà bán hàng ở chợ Kỳ Lừa đều biết hàng nội tạng Trung Quốc độc nhưng số lượng nội tạng động vật Trung Quốc tuồn về xuôi không nhỏ. Và khi đã lọt qua các trạm kiểm soát ở Lạng Sơn thì tại các chợ không ai có thể nhận ra đâu là nội tạng bò, lợn Trung Quốc khi nó được trộn lẫn vào hàng tươi sống khác bày ra chợ.